Lính biển chung tay vì môi trường biển xanh: Kỳ 2: Tàu Hải quân chở rác… về bờ

17:26 02-06-2021

Nhận thức sâu sắc về tác động, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường biển, những năm gần đây cán bộ, chiến sĩ Hải quân tại các nhà giàn trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thu gom, xử lý rác thải, hạn chế đến mức thấp nhất tác động đến môi trường biển.

Các chuyến tàu cấp hàng kết hợp đưa đón cán bộ chiến sĩ nhà giàn về đất liền thường có thêm một nhiệm vụ là vận chuyển rác thải từ các nhà giàn đưa về bờ xử lý. Giống như các chuyến tàu khác, trên con tàu về cảng hôm nay cũng có rất nhiều bao chứa rác được ghi rõ đơn vị, loại rác và xếp gọn gàng. Tàu vừa cập cảng, các bao rác thải tiếp tục được phân loại để đưa bán phế liệu hoặc đưa đi xử lý tập trung.

Trung uý Trần Khánh Nhật, Phó chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/12, Tiểu đoàn DK1, Vùng 2 Hải quân cho biết: “Chúng tôi xác định bảo vệ môi trường biển là nhiệm vụ cấp bách của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Tiểu đoàn đã thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ cùng ngư dân bảo vệ môi trường biển đồng thời thực hiện đồng bộ các biện pháp để hạn chế tối đa việc xả thải trực tiếp ra môi trường”.

Cán bộ, chiến sĩ chuyển rác thải nhựa từ nhà giàn lên tàu, đưa về đất liền để xử lý.

Thời gian gần đây, số lượng rác thải trôi dạt quanh các nhà giàn ngày càng nhiều gây ra tình trạng ô nhiễm, ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường biển khu vực nhà giàn. Rác thải phần lớn là từ các vùng biển khác theo sóng gió trôi về.

Chủ động bảo vệ môi trường, Tiểu đoàn DK1 thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là giáo dục, tuyên truyền về tác hại, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường biển đối với sức khỏe cộng đồng và đời sống bộ đội. Thiếu tá Nguyễn Trung Dũng, Tiểu đoàn trưởng, Tiểu đoàn DK1 chia sẻ: “Tiểu đoàn DK1 đã phát động phong trào “Bảo vệ một môi trường biển xanh, sạch” để tạo chuyển biến trong ý thức, thói quen sinh hoạt của bộ đội. Chúng tôi quán triệt kỹ cho anh em là không xả rác trực tiếp xuống biển và cùng nhau nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”.

Rác thải vô cơ được Tiểu đoàn DK1 thu gom đưa về bờ, xử lý tập trung. Ảnh: Minh Thắng

Hằng ngày, cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn đều tổ chức thu gom, phân loại rác thải. Những loại rác thải rắn, khó phân hủy như: đồ hộp kim loại, nhựa, túi ni lông… được ép mỏng, đóng vào các bao, tập kết tại một vị trí phù hợp để sau đó đưa lên các tàu cấp hàng, chuyển vào bờ xử lý tập trung. Trong ngày nghỉ, giờ nghỉ cán bộ, chiến sĩ nhà giàn sử dụng gậy dài, đầu buộc câu liêm để vớt các bao bóng, túi ni lông, bị sóng đánh dạt vào khu vực chân nhà giàn.

Trước đây lương thực, thực phẩm từ đất liền chuyển ra các nhà giàn như thịt lợn, gạo, đậu, các loại gia vị… chủ yếu được bọc trong các túi nilon, bao bảo quản, thì nay được đơn vị chỉ đạo sử dụng bằng bao bì, túi đựng nhiều lần và những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn cùng nhau nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần và đẩy mạnh thực hiện phong trào “Bảo vệ một môi trường biển xanh, sạch”. Ảnh: Hoàng Minh

Ở khu vực biển thềm lục địa phía Nam một số ngư dân vẫn còn thói quen xả rác sinh hoạt trực tiếp xuống biển. Vì vậy, trong các đợt tàu cá của ngư dân vào khu vực nhà giàn tránh trú gió, bão, chỉ huy đảo lồng ghép các nội dung tuyên truyền với tuyên truyền bảo vệ môi trường biển. Thiếu tá Vũ Văn Hậu, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/15 cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền để bà con hiểu được tác hại của việc xả thải trực tiếp xuống biển; hướng dẫn ngư dân phân loại rác, trong đó những rác thải rắn, khó phân hủy như: Vỏ lon, vỏ hộp, chai nhựa, túi nilon… thì phải đập bẹp, ép nhỏ lại, đóng vào các bao sau đó mang vào các nhà giàn gửi hoặc mang vào bờ để xử lý chứ không được xả thẳng xuống biển. Chúng tôi cũng vận động ngư dân bảo vệ môi trường sinh thái biển như: Cấm tuyệt đối việc nổ mìn khai thác cá; không đổ cặn dầu ra biển và nêu cao ý thức bảo vệ môi trường biển”.

Hiện nay, mặc dù ở các Nhà giàn DK1 mức độ ô nhiễm do rác thải trên biển không lớn song cán bộ chiến sĩ cũng rất cần có máy ép rác chuyên dụng và lò đốt rác. Cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn mong muốn có các máy móc hiện đại để xử lý cá tươi, rác thải thành phân hữu cơ, vừa phục vụ trồng rau xanh nâng cao chất lượng đời sống của bộ đội và cũng là để chống ô nhiễm môi trường, góp phần làm cho biển xanh hơn, sạch hơn./.

Nguồn:baohaiquanvietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang