Ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Tây Nam

09:56 18-08-2022

VBĐVN.vn - Tính từ đầu năm 2022 đến nay, lợi dụng thời điểm giá xăng dầu tăng cao, các vụ buôn lậu xăng dầu từ nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục gia tăng và diễn biến khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Thời gian vừa qua, Bộ đội Biên phòng và lực lượng chức năng liên tục phát hiện và bắt nhiều vụ buôn lậu xăng dầu.

Cán bộ Hải đoàn 18 Bộ đội Biên phòng phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra phương tiện vận chuyển dầu DO không có hóa đơn, chứng từ theo quy định, ngày 31-7-2022. Ảnh: Vũ Mạnh Hùng

Đêm 31-7-2022, trong quá trình tuần tra, kiểm soát trên vùng biển cách Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 10 hải lý về phía Nam, Biên đội 2-2022 thuộc Hải đoàn 18 Bộ đội Biên phòng đã phát hiện tàu cá mang số hiệu TG90187TS, do ông Nguyễn Văn Ngọc Ánh, sinh năm 1974, trú tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang điều khiển, có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành kiểm tra hành chính. Tại thời điểm kiểm tra, tất cả 4 thuyền viên trên tàu đều không có giấy tờ tùy thân, bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo quy định.

Theo lời khai của thuyền trưởng Nguyễn Văn Ngọc Ánh, tàu TG90187TS vận chuyển khoảng 30.000 lít dầu DO. Quá trình kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tổ công tác đã tiến hành các thủ tục ban đầu, dẫn giải tàu vi phạm về đơn vị (đóng quân tại thành phố Vũng Tàu) để tiến hành điều tra xác minh, xử lý theo quy định.

Trước đó, đêm 20--/2022, tại khu vực biển Nam Đông Nam, cách cụm đảo Hòn Khoai, tỉnh Cà Mau khoảng 130 hải lý, Biên đội tàu CSB 4039 thuộc Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 4 đã tạm giữ tàu cá mang số hiệu KG90620TS đang vận chuyển khoảng 20.000 lít dầu DO. Toàn bộ số dầu này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên do ông Nguyễn Thanh Tú, sinh năm 1984, trú tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng.

Hiện nay, vùng biển Tây Nam có số lượng tàu cá hoạt động lớn nhất cả nước, với khoảng 16.000 phương tiện nên nhu cầu xăng dầu phục vụ cho các tàu cá khai thác thủy sản khá cao. Nắm bắt được thực tế đó, một số đối tượng buôn lậu đã tranh thủ sự chênh lệch giữa giá xăng dầu trong nước và các nước lân cận để tìm mọi cách mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng này từ nước ngoài về vùng biển Việt Nam tiêu thụ.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển có thể chia thành 3 nhóm đối tượng: Các chủ tàu cá mua xăng dầu từ tàu nước ngoài với giá rẻ, rồi bán ngay cho các tàu cá khác; các chủ tàu, doanh nghiệp tư nhân mua xăng dầu từ các tàu vận tải, rồi bán cho những tàu cá hoặc đại lý xăng dầu trên bờ; các tàu được phép bán lẻ xăng dầu thay vì mua từ đất liền thì mua ngay của các tàu chở xăng dầu trên biển để bán lại. Một số tàu vận chuyển hàng lậu còn thay đổi số hiệu phương tiện để qua mắt cơ quan chức năng.

Cụ thể như, chiều tối 17-2-2022, tại vùng biển cách đảo Thổ Chu khoảng 55 hải lý về phía Nam, tổ công tác của Vùng Cảnh sát Biển 4 phối hợp với Bộ đội Biên phòng Kiên Giang kiểm tra tàu cá mang số hiệu KG94337TS. Qua kiểm tra, tổ công tác đã phát hiện trên tàu có 5 thuyền viên, đang vận chuyển khoảng 70.000 lít dầu DO.

Toàn bộ số dầu này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Qua quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện số hiệu ghi trên tàu cá này là giả. Tàu do Phan Hoàng Sa, sinh năm 1984, trú tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trên tàu mua bán xăng dầu lậu thường không có ngư cụ, phao lưới đánh bắt cá, thay vào đó là các loại đường ống cỡ lớn được để sẵn trên boong tàu. Hải trình của các tàu này thường quanh các vùng biển giáp ranh với các nước khác, không theo luồng tuyến đánh cá cố định.

Đại tá Đậu Thanh Thủy, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng cho biết, tình trạng vận chuyển trái phép mặt hàng xăng dầu thường diễn ra tại các khu vực biển tiếp giáp với Thái Lan và Campuchia. Trong quá trình mua bán, vận chuyển xăng dầu lậu, để tránh sự phát hiện của Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng, các đối tượng sử dụng nhiều chiêu trò, thủ đoạn và hình thức hoạt động ngày càng tinh vi.

Trước đó, tại vùng biển Kiên Giang, Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng đã liên tiếp bắt 2 tàu chở dầu DO không có hóa đơn chứng từ. Theo đó, vào lúc 0 giờ, ngày 15-6-2022, Biên đội B22 thuộc Hải đoàn 28 Bộ đội Biên phòng đang làm nhiệm vụ trên vùng biển Thổ Chu (Kiên Giang) đã phát hiện tàu mang số hiệu KG95423TS có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra hành chính, trên tàu có 3 người do thuyền trưởng Võ Văn Hậu, trú tại thị trấn Sóc Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang điều khiển; tàu chở khoảng 40.000 lít dầu DO.

Qua xác minh, toàn bộ số dầu trên tàu không rõ nguồn gốc, không có chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đến 5 giờ cùng ngày, Biên đội B22 tiếp tục phát hiện, kiểm tra tàu mang số hiệu KG90338TS (trên tàu có 4 người, thuyền trưởng là Hồ Văn Sỹ, trú tại xã Tây Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang) chở khoảng 35.000 lít dầu DO. Thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số dầu trên.

Để đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu xăng dầu đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: Cải hoán tàu cá thành tàu chở xăng dầu, ngụy trang dụng cụ trên tàu thành tàu đánh cá để che đậy việc mua bán trái phép xăng dầu...

Đặc biệt, nhiều đối tượng còn sử dụng nền tảng thương mại điện tử trong các giao dịch, áp dụng công nghệ cao vào hoạt động buôn lậu, như lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để giám sát phương tiện của lực lượng chức năng.

Hay việc mua bán xăng dầu trên biển đều thông qua trung gian, hoạt động theo mô hình khép kín. Việc giao nhận xăng dầu diễn ra trên biển, nhưng việc giao nhận tiền lại được thực hiện khá tinh vi, bài bản, người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ sử dụng điện thoại bằng sim “rác” để liên lạc...

Theo Đại tá Võ Văn Sử, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, công tác đấu tranh với tội phạm buôn lậu xăng dầu trên biển gặp rất nhiều khó khăn do hoạt động vận chuyển và giao nhận xăng dầu lậu chủ yếu diễn ra vào ban đêm để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Đặc biệt, các đối tượng thường lợi dụng thời tiết xấu, sóng to, gió lớn hoặc thời điểm không có hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng thực thi pháp luật để tập kết, sang mạn, vận chuyển hàng lậu...

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang