Nâng cao tính thực tiễn của chính sách kinh tế biển - Bài 2: Nhiều chính sách chưa sát thực tiễn
VBĐVN.vn - Cùng với Nghị định 67/2014, hơn 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trên lĩnh vực thuỷ sản, trong đó có những chính sách đặc thù cho lĩnh vực khai thác thuỷ sản (một số chính sách hỗ trợ chung). Số lượng chính sách ra đời đã hạn chế, việc tiếp cận, thực hiện, phát huy của ngư dân đối với những chính sách này còn là câu chuyện khó hơn.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính từ năm 2010 đến nay, có khoảng 6 chính sách của Trung ương liên quan đến hỗ trợ khai thác thuỷ sản (tỉnh chưa ban hành chính sách riêng nào). Song, trong đó số người dân tiếp cận được (được thụ hưởng) đếm trên đầu ngón tay.
Khó tiếp cận chính sách
Ðầu tiên phải kể đến Quyết định số 48/2010/QÐ-TTg ngày 13-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi thuỷ sản và dịch vụ khai thác thuỷ sản trên các vùng biển xa. Khi đó, UBND tỉnh đã phê duyệt danh sách 29 tàu (11 tàu làm nghề lưới vây, 18 tàu làm nghề câu mực) đủ điều kiện hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng biển xa. Tuy nhiên, do ngư trường Cà Mau cách quá xa các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và DK1, chi phí tiêu hao nhiên liệu rất lớn, chi phí hỗ trợ nhiên liệu lại không đủ cho việc di chuyển đến vùng biển xa; cùng với đó, đặc điểm ngư cụ, kinh nghiệm của thuyền trưởng lại không đảm bảo, hạn chế khi hoạt động khai thác thuỷ sản ở vùng biển này... nên đến nay vẫn chưa có tàu được hỗ trợ theo quy định.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng nhìn nhận: “Chính sách rất ý nghĩa, vừa mang tính hỗ trợ khai thác biển, vừa bảo vệ an ninh chủ quyền vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ có vài trường hợp triển khai nhưng buộc phải dừng lại do không phù hợp thực tiễn khai thác, đánh bắt của địa phương”.
Chính sách “Giảm tổn thất trong nông nghiệp” năm 2013 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 68/2013/QÐ-TTg ngày 14-11-2013. Trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại để mua máy, thiết bị sử dụng trên tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ đánh bắt xa bờ. Tỉnh Cà Mau khi đó có triển khai nhưng không nhiều. Do quy định về vốn đối ứng và nghề khai thác đối với hoạt động này vốn cao nên ngư dân không mặn mà với chính sách, chỉ có một số trường hợp cải hoán hầm bảo quản, mua sắm thêm trang thiết bị để bảo quản sản phẩm.
Bám nghề khai thác thuỷ sản đã mấy đời, với 3 chiếc ghe biển (2 chiếc lớn vươn khơi), ông Huỳnh Văn Nhật, Khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời mấy chục năm bôn ba nghề biển nhưng khó tiếp cận được những chính sách hỗ trợ khai thác thuỷ sản. Ông Nhật giãi bày: “Có năm được hỗ trợ tiền dầu trên 30 triệu đồng (do dầu lên giá) và tiền bảo hiểm (được 2 năm). Ngư dân ở đây còn khó khăn lắm, cũng muốn vay vốn để nâng cấp, sửa chữa tàu ra khơi nhưng nghề biển ví như nghề "bà cậu", lỡ thế chấp tài sản mà làm ăn thất bát thì trắng tay".
Hơn 20 năm làm nghề khai thác biển, nhưng ông Nguyễn Chí Nhân, Ấp 4, xã Khánh Hội, huyện U Minh chưa một lần được hỗ trợ về khai thác thuỷ sản. Hiện ông Nhân có 2 tàu khai thác mực tại cửa biển Khánh Hội. Ông bộc bạch: “Khai thác biển ngày càng khó khăn, nhất là ảnh hưởng dịch Covid-19, giá dầu tăng liên tục nên ngư dân đánh bắt càng gặp khó khăn hơn. Ðã vậy, làm nghề đánh bắt mấy chục năm, nhưng hầu như các chính sách triển khai các ghe lớn mới đủ điều kiện được hỗ trợ, còn các ghe nhỏ gặp nhiều khó khăn thì không được”. Ông Nhân mong muốn cần có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa để họ có điều kiện hoạt động, ổn định cuộc sống.
Không phải chính sách nào cũng… như hoạch định
Thực tế, chính sách không chỉ khó tiếp cận mà khi tiếp cận thủ tục rất rườm rà với hàng loạt quy định, khiến ngư dân không còn thiết tha, mặn mà với những gì mà mình đáng lẽ được thụ hưởng. Ðiều đó lý giải cho việc vì sao ngư dân không quan tâm với chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55/2015 (thay thế, bổ sung Nghị định 41/2010). Dù nguồn vốn được vay tối đa 500 triệu đồng (thay vì khoảng 50 triệu đồng so với nghị định cũ), nhưng ngư dân ít tiếp cận được chính sách này, với lý do thủ tục quy định khá nặng nề. “Mặc dù vay tín chấp nhưng khi triển khai, các ngân hàng bắt buộc có nhiều thủ tục, thậm chí phải kê khai tài sản, chứng minh tài sản... Hầu hết các ngân hàng thương mại được chỉ định triển khai chính sách này không mặn mà”, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Châu Công Bằng cho hay.
Ðiều đó cũng xảy ra tương tự với Nghị định số 67/2014, chính sách lớn của Chính phủ. Khi triển khai đòi hỏi các thủ tục quy định chặt chẽ mới được giải ngân. Từ xét duyệt về tay nghề, kinh nghiệm trong khai thác, thủ tục phải xác nhận từ chính quyền cơ sở, tới ngân hàng rồi thành lập các ban thẩm định, rất phức tạp. Ðiều đó được đánh giá là cần thiết, bởi số tiền vay vốn lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Ðó còn chưa kể đến, trong quá trình thực hiện, một số hộ cố tình lợi dụng chính sách làm cho quá trình triển khai bị chậm.
Ông Châu Công Bằng cho hay, hiện nay chỉ khoảng 15-20% "tàu 67" hoạt động hiệu quả, còn lại không hiệu quả dẫn đến nợ xấu ngân hàng. Mặc dù lãi suất được hỗ trợ nhưng với số tiền lớn, mỗi năm người dân phải trả nợ gốc trên 1 tỷ đồng, nên áp lực trả nợ rất nặng nề. Từ nợ xấu kéo dài, ngân hàng buộc lòng thu hồi vốn qua cơ quan pháp lý khi đã có trường hợp bị khởi tố chờ bán tài sản, một số ít được khoanh nợ chờ xử lý.
Thực trạng này không chỉ do hiệu quả khai thác thuỷ sản giảm sút, mà còn “cộng hưởng” bởi sự thay đổi chính sách của Chính phủ. Sau Nghị định 67/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2018, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014, thay đổi lớn so với nghị định cũ, khiến ngư dân càng điêu đứng.
Chính sách này hầu như “cắt bỏ” mọi hỗ trợ trước đây theo Nghị định 67/2014 cho ngư dân. Trong đó, bãi bỏ chính sách hỗ trợ dịch vụ hậu cần nghề cá (hỗ trợ 400-600 triệu đồng/năm tuỳ công suất). Ðiều này gây khó khăn cho ngư dân, vì dịch vụ hậu cần phục vụ tàu khai thác, 1 chiếc phục vụ nhiều chiếc để giảm bớt chi phí cho đội tàu khai thác trên biển. Ðồng thời, Nghị định 17 cũng giảm mức hỗ trợ bảo hiểm từ 70-90% xuống còn 50%, gây khó khăn cho dân.
Không những vậy, Nghị định 17/2018 còn điều chỉnh chính sách tín dụng cho vay, sửa chữa, đóng mới, nâng cấp tàu. Trước đây, Nhà nước hỗ trợ lãi suất 7% (ngư dân chỉ đóng 2%). Còn Nghị định 17/2018, Nhà nước hỗ trợ 1 lần sau đầu tư. Nghĩa là người dân đóng tàu thì Nhà nước hỗ trợ 1 lần bằng 35%, không lãi suất. Do số tiền bỏ ra 1 lần quá lớn nên người dân không có khả năng, và việc cho vay thương mại đối với khai thác thuỷ sản có rủi ro cao nên từ khi ra đời đến nay, Cà Mau chưa đóng được chiếc tàu nào.
Như vậy, có thể thấy rằng, chính sách lớn, nhân văn, ý nghĩa nhưng khó phát huy hiệu quả, ngoài nguyên nhân từ một bộ phận ngư dân thiếu ý thức trách nhiệm, không đủ năng lực tài chính, trình độ kinh nghiệm quản lý sản xuất khi thụ hưởng chính sách, ngân hàng e dè những rủi ro từ ngành khai thác thuỷ sản, thủ tục rườm rà, ngư dân khó tiếp cận thì phải kể đến bản thân các chính sách có nhiều bất cập, trong quá trình thực hiện các điều kiện thay đổi.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính được ông Châu Công Bằng thẳng thắn chỉ ra, đó chính là do khi ban hành chính sách không sát với thực tiễn, bởi đặc điểm ngành nghề vùng miền khác nhau, mà trong quá trình thực hiện không sửa đổi kịp thời, dẫn đến hậu quả khá nghiêm trọng. Rồi khi xây dựng chính sách, dự thảo chính sách được các địa phương đóng góp thường ít được sửa đổi, chủ yếu các bộ, ngành tham mưu, thường không sát với điều kiện sản xuất của từng địa phương, từng vùng, nhưng phải qua thời gian dài mới được sửa đổi dẫn đến hậu quả khó lường.
Thu Nguyên (theo baocamau.com.vn)
Bài cuối: Để ngư dân không đơn độc
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận