“Ngôi nhà chung” nơi biển xa
Cùng với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, nhà giàn, tàu trực thì các trung tâm dịch vụ hậu cần-kỹ thuật nghề cá, âu tàu, làng chài thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa cũng là chỗ dựa vững chắc để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hiện nay, ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã có 4 trung tâm dịch vụ hậu cần-kỹ thuật nghề cá và các làng chài, phân đội làng chài do Hải đoàn 128, 129 (thuộc Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn) và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quản lý. Ngoài việc giúp đỡ bà con ngư dân sửa chữa, cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, cán bộ, chiến sĩ của các trung tâm còn làm tốt công tác tuyên truyền Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định”; tạo chỗ neo đậu cho tàu thuyền, bố trí nơi ăn, chỗ nghỉ cho ngư dân vào tránh trú bão.
Tại âu tàu Trung tâm Dịch vụ Hậu cần-kỹ thuật đảo Đá Tây, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Biên, chủ tàu cá BTh 97199 TS. Anh Biên kể: Mới đây tàu cá chúng tôi đang khai thác hải sản trên vùng biển Trường Sa thì bất ngờ bốc cháy trong khoang. Khi phát hiện vụ việc, chúng tôi đã cố gắng dập lửa nhưng do ngọn lửa cháy quá lớn nên không dập tắt được, tàu bị chìm hoàn toàn. Ngay lúc đó, chúng tôi được bộ đội Hải quân đến giúp đỡ và đưa vào đảo Đá Tây sơ cứu, cung cấp lương thực, thuốc men và cho lưu trú tại đây.
Lau vội những giọt mồ hôi mặn chát trên khuôn mặt rám nắng, anh Biên xúc động nói: Cả con tàu cháy rụi. Khối tài sản trị giá hơn 6 tỷ đồng không thể cứu được, chúng tôi tiếc lắm. Tuy nhiên, thứ quý giá nhất là tính mạng của tất cả anh em trên tàu thì đã được bộ đội Hải quân cứu giúp.
Ngư dân Lương Công Xuyên, chủ tàu PY 90144 TS, quê Phú Yên chia sẻ: Trước đây, trước khi ra khơi, tàu cá phải chuẩn bị rất nhiều thứ cho những chuyến đi biển dài ngày. Có những khi chúng tôi chưa gặp luồng cá đã cạn nhiên liệu, nước ngọt, lương thực đành phải quay về bờ nên hiệu quả đánh bắt rất thấp. Từ khi Trung tâm Dịch vụ Hậu cần-kỹ thuật đảo Đá Tây hoạt động, bà con đánh bắt thủy hải sản đã thực sự yên tâm, không lo thiếu nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nước ngọt hay khi gặp các sự cố, tàu bị hư hỏng... Bởi ở đây, các tàu được cung cấp nước ngọt và nếu không may tàu bị hư hỏng thì được sửa chữa miễn phí; thay thế linh phụ kiện, mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm giá như trong đất liền...
Còn trường hợp tàu cá PY 90181 TS do ông Nguyễn Văn Tuy làm thuyền trưởng, quê ở khu phố 6, phường Phú Đông, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên khi đang đánh bắt hải sản tại ngư trường truyền thống của Việt Nam thì nhận được thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia về hướng đi của cơn bão số 9 (năm 2020) sẽ đổ bộ vào Biển Đông. Tàu của ông Tuy và hơn 30 tàu khác đã nhanh chóng cơ động vào Âu tàu đảo Sinh Tồn. Khi vào đây, các tàu đã được cán bộ, nhân viên của Trung tâm tạo mọi điều kiện giúp đỡ neo đậu an toàn, được cấp nước ngọt và hướng dẫn khám bệnh đầy đủ. Trước khi rời Trung tâm tiếp tục đi đánh bắt, trong niềm xúc động, ngư dân Tuy bày tỏ: “Nếu không có các âu tàu thì khi có bão, bà con không biết tránh trú bão ở đâu. Chúng tôi thấy rất yên tâm khi vào đây tránh gió bão. Cảm ơn bộ đội Hải quân ở Âu tàu Sinh Tồn, các anh đã cho chúng tôi niềm tin để các tàu yên tâm vươn khơi bám biển”.
Thiếu tá Trần Cộng Hòa, Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Dịch vụ Hậu cần-kỹ thuật đảo Trường Sa thuộc Hải đoàn 129, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết: Trung tâm là nơi tránh trú bão cho bà con ngư dân và cung cấp các dịch vụ về nhiên liệu, nước ngọt miễn phí và đặc biệt là tại đây có nơi đảm bảo ăn uống, ngủ nghỉ cho bà con khi gặp các tai nạn rủi ro trên biển. Bên cạnh đó, với hệ thống trực của tất cả các cấp phối hợp với các tàu Hải quân 24/24 giờ để cứu hộ, cứu nạn ngư dân. Bất kể thời tiết phức tạp hay đêm tối chúng tôi đều đến với ngư dân. Chúng tôi coi ngư dân như người thân trong gia đình...
Việc làm của cán bộ, chiến sĩ Hải quân giữa biển xa là minh chứng cụ thể sự lan tỏa của Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” đồng thời góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ bà con ngư dân khai thác hải sản an toàn, bền vững, đúng pháp luật.
(Đức Tuấn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận