Ngành Du lịch Đà Nẵng bị ảnh hưởng nghiêm trọng
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài nên lượng khách đến Đà Nẵng bị sụt giảm rất lớn, đặc biệt là khách quốc tế. Từ đầu năm đến nay, tổng doanh thu từ du lịch của Đà Nẵng giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2019.
Vắng bóng khách quốc tế
Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch Đà Nẵng ước đạt trên 1,8 lượt khách, giảm gần 56% so với cùng kỳ 2019, trong đó khách quốc tế giảm trên 62 so với cùng kỳ 2019. Tổng thu từ du lịch ước đạt 7.466 tỷ đồng, giảm 49,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn Tthành phố, quý II/2020, tổng thiệt hại là 5.672 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020 thiệt hại sẽ vào khoảng 6.806 tỷ đồng, thậm chí còn có thể nhiều hơn nữa do hiện nay dịch lại bùng phát mạnh ở Đà Nẵng. Có thể thấy, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép các dịch vụ du lịch hoạt động trở lại, với sự chỉ đạo kịp thời của thành phố, Sở Du lịch đã huy động nhiều nguồn lực và chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương, Hiệp hội Du lịch triển khai nhiều giải pháp kích cầu, khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn như: triển khai mạnh mẽ các hoạt động truyền thông điểm đến Đà Nẵng an toàn- hấp dẫn thông qua các tin bài, hình ảnh du lịch trên báo chí, kênh truyền hình lớn trong nước và quốc tế, điểm nhấn là video clip quảng bá du lịch Đà Nẵng trên BBC World News; quảng bá danh hiệu đứng đầu Top 10 điểm đến năm 2020 do Google bình chọn; thực hiện chiến dịch #SeeyouinDanang, giới thiệu các điểm check-in, các góc nhìn khác về Đà Nẵng trên kênh trực tuyến có lượt truy cập lớn Youtube, Tiktok, Twitter, Instagram, trang Fanpage và cổng thông tin du lịch thành phố…
Qua 1 tháng triển khai chương trình kích cầu, trong tháng 6 vừa qua, thành phố đã đón và phục vụ 454.764 lượt khách tăng 85% so với thời điểm tháng 5/2020. Tổng cộng các khu điểm du lịch đã đón hơn 191.000 lượt khách. Các đường bay nội địa đã bắt đầu hoạt động trở lại với 80/90 chuyến/ ngày so với cùng kỳ.
Tuy nhiên do dịch bùng phát trở lại vào cuối tháng 7, nên hiện nay, Đà Nẵng đã phải yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm chủ trương về tạm dừng các hoạt động như lễ hội, nghi lễ tôn giáo, hoạt động thể dục thể thao, sự kiện; hoạt động của các cơ sở kinh doanh và các dịch vụ không thiết yếu; khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp, karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, trò chơi điện tử, nhà hát, rạp chiếu phim, các sân vận động, sân tập…
Để kiểm soát dịch bệnh, UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu Sở Du lịch quản lý, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở lưu trú, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch tạm dừng việc tổ chức đón khách du lịch đến Đà Nẵng. Đông thời, Đà Nẵng cũng sẵn sàng chuẩn bị phương án và quy trình kiểm soát an toàn phòng, chống dịch trong hoạt động du lịch khi Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay quốc tế để đảm bảo an toàn cho người dân, nhân viên phục vụ và du khách, giữ gìn thương hiệu điểm đến.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Những năm qua, ngành Du lịch Đà Nẵng có bước phát triển khá nhanh, lượng khách tăng bình quân hằng năm trên 20%, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố…
Để đạt được những kết quả đó, du lịch Đà Nẵng có những lợi thế nhất định, đó chính là nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thành phố, sự chung tay góp sức của các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thành phố. Đặc biệt, trong quá trình phát triển, ngành du lịch được quan tâm với nhiều chủ trương và chính sách lớn về du lịch được ban hành như Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, “phát triển mạnh mẽ tạo đột phá để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; các Nghị quyết của Đảng bộ thành phố lần thứ XX, XXI,...
Đà Nẵng xác định “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, đồng thời luôn tạo cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển; kêu gọi được nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư kinh doanh ở Đà Nẵng; bên cạnh đó, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch Đà Nẵng trên nhiều kênh khác nhau, nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng trong công tác xúc tiến tại các thị trường nước ngoài,…
song song đó là việc bảo đảm môi trường du lịch an toàn, tạo nên hình ảnh du lịch Đà Nẵng thân thiện, mến khách - đó là những cách làm mà ngành Du lịch cho rằng là các bài học kinh nghiệm giúp du lịch Đà Nẵng phát triển nhanh trong thời gian qua. Hệ thống cơ sở lưu trú phát triển cả về số lượng và chất lượng, các thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới đã có mặt tại Đà Nẵng: InterContinental, Novotel, Hyatt, Pullman, Marriott, Hilton, IHG… đã có mặt ở thành phố, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng tầm thương hiệu du lịch Đà Nẵng.
Ngoài ra, các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng và nâng cao về chất lượng, nhiều khu, điểm tham quan du lịch đã được bổ sung phục vụ du khách như: Khu làng Pháp, Fantasy Park của Khu du lịch Bà Nà Hills; các hoạt động vui chơi giải trí mới tại Công viên châu Á; Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, khu giải trí Helio Center; Cocobay... nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn đạt các giải thưởng danh giá về du lịch của thế giới… Thương hiệu điểm đến du lịch Đà Nẵng từng bước được khẳng định, với các danh hiệu được bình chọn như: Top 10 điểm đến hấp dẫn hàng đầu châu Á; Top 10 điểm đến mới nổi sáng giá nhất thế giới năm 2015; Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu Châu Á 2016…
Du lịch Đà Nẵng trước những thách thức
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, để du lịch xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố đã luôn tạo cơ chế, chính sách thuận lợi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển, kêu gọi nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư kinh doanh ở Đà Nẵng. Có thể thấy, Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 43-NQ/TW, trong đó đã khẳng định du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế và được xác định là một trong 3 trụ cột chính trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố đã đặt ra kỳ vọng và yêu cầu phát triển rất cao cho chặng đường tới. Đây là những cơ hội và thách thức lớn đặt ra trước yêu cầu phát triển của ngành du lịch trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh hiện nay, Đà Nẵng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch COVID-19 gây ra. Áp lực cho ngành Kinh tế là rất lớn, đòi hỏi Đà Nẵng phải có những giải pháp hữu hiệu trước mắt và lâu dài.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Bình, du lịch Đà Nẵng sẽ tập trung triển khai một số giải pháp chính như, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng xã hội về phát triển du lịch. Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch, Bộ quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch theo nhiều hình thức. Xây dựng chương trình phát động mỗi người dân là một đại sứ du lịch.
Đà Nẵng định hướng, cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tiếp tục trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chủ động ứng phó, xử lý rủi ro, khủng hoảng trong lĩnh vực du lịch, đó là việc triển khai Đề án cơ cấu lại ngành du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung cơ cấu lại du lịch theo ngành bao gồm thị trường du lịch, sản phẩm du lịch, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch, nguồn nhân lực du lịch, đầu tư phát triển du lịch, doanh nghiệp du lịch…
Trong đó, chủ động xây dựng phương án quản lý rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, chính trị, thậm chí cả xung đột vũ trang có tác động đến du lịch để chủ động có các kịch bản phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại. Dự phòng nguồn quỹ để sẵn sàng ứng phó với các rủi ro, khủng hoảng. Trước mắt là triển khai các cơ chế chính sách của Chính phủ và Hội đồng nhân dân thành phố để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch khôi phục và phát triển hoạt động kinh doanh sau dịch bệnh COVID-19, rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các chính sách hiện có, rút ngắn các thủ tục hành chính liên quan như thủ tục về đầu tư, xuất nhập cảnh, lao động nước ngoài, nhập khẩu trang thiết bị… để tạo điều kiện cho du lịch phát triển.
Cùng với đó là đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch hiện đại, đồng bộ: Nâng cấp cơ sở vật chất tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Cảng biển Tiên Sa, đảm bảo phục vụ khách du lịch chu đáo, chuyên nghiệp, hiện đại, phấn đấu đến năm 2030 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đạt công suất 30 triệu lượt khách/năm. Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch và chất lượng dịch vụ, phục vụ: triển khai Kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch dịch vụ giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án phát triển nguồn nhân lực cho các ngành Kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng.
Tận dụng thuận lợi hình ảnh về việc truyền thông quốc tế đánh giá “Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19” để tạo dựng thông điệp và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh thương hiệu “Đà Nẵng – Điểm đến du lịch an toàn”… Đà Nẵng cũng tập trung triển khai đồng thời 2 mục tiêu kép về phòng, chống dịch COVID-19 và khôi phục hoạt động kinh doanh du lịch; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn TP Đà Nẵng; bảo vệ cảnh quan môi trường và giữ gìn an ninh trật tự tại các bãi biển trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Theo dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận