Nặng lòng với biển Tây

15:23 11-06-2021

VBĐVN.vn - Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau được xem là một trong những vị trí địa lý của vùng biển châu Á bị ảnh hưởng đầu tiên của biến đổi khí hậu. Mỗi đợt triều cường gần đây, Sông Đốc lại ngập thêm lên vài đốt lóng tay. Người ta nói phải chăng đất chật, người đông nên bờ biển Tây này cứ thấp dần xuống, lúc nào cũng mấp mé nước triều. Ta hãy một lần đến Sông Đốc, để biết thị trấn nhỏ có mật độ dân cư ken đặc này trải qua một ngày như thế nào.

Lăng Ông Nam Hải tại thị trấn Sông Đốc. Ảnh: TTH

Lăng Ông Nam Hải nằm ở trung tâm thị trấn Sông Đốc, thuộc khu dân cư Khóm 2, là lăng thờ cá voi mà dân đi biển miền Tây thường gọi là cá Ông. Kỳ lạ là lăng rất ít bị ngập khi mà toàn bộ thị trấn thường lóp ngóp trong nước triều cường, mặn và bẩn.

Năm 2021, lăng được tu bổ lại, sơn màu sặc sỡ và nổi bật; lúc nào cũng có người trông coi, dọn dẹp sạch sẽ và nhang đèn kì công. Trong lăng có chính điện thờ cá Ông và nhiều bộ xương cá voi thu nạp từ vùng biển Tây mang về đây trong nhiều năm. Trong đó, có cốt một con cá voi to nhất dài chừng hơn 20m thu nạp từ năm 1925 ở cửa Vàm Xoáy, Rạch Gốc, Cà Mau. Mỗi năm một lần, Lễ hội Nghinh Ông - lễ hội văn hóa dân gian lớn nhất miền Tây dành cho dân đi biển tổ chức ở đây. Tín ngưỡng thờ cá Ông rất đặc trưng cho đời sống miền biển và lễ hội này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Từ lịch sử hình thành khu lăng mộ cá voi này, mới hay thị trấn Sông Đốc đông đúc như ngày nay ban đầu chỉ là khu dân cư bên vàm Rạch Ruộng. Và người dân thờ tự cá voi theo tín ngưỡng riêng của họ, để trấn áp nỗi sợ hãi không thể biết trước từ những chuyến đi biển ngoài khơi rất xa, phần nào nữa cũng cầu thuận buồm xuôi gió, trời biển hiền hòa, ngư nghiệp bình an, may mắn.

Người dân Sông Đốc thường nói, vào ngày biển động, thuyền bè tụ cả về cửa sông Ông Đốc, thì có khi tất cả dân cư thường trú và tạm trú tụ ào về thị trấn, sẽ không có chỗ mà đứng chân. Thị trấn hơn 2 vạn dân thì quá nửa là dân lao động ngụ cư. Một thị cảng bé xíu với những con hẻm nhỏ tràn ngập rác thải và nước tù đọng bao nhiêu năm vẫn thế.

Cảng cá Sông Đốc đã được đầu tư xây dựng khang trang, tuy nhiên, tầm nhìn thị cảng Sông Đốc với quy mô 5.000 tàu cá ra vào kèm hệ thống chế biến tồn trữ đông lạnh hải sản, trung tâm hậu cần nghề cá cho cả biển Tây thì vẫn còn xa vời bởi tuyến đường giao thông chưa hoàn thiện. Tam giác phát triển Năm Căn - Trần Văn Thời - Ngọc Hiển với mục tiêu bứt phá bằng du lịch và cảng biển của Cà Mau vẫn còn đang ở giai đoạn hình thành. Trong lộ trình ấy, thị cảng Sông Đốc giàu có nhiều mà hư hao cũng nhiều. Nguồn lợi hải sản từ biển thì lớn, công nghệ sơ chế, chế biến thành phẩm trung cấp. Thêm vào nữa, vì là nơi tụ hội nhiều anh hào trong làng biển chuyên nghiệp, nên muốn biết rõ nhất nạn đánh bắt sai ngư trường, ngư dân bị phạt nguội ra sao thì phải đến Sông Đốc.

Cán bộ nghiệp vụ Biên phòng của Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau đưa chúng tôi đi tham quan một lượt cảng Sông Đốc và thị trấn bé xíu chia ra hai nửa bởi cây cầu cao vọt bắc qua vàm Rạch Ruộng. Trước đây, xây cây cầu này cũng gian nan lắm công đoạn từ giải phóng mặt bằng tới việc thiếu kế cầu làm sao để tàu lớn có thể lọt qua dưới con lạch Rạch Ruộng chật hẹp. Bao năm người dân Sông Đốc kẽo kẹt con phà chỉ vừa quay đầu là cập bờ bên kia. Nay thị trấn có thể mở thêm quỹ đất, giảm áp cho khu dân cư đông đúc phía bên khóm chợ sang bên này Rạch Ruộng. Nôm na là đô thị tiến dần về phía thành phố, không còn bám sát biển Tây bồi lở khó lường nữa.

Người sĩ quan Biên phòng cho biết: “Hồi này, người dân Sông Đốc giàu có bắt đầu có hiện tượng đua nhau xây lăng mộ dòng tộc lớn lắm. Tiền của đổ vào tín ngưỡng tâm linh. Hễ ra đường gặp ai treo vàng, gỗ trầm nặng trĩu người làm trang sức chắc đó là chủ ghe hãng lớn hoặc là chủ vựa hải sản”.

Tiếp cận giới anh hào trong nghề biển đó, tôi gặp ngư dân Lê Văn Thiệt ở khóm 3, thị trấn sông Đốc. Khác với hình dung của tôi, ông chủ ghe lớn đang cặm cụi nhếch nhác trong bộ đồ bảo hộ dính đầy dầu mỡ để bảo dưỡng và sửa chữa máy vì quá lâu không hạ thủy ra biển. Ông Thiệt có đội tàu ghe lớn 5 chiếc, là công dân thân thiện và ủng hộ chính quyền địa phương trong mọi động thái lập lại trật tự nghề cá trên biển.

Cần từng bước xóa bỏ tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và có quy định (gọi tắt là IUU) của Ủy ban châu ÂU (EC), xóa thẻ vàng để tiến tới chuyên nghiệp nghề cá Việt Nam, điều này ngư dân nào cũng hiểu. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, rất nhiều người bước quan ranh giới mong manh của hợp pháp và bất hợp pháp giữa biển khơi mênh mông hòng qua mặt cơ quan chức năng. Ông Thiệt chính là chủ hãng tàu bị thu hồi 2 chiếc vào năm vừa rồi vì IUU, thiệt hại 5 tỉ đồng.

Tuy nhiên, câu chuyện được ông Thiệt mang ra nói với chúng tôi lại không nhấn mạnh tới 2 chiếc tàu bị mất. Ông than phiền rất nhiều về phương thức khai thác “tận diệt” trong nghề biển vẫn còn. Ông vào nhà trong lấy ra chiếc lưới mùng màu xanh làm ví dụ. “Đây, chiếc lưới mắt nhỏ này bị cấm lâu rồi, giờ người ta vẫn làm, cá lớn nhỏ bị khuấy lên vợt hết. Đi hoài không gặp cá, nguồn lợi cạn kiệt, có khi đi qua vùng biển nước ngoài không hay”. Có rất nhiều lý do ngư dân vi phạm IUU do họ nói ra, song bất kể lý do gì, thì khi về tới bến đều phải “đàng hoàng nói chuyện” với cơ quan chức năng. Chính họ nhận định, việc bị tịch thu tài sản lớn và xử phạt rất nhiều tiền sẽ khiến ngư dân không dám đánh bắt sai quy định, giấu ngư trường hay là đánh bắt bằng lưới nhỏ, giã cào nữa.

Ngư dân Lê Văn Thiệt giãi bày nỗi khó khăn của nghề cá với phóng viên Báo Biên phòng. Ảnh: TTH

Trung tá Phan Xuân Huyền, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sông Đốc cho chúng tôi xem màn hình điện thoại có hiện bản đồ vùng biển Tây và vịnh Thái Lan, trong đó, có phân định các vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng. Thỏa thuận hợp tác nghề cá được áp dụng cho vùng biển này và các ngư dân đều được tuyên truyền để thấu rõ. Nhưng họ vẫn lén tắt định vị trên tàu mà không biết được rằng, nếu mất tín hiệu thì trên màn hình này sẽ hiển thị rõ luôn. Ngư dân sẽ lập tức bị gọi điện thoại nhắc nhở là đang đi sang vùng biển nước ngoài, hoặc yêu cầu quay về bến ngay.

Trung tá Huyền khẳng định, ngoài tuân thủ nghiêm túc quy định lắp đặt thiết bị định vị, thiết bị giám sát hành trình, các chủ tàu còn phải tự theo dõi tuyến tàu của mình hằng ngày, hằng giờ. Nếu đi chệch tuyến phải chỉnh lại ngay, nếu không muốn rắc rối và mất tiền, mất của nộp phạt, bị tịch thu tàu, nguy hiểm tính mạng trên biển.

Sông Đốc xưa nay nổi tiếng là nơi tụ về nhiều người tứ xứ, địa bàn phức tạp, thường xuyên mất trật tự, an ninh, nơi mà BĐBP và lực lượng Công an rất vất vả để quản lý địa bàn. Thế nhưng, cộng đồng ngư dân vùng biển ở đây lại rất hào sảng, tính cách ấm áp, nghĩa hiệp, rộng rãi. Thói quen mỗi ngư phủ đều có chiếc thùng cấp đông để nhà, đi biển gặp đồ hải sản độc, lạ, đắt, hiếm họ đều mang về bỏ vào đó. Chiếc thùng này không bao giờ bán, chỉ cho tặng và để mời anh em bạn hữu. Ở đây có câu: “Bạn hữu không thể mua bằng tiền, mua bằng tấm lòng và sự biết ơn thôi à!”.

Sông Đốc là thế, chật đất mà không chật lòng!

Thu Thảo (Theo baobienphong.com)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang