Lịch sử xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa (Phần VI)

10:43 08-08-2023

(Tiếp theo kỳ trước)

Phản đối Trung Quốc xâm chiếm trái phép các đảo đá tại Trường Sa

Năm 1988, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông báo cho Liên hợp quốc, gửi nhiều công hàm phản đối đến Bắc Kinh và đặc biệt là các Công hàm ngày 16, 17, 23 tháng 3 năm 1988 đề nghị hai bên thương lượng giải quyết vấn đề tranh chấp. Trung Quốc tiếp tục chiếm giữ các bãi đá đã chiếm được và khước từ thương lượng. Ngày 14 tháng 4 năm 1988, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phản đối việc Quốc hội Trung Quốc sáp nhập hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Hải Nam (Nghị quyết ngày 13/4/1988 thành lập tỉnh Hải Nam).

Tháng 4-1988, Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố Sách Trắng "Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Luật pháp quốc tế".

Ngày 4-3-1992, Bộ ngoại giao Việt Nam gửi Công hàm phản đối "Pháp lệnh về lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải của CHND Trung Hoa". Công hàm khẳng định Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 22-1-1994, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố Việt Nam có quyền kiểm soát đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam là nước đầu tiên chiếm hữu và quản lý nhà nước hai quần đảo này từ thế kỷ XVII.

Đại Nam nhất thống toàn đồ thời nhà Nguyễn xác định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Ảnh tư liệu

Ngày 23-6-1994, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982, trong đó, đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình với các nước có liên quan. Quốc hội còn nhấn mạnh cần phân biệt vấn đế tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa với vấn đề phân định các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia theo đúng các tiêu chuẩn của Pháp luật quốc tế.

Ngày 1-1-1997, Đà Nẵng tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương, Huyện đảo Hoàng Sa được đặt dưới sự quản lý của chính quyền Thàng phố Đà Nẵng. Địa điểm của trụ sở UBND huyện Hoàng Sa được đặt tại 132 đường Yên Bái, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Song song với việc tuyển dụng cán bộ nhân viên hành chính, ngày 25-4-2009, UBND thành phố Đà Nẵng đã ra Quyết định bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa.

Ngày 2-6-1999, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam đã thông báo lập trường của Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá tại vùng phía Bắc Biển Đông, trong đó có khu vực quần đảo Hoàng Sa, từ ngày 1 tháng 6 đến ngày 31 tháng 7 năm 1999 .

Ngày 27-12-2000, Việt Nam bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc ngày 26 tháng 12 năm 2000 nói rằng họ mới là chủ nhân của 2 quần đảo mà cả 2 nước đều nhận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có đầy đủ các bằng chứng pháp lý và lịch sử để chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi dối vơi 2 quần đảo này.

Ngày 1-6-2002, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam phản đối việc Trung Quốc tiếp tục ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ 1 tháng 6 đến 1 tháng 8 năm 2002.

Ngày 24-4-2003, Việt Nam trao Bản ghi nhớ cho phía Trung Quốc phản đối việc Trung Quốc đưa tàu đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và Thềm lục địa Việt Nam để tiến hành khảo sát địa chấn.

Ngày 29-1-2004, Bảo tàng Đà Nẵng đã mở cửa Phòng trưng bày những tư liệu lịch sử về huyện đảo Hoàng Sa, Thành phố Đà Nẵng, tại 78 Lê Duẩn, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Những tư liệu được trưng bày do UBND huyện Hoàng Sa cung cấp, với gần 100 loại bản đồ, sơ đồ, bút tích, mô hình, tư liệu gốc…

Ngày 2 tháng 10 năm 2004, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh phản đối và yêu cầu phía Trung Quốc dừng ngay việc tập trận tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 17 tháng 2 năm 2005, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối những hoạt động thăm dò, khảo sát của Trung Quốc tại khu vực 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 28 tháng 12 năm 2006, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiến phản đối việc Trung Quốc dựng bia chủ quyền ở Hoàng Sa, lên án việc làm này đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 24 tháng 4 năm 2007, Hội đồng bầu cử Quốc hội đã công bố danh sách ứng cử viên Đại biểu Quốc Hội khóa XII theo từng Đơn vị bầu cử, trong đó có khu vực bầu cử thuộc Huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) và Huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa) .

Ngày 3 tháng 12 năm 2007, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản đối Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa để quản lý 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 7 tháng 12 năm 2007, tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 HĐND thành phố Đà Nẵng, toàn thể đại biểu HĐND thành phố đã thống nhất kiến nghị đưa nội dung lên án và phản đối việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào Nghị quyết của HĐND thành phố năm 2008.

Cũng trong thời gian này, các tổ chức người Việt Nam ở nước ngoài đã công bố văn bản khẳng định lập trường của người Việt Nam trên toàn cầu, lên án chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc trong việc thành lập thành phố Tam Sa để quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 9 tháng 12 năm 2007, tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hàng trăm người Việt Nam đã xuống đường biểu tình ôn hòa phản đối Trung quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong việc Trung Quốc đã thành lập thành phố hành chính cấp huyện nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Ngày 11 tháng 12 năm 2007, UBND huyện Hoàng Sa đã tổ chức cuộc gặp gỡ với những người đã từng sống và làm việc trên đảo Hoàng Sa. Đó là những cựu nhân viên của Trạm quan trắc khí tượng Hoàng Sa, hiện đang sống tại thành phố Đà Nẵng.

Ngày 13 tháng 3 năm 2009, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối quyết định của Trung Quốc cho phép một công ty du lịch mở tuyến du lịch đến quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 17 tháng 3 năm 2009, mạng RFA đưa tin, hôm thứ 3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố Việt Nam đang theo dõi sát sao hoạt động của tàu Ngư chính 311 của Trung Quốc trên Biển Đông và khẳng định rằng Việt Nam có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngày 6 tháng 4 năm 2009, Báo Tiền Phong đưa tin các thế hệ gia tộc Họ Đặng ở Huyện đảo Lý Sơn đã gìn giữ các bản gốc Chứng chỉ, Sắc phong… của Nhà Nguyễn có liên quan đến hoạt động của Đội Hoàng Sa. Sáng 9 tháng 4 năm 2009, dòng tộc Họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện Lý Sơn tổ chức lễ hiến tặng và bàn giao tờ lệnh quý liên quan đến hoat động của Đội Hoàng Sa cho Nhà nước.

Ông Đặng Lên, đại diện gia đình họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn hiến tặng tờ lệnh quý cho Nhà nước vào tháng 4-2009. Đây là những tài liệu vô cùng quý giá liên quan tới chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà gia tộc họ Đặng đã gìn giữ suốt 175 năm qua. Ảnh: Trí Tín

Ngày 25 tháng 4 năm 2009, Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể lễ công bố Quyết định bổ nhiệm chức danh Chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa đối với ông Đặng Công Ngữ.

Ngày 29 tháng 6 năm 2009, tại Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế nhà nghiên cứu Huế Phan Thuận An đã bàn giao tờ châu bản có chữ ký và ngự phê của Vua Bảo Đại liên quan đến chủ quyền Việt Nam đối vớ quần đảo Hoàng Sa cho Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Ngày 16 tháng 11 năm 2009, Việt Nam phản đối về việc ngày 8 tháng 11 năm 2009 Chính quyền tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã quyết định thành lập cái gọi là "UB thôn đảo Vĩnh Hưng" và "Triệu Thuật", tức là đảo Phú Lâm và Đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Ngày 15 tháng 6 năm 2010, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam gặp Đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội phản đối các hoạt động của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa, trong đó có việc Trung Quốc đã thuê tàu Panama (M/V Western Spirit) tiến hành khảo sát địa chấn khu vưc xung quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 22 tháng 6 năm 2010, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc Ủy ban Cải cách và phát triển nhà nước Trung Quốc đã phê duyệt "Cương yếu quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam năm 2010-2020", bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có kế hoạch tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa.

Ngày 6 tháng 11 năm 2010, Việt Nam phản đối việc Cục Đo đạc và Bản đồ quốc gia Trung Quốc đã khai trương mạng Map World, thể hiện đường biên giới biển 9 đoạn bao trùm 80% Biển Đông.

Ngày 17 tháng 2 năm 2011, Trước việc Trung Quốc tiến hành tập trận tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn BNG Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt mọi hoạt động vi phạm chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo này, yêu cầu Trung Quốc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử Biển Đông (DOC ), góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Ngày 3 tháng 5 năm 2011, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã gửi thư lên Ban phụ trách các vấn đề Đại dương và Luật Biển nêu rõ quan điểm của Việt Nam đối với 2 văn bản do Philippines và Trung Quốc gửi lên Tổng Thư ký LHQ trước đó và khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, Viêt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo này.

Ngày 24 tháng 11 năm 2011, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố phản đối chính quyền tỉnh Hải Nam ngày 22 tháng 11 năm 2011 đã cấp phép cho 1 Công ty du lịch đưa khách đi tham quan từ Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa, khẳng định việc làm này là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Ra mắt “Kỷ yếu Hoàng Sa”

Ngày 19 tháng 1 năm 2012, UBND huyện Hoàng Sa ra mắt “Kỷ yếu Hoàng Sa”, một ấn đặc biệt giới thiệu khái quát các thông tin, tư liệu về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử chủ quyền, các hoạt động của UBND huyện Hoàng Sa, ghi lại hình ảnh và hồi ức, tâm nguyện của các nhân chứng lịch sử đã từng sinh sống và làm việc trên quần đảo Hoàng Sa.

Cũng trong năm 2012, UBND huyện Hoàng Sa phối hợp Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng tổ chức nghiên cứu hai Đề tài khoa học về Hoàng Sa, gồm Đề tài “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa” và Đề tài “Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tư liệu lưu trữ của Chính quyền Việt Nam cộng hòa (1954-1975)” qua đó phát hiện, hệ thống hóa nhiều tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong thời gian này, ông Trần Thắng, một Việt kiều đang sinh sống tại Mỹ đã cùng với đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước tổ chức sưu tầm được 3 quyển Atlat bản đồ do nhà nước Trung Quốc phát hành các năm 1908, 1919 và 1933, cùng với 150 bản đồ của Việt Nam, Trung Quốc và các nước phương Tây ấn hành, trong đó thể hiện cực nam của lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam, hoàn toàn không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam như họ tuyên bố tranh chấp.

Bản đồ Đại Thanh đế quốc nằm trong tập Đại Thanh đế quốc toàn đồ in năm Quang Tự thứ 31, nhà Thanh, tức năm 1905, về phía Nam, biên giới Trung Quốc chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam. Ảnh tư liệu

Ngày 20 tháng 1 năm 2013, UBND huyện Hoàng Sa đã phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng và Báo Tuổi trẻ tổ chức chương trình triển lãm toàn bộ các tư liệu trên. Hàng ngàn người dân thành phố Đà Nẵng đã đến xem và thông tin được tuyên truyền rộng rãi trên tất cả các phương tiện truyền thông cả nước, tạo nên sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân đối với vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Điểm qua các sự kiện chủ yếu xảy ra có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa trong các giai đoạn khác nhau, với những diễn biến thăng trầm của lịch sử, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định được rằng Việt Nam có đủ các bằng chứng pháp lý và cứ liệu lịch sử có giá trị để chứng minh và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của mình đối với quần đảo Hoàng Sa hiện đang nằm dưới sự chiếm đóng bất hợp pháp của lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Đúng như lời tuyên bố lịch sử của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, trước các Đại biểu Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 13, ngày 25 tháng 11 năm 2011: "Việt Nam có đủ căn cứ pháp lý và lịch sử khẳng định rằng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Viêt Nam. Chúng ta làm chủ thật sự, ít nhất là từ thế kỷ XVII, khi hai quần đảo này chưa thuộc bất kỳ quốc gia nào. Chúng ta đã làm chủ trên thực tế và liên tục, hòa bình".

"Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này phù hợp với Hiến chương LHQ, phù hợp với Công ước Luật Biển năm 1982”./.

Trần Anh (theo UBND huyện Hoàng Sa)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang