Nâng cao nhận thức về hệ thống luật pháp quốc tế để thiết lập trật tự hàng hải

14:52 23-05-2022

VBĐVN.vn - Giới chuyên gia quốc tế gần đây tiếp tục khẳng định, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là văn kiện pháp lý quan trọng nhất, chỉ sau Hiến chương Liên hợp quốc. Một trong những ưu tiên bậc nhất hiện nay là cần nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân về luật pháp quốc tế trên biển, đây cũng là nỗ lực nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Giá trị vẹn nguyên

Vừa qua, Đại học Quốc gia Singapore đã tổ chức Hội thảo đánh giá 40 năm thành tựu của UNCLOS (1982-2022). Hội thảo này một lần nữa chứng minh rằng, kể từ sau Thế chiến thứ hai, UNCLOS là văn kiện pháp lý quan trọng nhất, chỉ sau Hiến chương Liên hợp quốc. Trải qua 4 thập kỷ, UNCLOS vẫn giữ nguyên những giá trị của mình và còn được ca ngợi là Hiến pháp của đại dương.

Giáo sư Laurence Boisson de Chazournes (Đại học Geneva, Thụy Sỹ) đánh giá, hành trình 40 năm của UNCLOS đã giúp các quốc gia ven biển khẳng định chủ quyền và quyền tài phán của mình đối với những vùng biển được mở rộng theo quy định của UNCLOS. Đặc biệt là giải tỏa các yêu sách xung đột giữa các nước. Phân tích sâu hơn, Giáo sư Carlos Esposito (Đại học Madrid, Tây Ban Nha) cho rằng, các bên tranh chấp phải đáp ứng điều kiện trao đổi và chưa ký kết văn bản thỏa thuận nào loại trừ thủ tục giải quyết tranh chấp của UNCLOS để sử dụng thủ tục bắt buộc giải quyết tranh chấp của UNCLOS.

Tàu đánh cá Việt Nam neo đậu trên vùng biển thuộc tỉnh Bình Định, Việt Nam. Ảnh: Thanh Trúc

Đồng thời, UNCLOS quy định để bảo đảm, trừ một số ngoại lệ được quy định, thì tranh chấp có thể được đưa ra giải quyết tại cơ chế bắt buộc là Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII UNCLOS. Cơ chế này đã được một số quốc gia sử dụng trên thực tế. Tuy còn những trường hợp có sự phản đối của một bên tranh chấp, nhưng phán quyết của tòa vẫn có giá trị chung thẩm và ràng buộc pháp lý, ngay cả trong trường hợp một bên tranh chấp không tham gia tranh tụng.

Đặc biệt, UNCLOS còn quy định về cơ chế hòa giải bắt buộc. Nếu tranh chấp phát sinh sau khi Công ước có hiệu lực và hai bên không đạt được giải pháp thông qua đàm phán trong một khoảng thời gian hợp lý, một bên có thể đưa tranh chấp ra Ủy ban hòa giải được thành lập theo Phụ lục V. Các khuyến nghị của Ủy ban hòa giải không có giá trị ràng buộc pháp lý, nhưng các bên tranh chấp có nghĩa vụ phải đàm phán trên cơ sở báo cáo và khuyến nghị của Ủy ban hòa giải, để đạt giải pháp giải quyết tranh chấp.

Giáo sư Esposito chỉ rõ, thực tiễn cho thấy, phán quyết của các cơ quan tài phán theo quy định của UNCLOS đã góp phần giải thích đúng đắn các quy định của UNCLOS, giúp làm rõ một số vấn đề còn chưa rõ hoặc gây tranh cãi, hoặc yêu sách và hành động trái với quy định của UNCLOS.

Cùng chung quan điểm này, Tiến sĩ Tara Davenport (Đại học Quốc gia Singapore) khẳng định, phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực (PCA) là cơ sở pháp lý quan trọng trong giải quyết vấn đề Biển Đông và các bên liên quan cần tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, không có hành động làm phức tạp tình hình. Phán quyết của PCA là văn bản pháp lý có giá trị quốc tế cao và có vai trò quan trọng trong giải quyết tranh chấp cũng như phân định giới hạn bên ngoài của thềm lục địa ở Biển Đông. Việc phân định các giới hạn của thềm lục địa là thủ tục ràng buộc và bắt buộc trong UNCLOS.

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Theo giới quan sát Biển Đông, những diễn biến phức tạp đang diễn ra điển hình có thể kể đến như: gia tăng các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý; sự gia tăng tội phạm tổ chức xuyên quốc gia trên biển; hoạt động và mạng lưới khủng bố bành trướng trên biển, đặc biệt là những hành động đơn phương tuyên bố chủ quyền lãnh hải, uy hiếp vũ lực ngày càng phức tạp...

Trước những diễn biến phức tạp này, nhiều quốc gia đã tăng cường năng lực quân sự bảo vệ vùng lãnh hải của mình theo luật pháp quốc tế, phần nào khiến căng thẳng và mâu thuẫn ngày càng khó đoán và trở thành thách thức lớn đối với trật tự hàng hải. Tất cả những diễn biến này là một minh chứng cho thấy, luật lệ trên biển đang bị xói mòn.

Giới học giả và chuyên gia quốc tế đánh giá, hệ thống luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS hiện đáp ứng phần lớn giải pháp giải quyết mâu thuẫn và xung đột lợi ích. Đặc biệt, UNCLOS hàm chứa những quy định và luật lệ cơ bản để giải quyết những tuyên bố chủ quyền chồng lấn giữa các nước có tranh chấp lãnh hải.

Dẫu vậy, giới chuyên gia lưu ý rằng, cách tiếp cận trước các vấn đề phức tạp cần đảm bảo sự thận trọng, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương nhằm giải quyết những căn nguyên gây ra bất ổn trong quá trình áp dụng và triển khai luật lệ. Bởi, các quốc gia thường hành động dựa trên mục tiêu bảo vệ lợi ích của người dân trong nước mình nên các quốc gia cần nâng cao nhận thức của người dân trong nước về hệ thống luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS.

Các học giả chỉ ra rằng, diễn biến trên biển thường là những nội dung rất phức tạp, không mang tính đại chúng nên đa phần người dân khó nắm bắt đúng và hiểu biết đầy đủ về lợi ích của việc duy trì luật lệ quốc tế hiện hành mà UNCLOS là cốt lõi. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất là phải phổ biến hệ thống luật pháp quốc tế để thiết lập trật tự hàng hải. Tiến trình phổ biến kiến thức về luật pháp quốc tế đối với người dân cần phải được các chính phủ tiến hành khẩn trương hơn, truyền tải sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại.

Giới chuyên gia cho rằng, nâng cao nhận thức cộng đồng hiện rất cấp thiết và cần sử dụng mạng xã hội để lan tỏa mạnh mẽ, mang tới những góc nhìn đúng đắn, rộng lớn, hàm chứa thông tin đầy đủ, luồng thông tin xác tín, tính logic, khách quan... cho người dân về những diễn biến phức tạp trên biển. Đặc biệt, việc nâng cao nhận thức cộng động phải trang bị một thế giới quan mang bản chất quốc tế chủ nghĩa mở rộng. Bởi, đây chính là cách thức để giải quyết căn bản tình trạng người dân có quan điểm theo chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa đơn phương, muốn các nước khác phải tuân theo điều mình muốn, trong khi bản thân không nhận thức được rằng, nước mình cũng phải cân bằng và thỏa hiệp lợi ích theo cách phù hợp với hệ thống luật lệ vốn được thiết lập nhằm đạt được mục đích cân bằng.

Các đánh giá gần đây của giới chuyên gia quốc tế cho thấy, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang nỗ lực rất lớn để thực hiện các giải pháp trong vấn đề này, đặc biệt là trong kế hoạch xây dựng Cộng đồng ASEAN. Đối với quốc tế, Australia và Anh là những quốc gia điển hình nhất ủng hộ, hỗ trợ nỗ lực phổ biến và quốc tế hóa luật lệ và trật tự hàng hải.

Riêng tại Đông Nam Á, giới chuyên gia cho rằng, các nước thành viên ASEAN là các quốc gia nhỏ nên cần ủng hộ mạnh mẽ hơn đối với trật tự luật pháp đa phương, bao gồm UNCLOS. Đây cũng là đường hướng được cộng đồng quốc tế hoan nghênh và thu hút được nhiều động lực, cũng như sự cổ vũ, ủng hộ ngày càng tăng của thế giới.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang