Năm 2021: Thiệt hại về người và tài sản do thiên tai thấp nhất từ trước đến nay
VBĐVN.vn - Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai (PCTT) - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho biết, năm 2021 là năm đạt kỷ lục về việc giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai thấp nhất từ trước đến nay.
Ngày 20-1, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN chủ trì hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm 2021, nước ta đã xảy ra 841 trận thiên tai với 18/22 loại hình thiên tai làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng. Đặc biệt là siêu bão số 9 (Rai) hoạt động trên biển Đông và liên tiếp 6 đợt mưa lớn từ giữa tháng 9 đến đầu tháng 12-2021 ở khu vực miền Trung với tổng lượng phổ biến 2.000-3.500mm gây lũ gần ở mức lịch sử trên các sông ở Bình Định, Phú Yên, ngập lụt trên diện rộng, sạt lở ở nhiều nơi.
Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đã ảnh hưởng đến hầu hết các hoạt động, trong đó có hoạt động PCTT và ứng phó sự cố, TKCN.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm chỉ đạo toàn diện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, công tác chỉ đạo điều hành trong PCTT-TKCN đã có những chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ đề ra trong năm 2021, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra. Đây là năm đạt kỷ lục về việc giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai thấp nhất từ trước đến nay.
Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, TKCN đã chỉ đạo ứng phó thành công với các đợt thiên tai lớn, đảm bảo mục tiêu "kép" an toàn PCTT và dịch bệnh.
Nổi bật là công tác chỉ đạo ứng phó, kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển với các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, nhất là ứng phó với bão số 9. Đây là cơn bão được đánh giá là mạnh nhất trong 40 năm gần đây.
Qua công tác kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đã đảm bảo an toàn cho 58.720 tàu/298.360 lao động đang hoạt động trên biển, 51.990 người trên khu vực quần đảo Trường Sa và 4 đảo lớn gần bờ chịu ảnh hưởng của bão, không có thiệt hại trực tiếp về người và tàu thuyển trên biển.
Đã chỉ đạo, điều động 64.572 lượt người, 5.098 phương tiện tham gia ứng phó 4.061 vụ sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ứng cứu kịp thời 3.789 vụ, cứu được 4.050 người và 456 phương tiện. Di dời 7.948 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn; khắc phục 1.643 nhà, xưởng bị hỏng; dập cháy 433 nhà xưởng và 1.139ha rừng.
Trong đó, các lực lượng Quân đội (Hải quân, Không quân, Cảnh sát Biển, Biên phòng) đã điều động 3.171 lượt người với 168 lượt phương tiện, 4 chuyến máy bay TKCN trên biển, xử lý 231 vụ, cứu được 531 người và 38 phương tiện trên biển đưa về bờ.
Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải đã điều động 462 lượt người với 24 lượt tàu SAR TKCN xử lý 54 vụ, cứu được 54 người và 2 phương tiện.
Phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ 3.738 tấn gạo cứu đói do thiên tai, 765 tấn giống cây trồng và các loại vaccine, hóa chất khác.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, năm 2021 là năm cả hệ thống chính trị được huy động để tham gia công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa phát triển kinh tế. Năm 2021 cũng là năm công tác PCTT có nhiều kết quả rất tích cực, số người chết giảm mạnh, thiệt hại về vật cũng giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các bộ, ngành không chủ quan trong công tác PCTT, cần tập trung để triển khai các giải pháp trong năm 2022 để phấn đấu giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai. Cần triển khai đồng bộ các giải pháp không để xảy ra các thiệt hại đáng tiếc.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường hơn nữa vai trò của Ban Chỉ đạo Quốc gia về PCTT, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy chế, công tác chỉ đạo, điều hành nhằm đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của công tác PCTT, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trong thời gian tới.
Đồng thời rà soát lại quy trình, công tác vận hành hồ chứa (hồ thủy điện, hồ thủy lợi) để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng hạ du và an toàn công trình. Cùng với đó, bố trí ngân sách để đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị cho công tác PCTT ở các các bộ, ngành và địa phương.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận