Ngư dân Bình Ba “tập làm” du lịch
Ngư dân tự học nghiệp vụ
Nghe dân đảo giới thiệu, 5 giờ chiều, tôi đi tìm hai vợ chồng trẻ mang thương hiệu “Hậu Thi”, họ được ví như “cha đẻ” du lịch ở Bình Ba. Tôi trình bày lý do buổi gặp, bà chủ “chốt” luôn: “Bây giờ không tiếp chuyện anh được, em phải chuẩn bị đồ ăn cho đoàn khách cả 100 người. Sau 7 giờ tối anh quay lại”.
Như đã hẹn, tôi đến phải chờ một thời gian khá lâu vì ông chủ, bà chủ liên tục chạy qua, chạy lại bưng bê đồ ăn cho khách. Hai vợ chồng cũng tranh thủ ngồi nói chuyện. “Ngày mai, thứ bảy, có khoảng ba nghìn khách du lịch ra. Dân cả đảo tập trung kiếm tiền. Nhà hàng của em trả công lao động 400 nghìn - 500 nghìn đồng/người/ngày, mà khó kiếm người đến giúp việc. Cả hai vợ chồng căng ra làm cả nhà nghỉ, nhà hàng, ca-nô chở khách”, bà Ngô Thị Kiều Thi xởi lởi. Mới nói chuyện được chút xíu, chị lại ngừng để nghe điện thoại. Nói chưa xong, máy khác đổ chuông, thả tay phải xuống bàn, tay trái cầm máy khác lên nói chuyện tiếp.
“Vạn sự khởi đầu nan”, ông Lâm Tân Hậu, là dân làm nghề biển, nuôi trồng thủy sản, chữ “du lịch” bẻ đôi không biết. Năm 2011, tình cờ có mấy người đi “phượt” theo tàu chở khách ra đảo Bình Ba, đang lớ ngớ hỏi đường thì gặp ông Hậu. “Lúc đó cả đảo Bình Ba không có quán ăn. Mấy ông đói bụng, nhờ vợ tui nấu cơm ăn. Đêm họ dẫn nhau ra ngoài bãi Nồm căng bạt nằm ngủ. Vào bờ họ tung hình ảnh đảo Bình Ba lên mạng, vài tuần sau có đoàn “phượt” khác kết nối với tui từ xa để hướng dẫn và nấu cơm cho ăn”, ông Hậu kể vắn tắt.
Về sau có một công ty du lịch ở TP Hồ Chí Minh ra khảo sát và yêu cầu ông Hậu hợp tác làm ăn, giữ đầu mối tại Bình Ba. Mỗi lần họ đưa ra 40 - 100 khách. “Lúc đầu, hai vợ chồng không nhận làm vì lớn quá. Mấy ông nói cứ làm đi, có họ hỗ trợ về “nghiệp vụ”. Trời ơi, nghe chữ “nghiệp vụ”, tui còn sợ hơn nữa. Dân du lịch ăn mang sạch sẽ, nói năng nhỏ nhẹ, hai vợ chồng tui dân biển rặt, ăn nói như sóng biển đập vô vách đá. Họ nài nỉ mãi, thôi cũng nhắm mắt nhận liều. Đón đoàn khách đầu tiên 30 người ra đảo ăn chơi, tui huy động tất cả anh em trong nhà mang xoong, chén... cho mượn và phụ nấu nướng”, ông Hậu nhớ lại: “Rồi chỗ ngủ thì tui đi mượn nhờ trong nhà dân. Có chuyến ra đây 100 người, đảo vui nhộn hẳn lên. Họ ra đây nghe kể chuyện cuộc sống biển cả, được ăn hải sản tươi, ngắm nghía những bãi biển đẹp... Họ thích lắm!”.
Thời điểm đó cả đảo Bình Ba chỉ có ba chiếc xe máy, ông Hậu đi mượn được một chiếc, để tăng bo khách ra các bãi biển như con thoi. Thời điểm đó, vợ chồng ông Hậu có cái bè nuôi tôm hùm nhỏ cũng trở thành điểm du lịch luôn. “4 giờ sáng, tôi phải thức dậy lo chuẩn bị đồ mọi thứ, gánh xuống bến ghe chở ra bè tôm của Hậu. Nhóm lửa nấu bánh canh, khoảng 6 giờ 30 phút, ghe chở khách du lịch ra ăn sáng tại bè tôm. Làm được một thời gian, khách càng ngày càng đông, bè tôm quá tải. Hậu làm cái nhà hàng nổi nhỏ ở gần bờ để cho khách đi lại thuận tiện. Đây là cái quán ăn, nhà hàng chuyên nghiệp đầu tiên tại Bình Ba”, bà Lâm Thị Kim Chi kể ngày đầu hợp tác làm du lịch. Hiện nay, hai vợ chồng Hậu Thi đã có một nhà nghỉ ba tầng, nhà hàng nổi rất lớn, ca-nô chở khách. Tất cả tài sản có được là nhờ du lịch.
Lượng khách ra đảo Bình Ba ngày càng lớn, các dịch vụ phát triển theo tăng rất mạnh như: nhà nghỉ, nhà hàng, vận tải đường biển, xe ôm trên đảo, chụp ảnh, mua bán hải sản... Câu chuyện dịch vụ đưa đón khách tham quan vòng quanh đảo bằng xe u-oát, là nét độc đáo của xứ biển đảo Bình Ba. Người đưa dịch vụ xe điện ra Bình Ba là hai vợ chồng ở tận tỉnh Sóc Trăng. “Tôi đi chữa bệnh ở TP Hồ Chí Minh, nằm cùng phòng với chị Thảo, TP Sóc Trăng. Tôi kể chuyện đảo Bình Ba cho chị Thảo nghe. Ra viện được thời gian, cả hai vợ chồng chị Thảo tìm đến Bình Ba chơi. Thấy khách du lịch đông đúc, chị Thảo sắm chiếc xe ô-tô điện chở khách, sau đó tăng thêm hai chiếc. Mấy người dân trên đảo bắt chước làm theo, chạy được một thời gian”, bà Kim Chi kể lại tình bạn đầy duyên nợ.
Người dân Bình Ba dần chuyển sang đi tìm mua những chiếc xe u-oát mang về chạy dịch vụ tham quan quanh đảo. Ngồi trên chiếc u-oát, do một nữ tài xế duy nhất trên đảo Hoàng Nguyên Ngọc Nhi cầm lái. “Chiếc xe này em mua tận tỉnh Gia Lai. Ngày thứ bảy, Chủ nhật có thể chạy được 5 - 7 chuyến, giá mỗi chuyến 300 nghìn - 350 nghìn đồng, thời gian khoảng hơn 1 giờ, ngày bình thường chạy ít hơn”. Theo chị Nhi, mấy anh nam giới có sức ra mời chào khách sẽ chạy được nhiều chuyến hơn. Hiện cả đảo có tới 45 chiếc xe u-oát chở khách.
Cẩn trọng với sự quá tải
Theo đà phát triển, đến nay theo thống kê, đảo Bình Ba hiện có 46 cơ sở lưu trú, với 476 phòng, 65 chiếc ca-nô và 12 chiếc tàu gỗ chở khách, 28 nhà hàng bè nổi trên biển. Đảo Bình Hưng có 14 cơ sở lưu trú, với 141 phòng. Năm 2018, đảo Bình Ba đón 300 nghìn lượt khách du lịch, sáu tháng đầu năm 2019, có hơn 150 nghìn khách. Đảo Bình Hưng (xã Cam Bình) năm 2018, đón hơn 200 nghìn lượt khách, sáu tháng đầu năm 2019, có hơn 44 nghìn lượt khách.
Về thực phẩm cũng khá thuận lợi. Riêng tôm hùm, dân nuôi được tại đảo, nên lúc nào nguồn cung cũng thừa, phải chở hàng vào đất liền bán. Còn nhiều loại hải sản khác ở đảo không đủ cung cấp, phải chuyển từ đất liền ra. 100% các loại rau củ và các nhu yếu phẩm khác cũng vậy. Tuy nhiên, người dân còn “hãi nhất” là nguồn nước sinh hoạt, nước phải chở bằng tàu từ đất liền ra, giá mỗi khối nước ngọt là 120 nghìn đồng, ở những nơi xa, giá cao lên đến 300 nghìn đồng/khối.
Nhìn chung các loại mặt hàng phải đưa từ đất liền ra bán trên hòn đảo du lịch, nhưng giá bằng hoặc thấp hơn ở đất liền. Người dân trên đảo chỉ chào bán một giá để mua, không nói theo kiểu trên trời để khách trả giá hạ xuống.
Với nhịp độ phát triển du lịch nhanh chóng, một điều đáng băn khoăn hiện nay là các đảo có hoạt động du lịch thuộc xã đảo Cam Bình đang đứng trước áp lực rác thải, từ dân cư trên đảo và hàng trăm nghìn lượt khách du lịch đến đây. Đặc biệt rác thải nhựa tồn đọng rất lớn. Theo ông Nguyễn Văn Xoáy, kinh doanh dù ngồi ở bãi Nồm, tại khu vực này, biển có đẹp mấy đi nữa, nhưng chỉ cần có đống rác thải nằm nhiều dưới bãi biển, thành biển xấu ngay lập tức. Thời buổi ai cũng có điện thoại thông minh, chỉ cần bấm mấy cái ảnh, hất tung lên trên mạng, có hàng triệu người biết ngay. “Bảo vệ biển xanh - sạch - đẹp là bảo vệ nồi cơm của dân đảo”, ông Xoáy quả quyết. Nguyện vọng của ông cũng là của nhiều người khác đang góp sức làm du lịch và sống nhờ du lịch trên địa bàn này. Đó cũng là việc cần được các cơ quan chức năng sớm hướng dẫn người dân sở tại và du khách để giữ cho du lịch được bền vững.
Theo nhandan.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận