Ngành thủy sản Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng”

12:08 22-07-2021

VBĐVN.vn - Từ năm 2012 đến nay, Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo thẻ về IUU (Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) đối với 27 nước. Trong đó, 21 nước bị cảnh báo “thẻ vàng” và 6 nước bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Đến nay, đã có 3 nước gỡ được “thẻ đỏ”, 14 nước gỡ được “thẻ vàng”.

Việt Nam đang nỗ lực Thực thi Luật Thủy sản và các khuyến nghị của EC để gỡ thẻ vàng IUU. Ảnh: TTXVN

Tại khu vực Đông Nam Á, trong khi Thái Lan và Philippines đã gỡ được “thẻ vàng” thì Việt Nam vẫn chưa được EC thu hồi thẻ. EC cho rằng, Việt Nam vẫn còn hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, đặc biệt là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và kiểm soát nguồn gốc thủy sản từ khai thác còn bất cập. Nếu không giải quyết được các vấn đề về IUU, Việt Nam sẽ bị xác định là quốc gia không hợp tác và có thể sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”.

Tháng 10-2017, ngành thủy sản Việt Nam bị EC áp “thẻ vàng” IUU. Hơn 3 năm qua, những nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Việt Nam vẫn gặp nhiều trở ngại do nhiều người vì lợi ích cá nhân làm tổn hại đến lợi ích kinh tế của đất nước.

Đáng lo ngại là không phải ngư dân nào cũng biết, khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, 100% lô hàng thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của Việt Nam bị kiểm tra khi xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU). Trường hợp bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” thì tất cả sản phẩm thủy sản từ khai thác sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU. Do EU là thị trường tín chỉ nên các thị trường khác có thể sẽ áp dụng biện pháp tương tự với hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam.

Theo nhiều chuyên gia, hệ lụy từ “thẻ vàng” IUU đã gây ra nhiều tổn thất đối với hoạt động khai thác, xuất khẩu của ngành thủy sản. Hiện, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào châu Âu giảm 35% so với năm 2017.

Việc khắc phục “thẻ vàng” chậm còn ảnh hưởng đến hoạt động chiến lược bảo đảm và thực thi chủ quyền biển đảo của Việt Nam; ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn quốc tế.

Để tháo gỡ “thẻ vàng” IUU, năm 2017, Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản cùng với đó là hàng loạt nỗ lực khác nhau dựa trên khuyến nghị của EC. Cụ thể, chúng ta đã xây dựng được cơ sở dữ liệu tàu cá (đăng ký, đăng kiểm, cấp Giấy phép khai thác thủy sản) kết nối từ Trung ương đến địa phương.

Tính đến ngày 30-6-2021, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên có tín hiệu trên Hệ thống giám sát hành trình là 26.915 tàu (đạt 87,45%). Số lượng tàu cá đã thực hiện đánh dấu theo quy định là 85.620 tàu, đạt 90,53%. Cả nước đã có 59 cảng đủ điều kiện cho công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác.

Tuy nhiên, không ít tàu cá khai thác hải sản tại Việt Nam vẫn tiếp tục đánh bắt trái phép trên vùng biển nước ngoài, không gắn thiết bị giám sát hành trình cũng như bảo đảm thiết bị bật, phát tín hiệu khi tàu cá hoạt động biển theo quy định của pháp luật... đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc gỡ “thẻ vàng” IUU.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù chúng ta đã có những quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, thậm chí có khoản phạt lên đến 2 tỷ đồng, nhưng mức xử phạt vẫn còn nhẹ so với khuyến cáo của EC, nên chưa đủ sức răn đe.

Với quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác IUU vào năm 2022 để gỡ “thẻ vàng” của EC, thiết nghĩ các bộ, ngành, 28 địa phương ven biển phải vào cuộc quyết liệt, bảo đảm 100% tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, quản lý, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động đánh bắt, khai thác hải sản.

Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho ngư dân về hậu quả của hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, cần có chế tài mạnh hơn đối với các hoạt động này, thậm chí là áp dụng các biện pháp hình sự đối với những người vi phạm.

Thanh Thảo (theo bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang