Nghĩa tình nơi đảo xa

20:40 18-11-2021

VBĐVN.vn - Đóng quân ở nơi đảo xa, cách đất liền trên 120km đường biển nhưng do gần dân, biết lo cho dân nên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nam Du, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang luôn được nhân dân trong địa bàn tin yêu, ủng hộ. Đó là động lực, là nguồn sức mạnh giúp các anh vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nam Du tuần tra bảo vệ biển, đảo Nam Du. Ảnh: Đăng Bảy

“Mắt biển” Nam Du

Dùng dằng mãi, tôi mới dứt khỏi đảo Nam Du để trở về đất liền. Không phải chỉ vì phong cảnh nên thơ, lãng mạn ở đây mà tôi muốn tận dụng thời gian ít ỏi trong chuyến tác nghiệp để cảm nhận, để ghi lại những công việc thầm lặng của những người lính Biên phòng đang trấn giữ nơi đảo xa. Vội quá thế nên gần đến giờ tàu chạy, tôi mới nhờ anh em lấy xe máy chở ra bến tàu.

Lên tàu, ổn định chỗ ngồi rồi, mới phát hiện chiếc mũ bảo hiểm... vẫn còn đội trên đầu. Người đồng đội trẻ chở ra bến tàu cũng đã quay lại đơn vị. Tôi nhảy vội xuống, gửi chị bán bánh mỳ gần đó giữ hộ chiếc mũ rồi tính điện thoại nhờ người trong Đồn Biên phòng Nam Du ra lấy. Chị khua tay nói: “Khỏi điện, tý đi ngang qua trạm kiểm soát Biên phòng, tui đưa dùm cho”. “Ủa mà sao chị biết chiếc mũ này là của mấy anh Biên phòng?” - Tôi ngạc nhiên. “Mũ của bộ đội nhìn là biết ngay. Quân với dân như cá với nước mà” - Chị bán bánh mỳ cười hiền khô, rồi kể tên anh em trong đồn như trực ban điểm danh đơn vị. Chị nói, ở đảo xa này, quân dân quý mến nhau lắm, như người trong nhà vậy. Bà con có gì khó khăn cũng chạy ù lên đồn nhờ mấy anh cho người xuống hỗ trợ, riết rồi thành quen, thành thân... Đến khi chuẩn bị rời hòn đảo xa xôi này, tôi vẫn nghe những câu nói thắm đượm tình quân dân “cá nước” như vậy.

Cũng giống như phần lớn các đơn vị ở tuyến đảo, Đồn Biên phòng Nam Du có vị trí đóng quân rất đẹp, lưng tựa vào núi và cổng nhìn ra hướng biển. Từ điểm cao nơi đồn đóng quân, có thể quan sát được toàn bộ di biến động của tàu thuyền khi ra vào đảo. Do vậy, nhiều hoạt động vi phạm vùng biển, sự xuất hiện của các tàu lạ đều bị phát hiện. Chính vì thế, người dân ở đây thường ví Đồn Biên phòng Nam Du như là “mắt biển” nơi đảo xa.

Theo Thượng tá Mai Văn Cảnh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nam Du, đơn vị quản lý địa bàn hành chính 2 xã An Sơn và Nam Du (huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) với 21 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó, có 11 đảo có người dân sinh sống. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề đi biển. Nhiều tàu hàng, tàu nước ngoài cũng hay ghé vào đảo tránh bão, mua bán lương thực, thực phẩm, tiếp tế xăng dầu. Bên cạnh đó, một số khu vực trên đảo như Bãi Ngự, bãi Cây Mến và Bãi Trệt... là nơi trú ngụ, neo đậu thường xuyên của hàng chục tàu cá từ các vùng biển tụ về. Những yếu tố trên càng làm cho việc giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biển, đảo này trở nên phức tạp.

Anh Võ Văn Võ, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã An Sơn nói: “Trước kia, rất ít người ra vào đảo, nên mỗi khi có người lạ xuất hiện là Công an, Biên phòng biết ngay. Khoảng 5 năm trở lại đây, kinh tế thị trường có bước chuyển mình rõ rệt, vào mùa du lịch, ngày cao điểm, có tới 2.000 - 3.000 lượt du khách đến đảo Nam Du, rồi nhà trọ, quán nhậu mọc lên. Đi cùng với đó là nảy sinh các tệ nạn như say xỉn, đánh nhau, trộm cắp... Chính vì vậy, công tác quản lý địa bàn, bảo đảm an ninh, trật tự trở nên phức tạp hơn. Đồn Biên phòng trở thành điểm tựa cho chúng tôi trên mặt trận giữ gìn an ninh trật tự”.

Những chiến công lặng thầm

Trong những ngày phiêu du ở đảo Nam Du, tôi đã được nghe nhiều người dân ở đây nói về tinh thần vượt khó, sự hy sinh thầm lặng, về những nghĩa cử sâu đượm tình quân dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nam Du. Ông Út Đức - ngư dân chuyên làm nghề lưới thưng, ngụ tại ấp Củ Tron, xã An Sơn, nhớ lại: “Ngày xưa, đảo nghèo lắm, thiếu thốn đủ thứ, không điện, không đường, cả tuần mới có 1-2 chuyến tàu từ đất liền ra đảo. Rồi giông lốc, chìm tàu, nhà cửa bị gió xô đổ, mái nhà bị hất tung, mọi thứ đều trông chờ vào mấy chú Biên phòng”.

Bí thư Đảng ủy xã Nam Du Nguyễn Thị Kim Phụng còn khẳng định chắc nịch: “Hàng chục năm qua, hễ gặp bất cứ khó khăn gì trong cuộc sống hay cần cứu nạn, cứu hộ thì Đồn Biên phòng Nam Du là địa chỉ đầu tiên mà người dân ở đây nhớ tới. Không quản nắng mưa, bão gió, thậm chí nguy hiểm, hễ dân cần là các anh có mặt”.

“Đồn là nhà, biển cả là quê hương”, cũng vì yêu cảnh mến người nên rất nhiều cán bộ Đồn Biên phòng Nam Du đã coi Nam Du là quê hương thứ hai. Hiện nay, đơn vị có 12 đồng chí lấy vợ, lập gia đình ở hòn đảo xa xôi này. Những người như Thượng tá, Chính trị viên Bùi Thanh Sơn; Trung tá Lê Văn Nhiều; Thiếu tá, Đinh Phước Hiền là lớp cựu trào vì đã có trên dưới 30 năm gắn bó, lấy vợ và sinh sống ở xã đảo này. Không ít người, con cái sinh ra và trưởng thành rồi lại noi gương bố, xây dựng gia đình ngay tại hòn đảo Nam Du.

Thiếu tá Lê Văn Nhiều phấn khởi nói: “Vừa rồi, con gái đầu của tôi lấy chồng, cũng là sĩ quan, công tác tại Đồn Biên phòng Nam Du. Con trai thứ 3 cũng vừa đậu Trường Sĩ quan Chính trị. Nhà tôi bây giờ là nhà bộ đội”...

Trung tá Lê Văn Nhiều thăm, động viên gia đình khó khăn trên địa bàn (ảnh chụp trước thời điểm dịch bệnh bùng phát). Ảnh: Đăng Bảy

Cả đời binh nghiệp gắn bó với đảo xa, với xã đảo Nam Du này nên Trung tá Lê Văn Nhiều có rất nhiều duyên nợ với đất và người nơi đây. Không chỉ hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, anh Nhiều còn rất tích cực tham gia công tác xã hội. Đã hàng chục lần anh cùng đồng đội vượt giông bão, trực tiếp đi cứu hộ, cứu nạn. Năng nổ, nhiệt tình và có nhiều kinh nghiệm nên những khi tham gia vào công việc nguy hiểm này, anh Nhiều thường được giao các nhiệm vụ như xác định vị trí tàu bị nạn, tính lượng gió, chiều nước chảy để phục vụ công việc cứu hộ, cứu nạn. Đã có hàng chục tàu thuyền bị nạn được anh Nhiều và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nam Du cứu vớt, hàng chục ngư dân được giành giật khỏi tay thần chết.

Đồn trưởng Mai Văn Cảnh cho biết thêm: “Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Nam Du đã cử 64 lượt cán bộ, chiến sĩ cứu hộ, cứu nạn được 8 lượt tàu thuyền bị nạn ngoài biển. Ngoài ra, đơn vị còn cử trên 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ giúp dân sửa nhà, sửa chữa đường giao thông...”.

Tuy ở đảo xa, nhưng khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Đồn Biên phòng Nam Du cũng đã thành lập 4 chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19. Đơn vị duy trì quân số túc trực 24 giờ trong ngày và phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức gần 20 buổi tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, về dịch bệnh Covid-19 cho trên 5.500 lượt người dân, vận động gần 1.500 hộ dân ký cam kết thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép” ở khu vực biên giới biển. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của nhân dân nên thời gian qua trên đảo không xảy ra các vụ viện liên quan đến xuất, nhập cảnh trái phép. Tính đến tháng 11-2021, địa bàn 2 xã An Sơn và Nam Du do đơn vị quản lý vẫn là “vùng xanh”.

Sống gần dân, gắn bó và sẵn sàng hy sinh vì dân nên cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Nam Du luôn được chính quyền và dân trong địa bàn tin yêu, ủng hộ. Đó chính là động lực, là nguồn động viên giúp các anh vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên phạm vi vùng biển, đảo đơn vị phụ trách.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang