“Ngôi nhà chung” giúp ngư dân đoàn kết vươn khơi
“Một người bị nạn, cả tổ cùng lo; một tàu trúng mẻ cá lớn, cả tổ chung nhau chia sẻ. Bởi khai thác trên biển họ không đơn độc mà được gắn kết trong những tổ, đội tàu thuyền” - Đó là chia sẻ của Trung tá Ngô Tuấn Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cần Thạnh, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh khi nói về các Tổ tự quản tàu, thuyền an toàn trên địa bàn.
Cần Thạnh là thị trấn ven biển thuộc huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản và kinh doanh dịch vụ, buôn bán. Hiện nay, địa phương có 121 phương tiện khai thác, đánh bắt trên biển. Trước đây, khi chưa có Tổ tự quản tàu, thuyền an toàn, trong quá trình ra khơi, ngư dân thường tìm ngư trường tổ chức đánh bắt riêng lẻ theo kiểu “mạnh ai người đó làm”. Do đó, khi có tình huống hay sự cố, tai nạn bất ngờ xảy ra, nhiều ngư dân không biết tìm sự giúp đỡ từ đâu.
Trước tình hình đó, năm 2017, Đồn Biên phòng Cần Thạnh đã phối hợp với UBND thị trấn Cần Thạnh xây dựng mô hình Tổ tự quản tàu, thuyền an toàn. Mô hình hoạt động trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện, ngư dân hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau vươn khơi, bám biển, cũng như khi có thiên tai, hoạn nạn xảy ra. Việc xây dựng mô hình này phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân, vì thế, bà con rất đồng tình ủng hộ và tham gia nhiệt tình.
Đến nay, Đồn Biên phòng Cần Thạnh đã phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 2 Tổ tự quản tàu, thuyền an toàn gồm: Tổ tự quản tàu, thuyền an toàn gần bờ (có 13 chủ phương tiện tham gia) và Tổ tự quản tàu, thuyền an toàn xa bờ (có 16 chủ phương tiện tham gia). Nhận thức được ý nghĩa khi tham gia mô hình nên các thành viên luôn đoàn kết giúp đỡ nhau về mọi mặt trong quá trình đánh bắt trên biển.
Từ khi ra đời mô hình Tổ tự quản tàu, thuyền an toàn đến nay, mỗi quý một lần, các thành viên lại tổ chức họp định kỳ có sự tham gia của cán bộ Biên phòng và cán bộ địa phương để chia sẻ, trao đổi tình hình khai thác, đánh bắt trên biển. Những trường hợp mâu thuẫn, xích mích với nhau trong cuộc sống hay quá trình đánh bắt trên biển được kịp thời giải quyết dứt điểm trong các buổi sinh hoạt.
Thượng úy Nguyễn Tấn Phát, Đội phó Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cần Thạnh chia sẻ: “Thông qua những đợt sinh hoạt với các thành viên Tổ tự quản tàu, thuyền an toàn, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho ngư dân nắm và thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giữ gìn an ninh trật tự, không sử dụng xung điện và các ngư cụ bị cấm để đánh bắt, khai thác hải sản, có ý thức giữ gìn tài nguyên, môi trường biển; không tham gia các tệ nạn xã hội cũng như gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Nhờ vậy, nhận thức của người dân về chủ quyền biển, đảo và trách nhiệm giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở tuyến biên giới biển được nâng lên rõ rệt. Ngư dân khi tham gia đánh bắt trên biển luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau”.
Chia sẻ về mô hình Tổ tự quản tàu, thuyền an toàn, Trung tá Ngô Tuấn Long cho biết: “Thành công lớn nhất của mô hình Tổ tự quản tàu, thuyền an toàn là đã tạo được sự đồng thuận, đoàn kết gắn bó giữa ngư dân với nhau trong khai thác, đánh bắt hải sản. Ngoài việc hỗ trợ nhau trong sản xuất, vươn khơi, bám biển, các thành viên trong Tổ tự quản tàu, thuyền an toàn còn giúp lực lượng BĐBP làm tốt công tác bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn khu vực biên giới biển. Mỗi ngư dân hoạt động trên biển là kênh cung cấp thông tin quan trọng về các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên biển, đồng thời là lực lượng tại chỗ giúp BĐBP cùng các cơ quan chức năng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển”.
Ông Trương Văn Trai, trú tại khu phố Phong Thạnh, thị trấn Cần Thạnh, Tổ trưởng Tổ tự quản tàu, thuyền an toàn xa bờ chia sẻ: “Từ khi Tổ được thành lập, chúng tôi tạo được sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Khi tàu của ngư dân bị gãy chân vịt, hỏng máy hoặc gặp sự cố trên biển đều được ứng cứu kịp thời. Đặc biệt, thông qua những buổi tuyên truyền của BĐBP, ngư dân hiểu và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản. Ngoài ra, các thành viên trong Tổ đều tích cực tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trên biển”.
Có thể khẳng định rằng, mô hình Tổ tự quản tàu, thuyền an toàn hoạt động rất hiệu quả, luôn là điểm tựa vững chắc cho mỗi ngư dân vươn khơi, bám biển. Đây cũng chính là “tai, mắt” giúp BĐBP làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự trên biển, cũng như trên địa bàn khu vực biên giới biển.
Từ đầu năm 2020 đến nay, qua công tác nghiệp vụ và từ các tin báo của nhân dân, đặc biệt là các ngư dân đánh bắt, khai thác trên biển, Đồn Biên phòng Cần Thạnh đã phát hiện 11 vụ với 15 đối tượng liên quan đến vận chuyển, khai thác cát trái phép; vi phạm lĩnh vực thủy sản và lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; vi phạm quy định trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa... Đơn vị đã tịch thu 1.885 mét khối cát; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 170 triệu đồng.
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận