Ngành sản xuất nước mắm phải có trách nhiệm với nghề cá

16:37 23-12-2021

VBĐVN.vn - Cá là nguyên liệu cho sản xuất nước mắm, ngành chế biến nước mắm cần phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn cá, phát triển bền vững ngành sản xuất nước mắm.

Hiệp hội Nước mắm Việt Nam vừa phối hợp với Hội nghề cá Việt Nam và Viện Nghiên cứu hải sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo "Bảo vệ nguồn cá, phát triển bền vững ngành sản xuất nước mắm ở Việt Nam".

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Minh Phúc.

Ba trụ cột tạo nguồn nguyên liệu bền vững

Bất cứ sản phẩm tiêu dùng nào, nhất là sản phẩm liên quan đến ăn uống, thì nguyên liệu đầu vào vô cùng quan trọng. Trong ngành sản xuất nước mắm, việc duy trì hoạt động khai thác cá, chế biến là yếu tố tiên quyết để ngành nước mắm ngày càng phát triển.

Chia sẻ tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Để có nước mắm thì phải có cá. Để có cá thì phải vừa nuôi trồng, vừa khai thác vừa bảo tồn. Ba trụ cột này không thể tách rời được”.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đến năm 2030, chúng ta giảm sản lượng khai thác xuống chỉ còn 2,8 triệu tấn, sản lượng thuỷ sản nuôi trồng đạt 7 triệu tấn, vì hiện nay cường lực khai thác quá lớn.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, sản lượng nước mắm bình quân của Việt Nam trong năm 2020 đạt gần 280 triệu lít, tính trung bình người Việt Nam ăn nước mắm khoảng 3,9 lít/người/năm; giá trị xuất khẩu nước mắm hàng năm khoảng 25 triệu USD.

Các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm xây dựng, phát triển bền vững ngành sản xuất nước mắm tại nước ta. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS, thuộc Hội Nghề cá Việt Nam) chia sẻ: Muốn xuất khẩu nước mắm, sản phẩm của chúng ta phải đáp ứng được yêu cầu của từng thị trường. Điển hình như thị trường Mỹ yêu cầu nước mắm phải đáp ứng các tiêu chuẩn của FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ), đáp ứng các nguyên tắc trong việc thiết lập hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP). Thị trường Châu Âu thì kiểm tra rất chặt chẽ về tiêu chuẩn Histamine. Các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc đều yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm và giấy phép an toàn chất lượng nhập khẩu.

Đặc biệt, các nước nhập khẩu yêu cầu ngày càng cao hơn nữa về việc chống khai thác cá bất hợp pháp, không theo quy định và không báo cáo (IUU).

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS (Hội Nghề cá Việt Nam). Ảnh: Minh Phúc.

“Quyết định 1005 của EC cũng đã nêu rõ, các sản phẩm thuỷ sản cũng như các sản phẩm bắt nguồn từ thuỷ sản khi xuất khẩu sang Châu Âu phải có giấy xuất xứ nguồn gốc thực hành IUU. Tại thị trường Mỹ cũng có chương trình kiểm soát các sản phẩm khai thác từ thuỷ sản vào thị trường Mỹ, và IUU cũng là yêu cầu các quốc gia phải thực hiện”, ông Lập nhấn mạnh.

Theo nongnghiep.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang