Mục tiêu đảo xanh không rác thải nhựa
Phong trào nói không với túi nilon xuất phát từ đảo Cù Lao Chàm cách đây tròn 10 năm. Một khoảng thời gian đủ để thử nghiệm thành công, đưa hòn đảo này trở thành biểu tượng xanh của du lịch biển, đảo Việt Nam. Thiết thực hơn nữa, mục tiêu đảo xanh không rác thải nhựa không chỉ ở Cù Lao Chàm mà lan tỏa ra cả tuyến đảo gần bờ, trở thành một chiến lược phát triển du lịch.
10 năm trước, khi khách du lịch ra đảo Cù Lao Chàm, ngay ở bến tàu Cửa Đại, người soát vé và lái tàu đã yêu cầu khách bỏ lại túi nilon, chai nhựa. Đây là một hòn đảo có đơn vị hành chính là xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam trong quần thể khu du lịch phố cổ Hội An và vùng lân cận. Lúc đó, thói quen tiêu dùng ở nông thôn, biển, đảo đang tràn lan đồ dùng bằng nhựa vì sự tiện dụng của nó. Chặn lại một xu hướng đang lên cao là việc khó, ngay cả bà con cư dân của đảo cũng bức bối vì phải thay đổi thói quen. Những đoàn khách du lịch ưa thích tiện nghi từ chối ra đảo khi được nhắc nhở. Họ còn cho rằng, Cù Lao Chàm đang đi ngược lại sự phát triển tất yếu và quan sát để xem cuộc đua tẩy chay túi nilon bao giờ sẽ hụt hơi.
Trải qua 10 năm, chiến dịch truyền thông thay đổi nhận thức và thói quen tiêu dùng đã chứng minh được hiệu quả, chuyển biến ý thức chỉ trong một thập kỷ là tốc độ nhanh hơn dự kiến. Ban đầu, chiến dịch vì mục tiêu giữ gìn đại dương xanh, giữ môi trường sống và bảo vệ nguyên dạng cả vùng dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Sau đó, tiếng tăm của hòn đảo xanh không túi nilon này ngày càng vang xa, khách du lịch tìm đến hưởng thụ không gian này ngày càng nhiều và tự có ý thức bảo vệ nếu không sẽ trở nên lạc lõng với quang cảnh và bị chính những người xung quanh lên án. Tất nhiên, lợi thế của hòn đảo này là nằm gần bờ, thiên nhiên trong lành và hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ khá tốt. Và khi phong trào bảo vệ môi trường được nâng cao, giá trị của hòn đảo cũng tăng lên. Đối với loại hình du lịch hòa vào thiên nhiên, nắng và gió biển, đảo thì môi trường sạch, đẹp trở thành thứ “kiếm ra tiền”, thành sản phẩm du lịch, thành lợi ích của cả người làm du lịch và người hưởng thụ.
Từ thành công của Cù Lao Chàm, hàng loạt các hòn đảo khác đã dễ dàng hơn trong việc loại bỏ rác thải nhựa và cấm sử dụng túi nilon, chai nhựa. Ngoài đội ngũ làm khoa học, hoạch định chiến lược, cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương đã có công sức và nỗ lực thay đổi hành vi của công chúng. Và còn có cố gắng không nhỏ của những người hoạt động hội, đoàn thể ở các khu dân cư, làng xã, phường và các lực lượng tại chỗ. Giờ đây, bất kể hội viên của các đoàn thể như: Phụ nữ, thanh niên, nông dân, cựu chiến binh hay Công an xã, dân quân xã, Bộ đội Biên phòng (BĐBP)... đều thông thạo việc triển khai các thành tố trong chiến lược giữ sạch biển, đảo, nhất là công tác tuyên truyền. Các kiến thức cơ bản như đặt các thùng rác thu gom ở nơi hợp lý, không đốt rác thải nhựa trên biển và đảo gây ô nhiễm không khí, phân loại rác vô cơ và hữu cơ, làm sạch bờ biển... Các hòn đảo có BĐBP đóng quân, đoàn thanh niên của các đồn Biên phòng phối hợp với các lực lượng ở địa phương mỗi tuần vào sáng Chủ nhật ra quân làm sạch đường sá, bãi biển để tạo thói quen cho cộng đồng.
Theo chân các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng An Hải, BĐBP Phú Yên tuần tra trên bờ biển huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, chúng tôi chứng kiến họ không chỉ làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ biển, đảo mà còn nhắc nhở, kiểm tra việc bảo vệ môi trường ven bãi triều, bãi biển, khu du lịch. Nếu có các nhóm khách du lịch tổ chức ăn uống dã ngoại, xả rác ra môi trường, họ đều tới nhắc nhở, tuyên truyền về quy định giữ vệ sinh môi trường và yêu cầu sau khi vui chơi phải dọn dẹp và thu gom, để rác đúng chỗ. Điều này liên quan mật thiết tới nhiệm vụ giữ gìn môi trường, cảnh quan và giữ nguyên hiện trạng tài nguyên du lịch để tạo động lực thúc đẩy kinh tế địa phương của BĐBP.
Một số hòn đảo đi sau nhưng đã bắt đầu có thành công trong việc giữ gìn hình ảnh đảo xanh không túi nilon như Lý Sơn (Quảng Ngãi), Cô Tô (Quảng Ninh), Cù Lao Xanh (Bình Định), Bình Ba (Khánh Hòa)... Có thể thấy, đối với các đảo nhỏ, mới phát triển du lịch và quy mô dân số ít thì có thể dễ dàng hơn trong cải tạo môi trường. Trường hợp đặc biệt khó cải thiện hình ảnh có lẽ là quần thể các đảo Hòn Sơn, Nam Du (Kiên Giang) của biển Tây Nam. Khu vực này được khách du lịch trẻ rất ưa thích nhưng nỗ lực bảo vệ môi trường dường như thất bại. 10 năm trước và đến bây giờ, khách du lịch vẫn phàn nàn vì trên đảo rác thải quá nhiều. Nguyên do là dân số trên đảo cư trú tập trung quá đông ở một khu vực kín gió. Thói quen cư trú san sát dựa vào nhau của dân đi biển, làm nghề khơi tạo nên một môi trường sống quá tải, xả thải không có quy chuẩn, chưa khoa học. Nước sạch hiếm và cũng chỉ có điện lưới quốc gia, có cầu tàu vài năm nay, hòn đảo này đang bùng nổ trong tiêu dùng đồ điện, đồ tiện dụng, nên truyền thông hạn chế rác thải nhựa chưa có hiệu quả.
Hơn nữa, mỗi năm một mùa, gió chướng dồn ra đảo vô số rác thải ở biển. Toàn bộ những thứ trôi dạt trên biển tập trung tụ về đảo. Hòn đảo là lá chắn sóng, cũng là cái bồ cào giữ lại rác nên khách du lịch luôn kêu ca là Nam Du nhiều rác quá, từ trong khu dân cư đến ra ngoài bãi biển. Tuy là đảo nhưng thiếu sự thoáng rộng, sạch sẽ. So sánh trong khoảng 10 năm qua, quần đảo Nam Du, Hòn Sơn ở biển Tây Nam không thể nhích lên bước vọt phát triển du lịch như các đảo khác. Trong đó, nguyên nhân môi trường là một trong những yếu tố quan trọng.
Có thể nói, mục tiêu “đảo xanh không rác thải nhựa” là con đường tất yếu của đời sống du lịch biển, đảo.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận