Nâng cao chất lượng huấn luyện Hải đội dân quân thường trực

07:56 15-04-2022

VBĐVN.vn - Đề án Xây dựng lực lượng Hải đội dân quân thường trực (HĐDQTT) được đánh giá là đầy đủ nhất về hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện song quá trình triển khai công tác huấn luyện đã xuất hiện một số khó khăn, bất cập ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra.

Hiện nay, việc tuyển chọn công dân để đào tạo, bồi dưỡng chức vụ chỉ huy, thuyền trưởng, máy trưởng, lái tàu, thông tin viên cho HĐDQTT được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tổng Tham mưu. Theo đó, công dân phải tốt nghiệp THCS trở lên, riêng chức vụ thuyền trưởng tốt nghiệp THPT trở lên, độ tuổi từ 22-55, có đủ sức khoẻ và kinh nghiệm hoạt động trên biển... Tuy nhiên, có một thực tế ở các vùng ven biển là những người có sức khoẻ, kinh nghiệm đi biển thì khó đáp ứng được yêu cầu về trình độ học vấn phổ thông. Do vậy, cả hai đơn vị là Học viện Hải quân (đào tạo bậc chỉ huy) và Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân (đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật) đang gặp nhiều khó khăn do chất lượng đầu vào của học viên HĐDQTT thấp, không đồng đều, ảnh hưởng lớn đến kết quả đào tạo.

Bắn kiểm tra trên biển của HĐDQTT tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Đức Thu

Trong khi đó, thời gian đào tạo chỉ huy HĐDQTT là 6 tháng và các vị trí chuyên môn kỹ thuật là 4 tháng... Như vậy, cùng là đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật nhưng thời gian đào tạo toàn khoá của HĐDQTT ngắn hơn thời gian đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật của Quân chủng Hải quân. Nội dung, thời lượng, tỉ lệ các môn học chung và chuyên ngành trên tổng thời lượng chương trình chưa phù hợp. Các môn học chung như pháp luật, chính trị, quân sự… chiếm 42%, trong khi các đối tượng khác chưa đến 30%. Thượng tá Đoàn Văn Tôn, Khoa Thông tin-ra đa, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân cho biết: Khoá học chỉ có 4 tháng, lý thuyết chung nhiều nên thời gian thực hành trên máy móc ngắn, học viên không được luyện tập, cọ xát nhiều dẫn đến khó khăn trong việc sử dụng, khai thác các trang thiết bị trên tàu.

Nhiệm vụ của lực lượng HĐDQTT là trực tiếp tham gia khai thác các nguồn lợi thủy, hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ ngư dân đánh bắt, khai thác hải sản trên biển; phối hợp với Hải quân, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Kiểm ngư bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc; đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển; bảo vệ ngư dân, ngư trường và môi trường biển; tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Từ nhiệm vụ trên, đòi hỏi cán bộ, nhân viên HĐDQTT phải có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm làm việc dài ngày trên biển, trong điều kiện khó khăn, gian khổ, hiểm nguy. Tuy nhiên, thực tế nhiều học viên đào tạo tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân chưa bảo đảm tiêu chuẩn sức khỏe, ảnh hưởng đến kết quả học tập. Thậm chí khoá học năm 2020, một số học viên không đủ sức khoẻ theo học, không đủ điều kiện thi tốt nghiệp do thời gian nằm viện quá dài…

HĐDQTT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu huấn luyện sử dụng các trang thiết bị trên tàu. Ảnh: Tuấn Minh

Thượng tá Nguyễn Sĩ Vinh, Trường phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Hải quân cho biết: Một khó khăn khác là cơ sở vật chất phục vụ huấn luyện của nhà trường chưa đồng bộ với trang bị được biên chế trên các tàu của HĐDQTT, buộc chúng tôi phải sử dụng các trang bị có tính năng tương đương để thay thế. Hay tình trạng giáo viên phải dạy chay do chưa được đi tham quan tại các tàu để nắm vững tính năng kỹ, chiến thuật của trang bị cũng làm cho các nội dung lên lớp thiếu thực tế.

Đến đầu năm nay, đã có một số HĐDQTT được thành lập thuộc các tỉnh, thành phố Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Kiên Giang… Sau thời gian huấn luyện tại các vùng của Quân chủng Hải quân, nhìn chung cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật chưa sử dụng thuần thục trang bị, chưa vận hành máy móc đúng quy trình dẫn đến bị lỗi, bị treo hệ thống, không phát huy được hết tính năng kỹ, chiến thuật của trang bị, thậm chí làm hư hỏng...

Thực tế hoạt động trên biển dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua của 3 tàu HĐDQTT các địa phương Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang đã bộc lộ những điểm yếu mà các đơn vị đào tạo, huấn luyện đã phản ánh. Báo cáo của Vùng 3 Hải quân trong hội nghị rút kinh nghiệm tổ chức, xây dựng, huấn luyện và hoạt động của HĐDQTT cuối tháng 3 năm 2022 cho biết: Về cơ bản các tàu đã phối hợp tốt với các lực lượng khác trên biển để tuần tra, kiểm soát các khu vực biển được phân công. Tuy nhiên khả năng làm chủ VKTBKT của cán bộ, nhân viên các tàu còn hạn chế, kỹ năng xử trí các tình huống chưa thuần thục, chưa thể độc lập đi biển trong điều kiện sóng gió phức tạp.

HĐDQTT là lực lượng mới thành lập, thực hiện nhiệm vụ chưa có tiền lệ, liên quan đến nhiều bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Quá trình triển khai thực hiện có nhiều vấn đề phát sinh, cần phối hợp giải quyết, mà trước mắt các cơ quan chức năng có biện pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong công tác huấn luyện, đào tạo để HĐDQTT có đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo baohaiquanvietnam.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang