Linh hoạt các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nơi biên giới, hải đảo

20:25 12-09-2021

VBĐVN.vn - Để đáp ứng được kỳ vọng và hoàn thành các mục tiêu của Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo, giai đoạn 2017-2021”, thời gian qua, Ban Chỉ đạo đề án Bộ Quốc phòng giao cho Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo đề án các tỉnh, thành phố biên giới triển khai đồng bộ, đa dạng các hình thức, biện pháp tuyên truyền, PBGDPL, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của từng cơ quan, đơn vị và đối tượng.

Trong đó, chú trọng việc gắn tuyên truyền, PBGDPL với công tác vận động quần chúng nhân dân chấp hành mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Một trong những hình thức khá phù hợp đối với địa bàn biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là công tác tuyên truyền miệng. Đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật đã đẩy mạnh hoạt động này tại các hội nghị hoặc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể. Đồng thời, tuyên truyền miệng trực tiếp tại các cuộc họp, sinh hoạt thôn bản, khu dân cư, các phiên chợ, dịp lễ, hội.

Với mỗi nhóm đối tượng, Tổ tuyên truyền pháp luật nghiên cứu, xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức tuyên truyền phù hợp. Trong quá trình thực hiện tuyên truyền miệng, các báo cáo viên, tuyên truyền viên đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong biên soạn tài liệu, trình chiếu các chuyên đề, bài giảng, với nhiều hình ảnh, video clip minh họa sinh động, thu hút người nghe.

Cán bộ BĐBP Hà Tĩnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trên địa bàn (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). Ảnh: Thế Mạnh

Cùng với đó, bằng sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 44 tỉnh, thành phố biên giới đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.

BĐBP các tỉnh, thành phố cũng đã chủ động xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo, các nhân tố tích cực, gương điển hình của tập thể, cá nhân trong chấp hành pháp luật, để đăng tải trên các báo in, báo điện tử, tạp chí, bản tin, Website, trang fanpage và mạng xã hội... góp phần xây dựng xã hội an toàn, lan tỏa sâu rộng khẩu hiệu “Sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật”.

Vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện trọng đại của đất nước, Bộ Tư lệnh BĐBP cũng chỉ đạo Đoàn Văn công BĐBP và trên 500 tổ, đội Tuyên truyền văn hóa trực thuộc BĐBP các tỉnh, thành phố phối hợp với ngành văn hóa, lực lượng Công an, Quân sự địa phương và các tổ chức, đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân... xây dựng chương trình văn nghệ, biểu diễn các tiểu phẩm, lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật và kết hợp chiếu phim phục vụ cán bộ, nhân dân khu vực biên giới.

Trong 5 năm gần đây, Ban Chỉ đạo đề án các tỉnh, thành phố đã tích cực tổ chức được trên 7.000 buổi biểu diễn, thu hút gần 500.000 lượt người dân tham gia, hưởng ứng. Việc lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn với PBGDPL là hình thức tuyên truyền sinh động, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân khu vực biên giới. Đồng thời, có tác động trực tiếp, tạo cảm xúc, ấn tượng sâu sắc đến nhận thức và hành động của nhân dân, góp phần tăng cường sự đoàn kết quân dân, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đánh giá cao.

Ngoài ra, một số hình thức truyền thống như: tuyên truyền trên bảng tin, hệ thống pa nô, bảng ảnh, truyền thanh nội bộ, qua các cụm thông tin đối ngoại ở các khu vực biên giới, cửa khẩu... cũng mang lại hiệu quả đáng kể.

Đặc biệt, hình thức tuyên truyền, PBGDPL qua hệ thống mạng lưới phát thanh - truyền thanh, tủ sách và phòng đọc cơ sở đã trở thành “thương hiệu” trên biên giới. Là hình thức truyền tin nhanh, kịp thời và gần gũi với người dân ở cơ sở, nên việc áp dụng hình thức này sẽ giúp các đồn Biên phòng và cơ quan văn hóa, truyền thanh xã hoàn toàn chủ động về thời gian, chủ động lựa chọn nội dung, có thể thực hiện phát thanh được nhiều lần, tiết kiệm thời gian, công sức và kinh phí vì không phải tập trung người dân tại một điểm để PBGDPL. Nhất là trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp như hiện nay thì hình thức này vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa có khả năng tác động tới nhiều đối tượng trong cùng một thời gian.

Qua 5 năm, Đài Truyền thanh các huyện biên giới, các cụm loa Biên phòng được lắp đặt tại các xã, phường, thị trấn, khu dân cư, thôn bản và hệ thống loa tuyên truyền lưu động của các đồn Biên phòng đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, cùng nhau thực hiện phát thanh hàng nghìn giờ. Các bản tin phát thanh, truyền thanh không ngừng tăng về dung lượng và số lượng, kịp thời giới thiệu các văn bản pháp luật mới cho nhân dân.

Cùng với đó, 117 tổ tuyên truyền lưu động của BĐBP trên toàn tuyến biên giới đã áp dụng mô hình “Tiếng loa Biên phòng” để tuyên truyền về pháp luật, an toàn giao thông và phát định kỳ hằng tuần, hằng ngày, từ đó, phát huy tác dụng trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ở khu vực biên giới hiện nay.

Một điểm sáng khác được kết thành từ những nỗ lực trong hơn 20 năm xây dựng “điểm sáng văn hóa vùng biên” của BĐBP. Đó là, với hơn 2.000 tủ sách các loại được đặt tại các xã, phường biên giới, hải đảo, các đơn vị Quân đội, Công an đứng chân trên địa bàn đã tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, học sinh nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật. Những kiến thức về chính trị, văn hóa, pháp luật từ sách, báo đã phục vụ đồng bào và chiến sĩ vùng biên giới rất hiệu quả, duy trì văn hóa đọc trong cộng đồng. Hiện nay, bình quân mỗi tủ sách có từ 1.000 đến 3.000 cuốn sách các loại và báo, tạp chí và luân chuyển hàng ngàn túi sách pháp luật đến các thôn làng, xóm ấp.

Có thể thấy rằng, với tinh thần chủ động và trách nhiệm, BĐBP đã cùng các địa phương, đơn vị bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, huy động tối đa mọi nguồn lực, nhân lực, phát huy vai trò của hệ thống chính trị để linh hoạt, sáng tạo trong triển khai các hình thức tuyên truyền phù hợp và hiệu quả nhất. Điều đó đã góp phần vào việc hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, đáp ứng được kỳ vọng của Chính phủ, cán bộ và nhân dân vùng biên giới, hải đảo.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang