Ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu tích cực vươn khơi, bám biển: Hướng tới cuộc sống ấm no
VBĐVN.vn - Tận dụng lợi thế về tài nguyên biển, ngư dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang tích cực bám biển để khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Nhờ đó, nhiều ngư dân đã có được nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống tốt hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.
Bám biển làm giàu
Với bờ biển dài hơn 305km và trên 100.000 km2 thềm lục địa, ngư trường rộng lớn, chứa lượng thủy sản dồi dào, Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển khai thác và đánh bắt thủy hải sản. Bao đời nay, người dân vùng ven biển như: TP Vũng Tàu, huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc và huyện đảo Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu) vẫn bền bỉ với nghề truyền thống và đã có nhiều ngư dân trở nên giàu có nhờ bám biển, vươn khơi.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện nay toàn tỉnh có 4.664 tàu khai thác thủy sản. Phần lớn các tàu được đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến như máy tầm ngư, máy định vị, máy đo độ sâu, vô tuyến diện tầm xa… Hàng năm, lĩnh vực khai thác thủy hải sản giải quyết việc làm cho khoảng hơn 40 nghìn lao động. Sản lượng khai thác mỗi năm khoảng 358.634 tấn.
Với hơn 40 năm bám biển, gia đình ngư dân Nguyễn Trính ngụ ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) được xem là gia đình có truyền thống gắn bó với nghề khai thác biển. Bởi tính đến nay, gia đình ông đã có 03 thế hệ nối tiếp nhau làm nghề khai thác, đánh bắt thủy hải sản. Nhờ làm nghề biển mà gia đình ông khấm khá hơn, ngày càng “ăn nên làm ra”. Sau một thời gian dài làm nghề khai thác thủy hải sản, ông đã tích góp mua được 8 chiếc tàu cá, công suất trên 5.000 CV.
Hiện nay, mỗi năm gia đình ông có thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Ông Trính chia sẻ: “Biển đã mang lại nguồn hải sản, cá tôm để nuôi sống gia đình, lo cho con cái; là tài sản quý giá nên tôi luôn động viên con cháu yêu quý và gắn bó với nghề truyền thống của cha ông. Nhờ đó mà cho đến hôm nay, đời con, đời cháu tôi vẫn bền bỉ bám nghề, vươn khơi đánh bắt”.
Kể về nghiệp biển của mình, ngư dân Nguyễn Đình Ngọc, ở phường 2 (Tp. Vũng Tàu) cho biết: năm 1992, ông từ Bình Định vào TP Vũng Tàu lập nghiệp. Thời điểm đó, ông xin phụ việc trên một tàu cá; đến năm 2004 ông đã tích góp và vay mượn thêm đóng một chiếc ghe trị giá 2 tỷ đồng để ra làm riêng.
Ông Ngọc chia sẻ, ngày trước, dù nguồn lợi hải sản dồi dào nhưng trang thiết bị trên ghe còn rất thô sơ, kéo lưới bằng tay nên đánh bắt không nhiều, mỗi chuyến biển đi trong 1 tháng chỉ được khoảng 10 tấn.
Thêm vào đó, hầm chứa cá nhỏ bằng gỗ, bảo quản cá sau đánh bắt không tốt, chỉ giữ tươi được 40% khi về bờ, cá bán mất giá nên kinh tế gia đình luôn trong tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên, đến năm 2014 đến nay, nhờ có chính sách hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu lớn, hiện đại đánh bắt vùng khơi, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tôi đã mạnh dạn đăng ký xin đóng 1 tàu vỏ composite với công suất 820CV, giàn lưới dài 15km với chất liệu lưới tốt, máy móc hiện đại, trị giá hơn 10 tỷ đồng/tàu.
Đến nay, nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, tôi đã đầu tư thêm 3 tàu cá có công suất lớn, vươn khơi xa bờ nên sản lượng khai thác đạt hiệu quả cao. Nhờ đó, gia đình đã có được nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống phát triển lên. Đồng thời, cũng tạo được công ăn việc là cho nhiều lao động; giúp gia đình họ thoát nghèo bền vững.
Phát triển bền vững
Ông Nguyễn Công Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Trong những năm qua, khai thác kinh tế biển đang trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, giúp ngư dân thay đổi cuộc sống. Nhờ chăm chỉ làm ăn, nhiều ngư dân không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu cho gia đình và quê hương từ chính nghề biển mà họ đã gắn bó, cũng nhờ đó nhiều khu vực ven biển khởi sắc từng ngày.
Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế biển, khai thác hiệu quả nguồn lợi từ biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã quy hoạch phát triển nghề khai thác thủy hải sản theo hướng giảm dần những nghề xâm hại đến nguồn lợi và môi trường sinh thái; phát triển nghề có tính thân thiện với môi trường như lưới vây khơi, rê khơi, nghề câu khơi kết hợp chụp mực… Thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng nghề cá tại cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ khai thác hải sản ở vùng biển xa, qua đó khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu xa bờ để bám biển dài ngày, mang lại hiệu quả khai thác cao hơn.
Đồng thời, tiếp tục rà soát, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các địa phương bằng hình thức hỗ trợ phương tiện cho các ngư dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ có phương tiện đánh bắt, yên tâm bám biển. Song song đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung đẩy mạnh tiến độ đầu tư các khu chế biến tập trung tại địa phương, để hoàn tất việc di dời toàn bộ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến vào các khu tập trung nhằm đảm bảo được vấn đề xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường từ hoạt động của các nhà máy chế biến.
Tập trung phát triển các loại hình chế biến xuất khẩu cho giá trị cao như: tôm luộc chín đông nhanh, các mặt hàng tinh chế, các mặt hàng thủy sản ăn liền, chả mực, chả tôm hấp chín ăn liền, đồ hộp thủy sản phục vụ cho nhu cầu khách du lịch đến tham quan tỉnh và xuất khẩu, qua đó tạo công ăn việc làm, cải thiện cuộc sống cho người dân, đồng thời góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương theo hướng bền vững.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo, trong đó đề cao trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương trong việc triển khai toàn diện, đồng bộ, có chiều sâu chương trình phối hợp tuyên truyền biển, đảo theo hướng thiết thực, hiệu quả, kết hợp huy động quỹ vì biển, đảo Việt Nam nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội tham gia nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Linh Nga (baotainguyenmoitruong.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận