Luyện giỏi, rèn nghiêm, vững tin bám biển

07:50 30-10-2023

VBĐVN.vn - Nói đến Vùng 3 Hải quân (Quân chủng Hải quân) là nói đến những người giữ biển miền Trung với những chiến công thầm lặng. Bộ tư lệnh Vùng đóng quân tại Đà Nẵng, nhưng phần lớn đơn vị kho, đài, trạm radar lại ở nơi núi cao, đảo xa; các tàu thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển. Thế nên công tác huấn luyện, SSCĐ và bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội là vấn đề then chốt. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Đại tá Nguyễn Thiên Quân, Tư lệnh Vùng 3 Hải quân về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Tư lệnh, Vùng 3 Hải quân được phân công quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển suốt chiều dài 7 tỉnh, thành phố duyên hải miền Trung, trong đó có nhiều khu vực đảo và quần đảo tiền tiêu giữ vị trí chiến lược quan trọng. Với đặc thù như vậy, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng xác định những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo như thế nào để hoàn thành tốt nhiệm vụ?

Đại tá NGUYỄN THIÊN QUÂN: Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới, công tác huấn luyện, SSCĐ luôn được Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng 3 quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Trong đó tập trung quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2023-2030 và những năm tiếp theo.

Bộ tư lệnh Vùng luôn coi trọng huấn luyện sát thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, nhất là yêu cầu, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động, phương án tác chiến cụ thể. Trong thực hành huấn luyện, bám sát phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc”; lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, xây dựng Vùng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và nhiệm vụ bắn đạn thật làm mục tiêu huấn luyện. Các cơ quan, đơn vị đột phá vào nội dung “cơ bản, làm chủ, chuyên sâu trong khai thác, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật và thực hiện quy tắc an toàn”, chú trọng bồi dưỡng kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao kỹ năng thực hành trên biển của bộ đội; gắn huấn luyện với xây dựng nền nếp chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn. Phát huy tốt dân chủ quân sự, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức huấn luyện sát phương án, sát thực tế chiến trường, vũ khí, trang bị.

Lãnh đạo Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân kiểm tra thực hiện ngày kỹ thuật ở Lữ đoàn 172. Ảnh: QUANG HỆ

Để các lực lượng tàu tác chiến được trên những vùng biển khác nhau, các đơn vị tàu thường xuyên huấn luyện ở nhiều khu vực để bộ đội làm quen chiến trường. Quá trình huấn luyện trên biển luôn tính toán kỹ các phương án sao cho vừa bảo đảm tiết kiệm nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, phát huy tốt tính năng, tác dụng của các loại trang bị, phương tiện và cơ sở vật chất. Đối với những nội dung thực hành sử dụng vũ khí trên biển đều được huấn luyện kỹ tại bến. Mỗi lần tổ chức các biên đội cơ động bắn đạn thật hoặc thả, rà quét thủy lôi thường thực hiện thêm nhiều nội dung huấn luyện bổ trợ khác.

Phóng viên: Để nâng cao chất lượng huấn luyện, Vùng lựa chọn giải pháp gì, thưa đồng chí?

Đại tá NGUYỄN THIÊN QUÂN: Nếu như trước đây, đơn vị huấn luyện theo hướng “cơ bản, thiết thực, vững chắc, đồng bộ, chuyên sâu, sát chiến trường, trang bị, tổ chức biên chế” thì nay, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng xác định nâng cao lên mức huấn luyện tinh nhuệ. Trước hết phải tinh nhuệ về kỹ thuật, cách đánh, nghĩa là mọi cán bộ, thủy thủ trên mỗi con tàu đều phải sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị hiện có để chủ động chiến đấu giành thắng lợi trong mọi tình huống. Muốn vậy phải huấn luyện vững chắc khả năng điều động tàu, hoạt động tác chiến độc lập trên biển; huấn luyện kỹ từng yếu lĩnh, động tác thực hành sử dụng vũ khí cho cán bộ, chiến sĩ...

Biên đội tàu Lữ đoàn 172 hành quân trên biển. Ảnh: HOÀNG DIỆU

Các cơ quan, đơn vị trong toàn Vùng coi trọng công tác huấn luyện kiêm nhiệm, thay thế, chuyên sâu, làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các vị trí chiến đấu để bảo đảm đủ khả năng, trình độ xử lý các tình huống chiến đấu. Nhất là nâng cao khả năng độc lập tác chiến, điều khiển tàu đi biển ban đêm trong điều kiện thời tiết phức tạp; tổ chức huấn luyện cường độ cao; huấn luyện trong khi làm nhiệm vụ dài ngày trên biển để tăng tính thực tiễn, truyền đạt kinh nghiệm, rèn luyện bản lĩnh cho bộ đội, nhất là các đơn vị tàu.

Phóng viên: Vậy việc rèn luyện thể lực cho bộ đội, nhất là tổ chức và duy trì hoạt động thể dục, thể thao đối với các lực lượng tàu hoạt động dài ngày trên biển, các trạm radar được thực hiện như thế nào?

Đại tá NGUYỄN THIÊN QUÂN: Học tập tấm gương rèn luyện thân thể của Bác Hồ, trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng luôn quan tâm chăm lo đến vấn đề sức khỏe bộ đội. Đối với các tàu do điều kiện không gian hẹp nên cán bộ, chiến sĩ chủ yếu tập thể lực bằng các dụng cụ như: Tạ, co tay, chống đẩy và bơi lội. Với tinh thần phát huy nội lực và nguồn kinh phí trên cấp, cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm xây dựng cho các trạm có sân bóng đá mini, sân bóng chuyền, cầu lông, xà đơn, xà kép... Nhờ vậy, bộ đội trên các đài, trạm dù ở nơi núi cao hay đảo xa đều có điều kiện rèn luyện thể lực, chăm sóc sức khỏe.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết một số giải pháp phát huy tốt hiệu quả của hoạt động văn hóa tinh thần của đơn vị?

Đại tá NGUYỄN THIÊN QUÂN: Đối với người chiến sĩ dù là thời chiến hay thời bình thì nhu cầu về văn hóa tinh thần đều rất quan trọng. Vì điều kiện các tàu thường hoạt động trên biển, một số đài, trạm ở nơi núi cao, đảo xa nên việc tổ chức cho bộ đội lên tham gia sinh hoạt tại phòng Hồ Chí Minh ở tiểu đoàn, hải đội sẽ rất khó khăn, do vậy, Phòng Chính trị Vùng đã tổ chức xây dựng và hướng dẫn hoạt động phòng Hồ Chí Minh thu nhỏ. Đến nay, 100% đơn vị cấp tàu, đại đội và tương đương đều có phòng Hồ Chí Minh. Trước đây, bộ đội muốn đọc sách, tham khảo tài liệu phải lên phòng Hồ Chí Minh tiểu đoàn, hải đội hoặc thư viện thì nay chỉ cần lên phòng Hồ Chí Minh “cấp mình” cũng có thể đáp ứng được.

Luyện tập phòng, chống cháy, nổ ở Lữ đoàn 172. Ảnh: HOÀNG DIỆU

Với quan điểm “lính hát cho bộ đội ta nghe”, “tiếng hát át tiếng sóng”, ngoài việc duy trì có nền nếp các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên, các đơn vị còn thành lập đội văn nghệ xung kích biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

Phóng viên: Đứng chân trên địa bàn miền Trung, cán bộ, chiến sĩ Vùng 3 Hải quân đã làm gì để xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân?

Đại tá NGUYỄN THIÊN QUÂN: Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng xác định làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển là một nội dung trọng tâm, là mệnh lệnh từ trái tim của người chiến sĩ. Trong đó không ngừng nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền biển, đảo; tuyên truyền pháp luật cho ngư dân. Hiện nay, Vùng 3 Hải quân đang phối hợp thực hiện hiệu quả Chương trình “Hải quân làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”; hoạt động “Hải quân đỡ đầu con ngư dân” với các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các tỉnh duyên hải miền Trung đánh giá cao.

Chặng đường xây dựng và trưởng thành, Vùng 3 Hải quân luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân trên biển.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

TÙNG LÂM (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang