Ngư dân Bình Định cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản

07:36 26-01-2022

VBĐVN.vn - "Nhờ viết cam kết nên bà con thuộc nằm lòng một số điều luật về khai thác thủy sản, cung cấp thông tin cho Bộ độ Biên phòng (BĐBP)" - Đó là chia sẻ của rất nhiều ngư dân Bình Định khi được hỏi về những bản cam kết của ngư dân về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là IUU). Nhìn những chồng dày, nặng bản cam kết tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Tam Quan, Đồn Biên phòng Tam Quan Nam, BĐBP tỉnh Bình Định, chúng tôi thêm hiểu về ý thức của ngư dân nơi đây đối với việc "gỡ" thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC).

Chồng giấy cam kết của ngư dân được lưu tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Tam Quan (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Văn Chương

Thấm luật

Vào những ngày cuối năm 2021, khi có tin siêu bão Rai (bão số 9) ập vào miền Trung, tôi có thời gian bám theo dọc các làng biển ở Quảng Ngãi, Bình Định, nhờ đó mà nghe được chính các ngư dân nhắc chuyện chống khai thác IUU. Tại khu vực neo đậu tàu thuyền ở cửa biển Tam Quan, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, mấy lão ngư dân trầm tư nói về chuyện cá ngừ đại dương trở nên khan hiếm, giá cá ngừ đại dương dao động 130.000 đồng/kg đối với loại cá từ dưới 20kg và 145.000 đồng/kg đối với loại cá từ 20kg trở lên. Các ngư dân cho rằng, khi nào không còn bị EC rút “thẻ vàng” thì có thể giá cá ngừ tăng lên, chủ tàu và bạn chài mới được lợi.

Tỉnh Bình Định là địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ khá hùng hậu. Theo thống kê chưa đầy đủ của BĐBP, từ năm 2017 đến nay, đã xảy ra 340 vụ, 579 tàu, 4.738 ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị các nước bắt giữ, xử lý. Chỉ tính riêng năm 2021, ngư dân Việt Nam vi phạm bị bắt giữ, xử lý 35 vụ, 53 tàu, 447 ngư dân. So với những năm trước đây, tình hình ngư dân địa phương vi phạm IUU đã giảm hẳn.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất, năm 2022 sẽ đặt mục tiêu chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Khi chúng tôi gặp gỡ các ngư dân ở cửa biển Tam Quan, nhiều người khẳng định, ngư dân đánh bắt bây giờ đều tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật, khi ra khơi, tàu cá đều có gắn thiết bị giám sát hành trình nên không ai vi phạm, vì mức phạt rất nặng, lên tới gần một tỷ đồng. Các ngư dân nhắc đến sự kiện tỉnh Quảng Ngãi vừa tước chứng chỉ một lúc 10 thuyền trưởng; tỉnh Kiên Giang xử phạt 5 tàu cá với số tiền 1,6 tỷ đồng vì ngắt nguồn của máy giám sát hành trình, coi đó như một bài học thức tỉnh trong hành trình vươn khơi của mình.

Cam kết và thực hiện

Cuối năm 2018, Phái đoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu gồm 22 thành viên, trong đó, có 8 nghị sĩ đã đến kiểm tra, giám sát, làm việc với UBND tỉnh Bình Định liên quan đến công tác khắc phục “thẻ vàng” trong khai thác thủy sản của EC. Ông Mato Gabriel, Trưởng phái đoàn đã nghe địa phương báo cáo tình hình đội tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh vào thời điểm đó là 6.128 tàu. Để triển khai chống khai thác IUU và các khuyến nghị của EC, tỉnh Bình Định đã ban hành 13 văn bản tổ chức thực hiện và hướng dẫn thi hành; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng ban hành 16 văn bản hướng dẫn các ngư dân thực hiện nghiêm khuyến nghị của EC.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Bình Định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho ngư dân ở cửa biển Tam Quan (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19). Ảnh: Văn Chương

Tỉnh Bình Định cũng đã báo cáo với Phái đoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu về việc kiểm điểm 7 chủ tịch UBND xã và 2 lãnh đạo UBND huyện trong việc liên đới trách nhiệm, để địa phương có tàu cá vi phạm. Tại các địa phương vùng ven biển của tỉnh Bình Định, vấn đề liên đới trách nhiệm luôn được cán bộ từ cấp thôn, xã lưu tâm. Nếu thôn, xã có ngư dân vi phạm khai thác IUU, chi bộ sẽ tổ chức kiểm điểm và bị địa phương hạ bậc thành tích vào cuối năm.

Trong lần làm việc với tỉnh Bình Định, bà Rodust Ulrike, Nghị sĩ của Phái đoàn Ủy ban nghề cá Nghị viện châu Âu đã ghi nhận nỗ lực gỡ “thẻ vàng” trong khai thác thủy sản của Việt Nam thông qua báo cáo của địa phương. Nhưng nếu đoàn công tác đến gặp gỡ các ngư dân ở cửa biển Tam Quan, nhìn vào chồng giấy cam kết lên đến mấy chục nghìn tờ được lưu giữ tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Tam Quan thì sẽ hiểu được quyết tâm của Việt Nam và vấn đề chống đánh bắt IUU được triển khai triệt để như thế nào.

Tàu cá QNg 98047 TS, do ngư dân Hồ Quang Sơn, quê ở thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, là một trong những tàu cá được BĐBP tỉnh Bình Định đều đặn đề nghị viết cam kết trong các chuyến đi biển. Xã Phổ Châu là địa phương nằm cuối tỉnh Quảng Ngãi, giáp ranh với tỉnh Bình Định, vì vậy, con tàu này đi biển về thì neo phía bên địa bàn của tỉnh Bình Định. Vì là ngư dân ở vùng giáp ranh, nên ông Sơn và các ngư dân đi bạn dễ dàng so sánh được việc tổ chức cho ngư dân ký cam kết chống khai thác IUU của tỉnh Bình Định quyết liệt hơn so với một số địa phương khác.

Một số ngư dân đi bạn trên tàu đã chia sẻ rằng, chuyến biển nào cũng viết cam kết, rồi đọc các quy định in trong văn bản, nên luôn tự ý thức, không để tàu cá đánh bắt vượt qua ranh giới được ấn định trên thiết bị giám sát hành trình.

9 quy định

Những ngày đầu năm 2022, ngư dân tỉnh Bình Định lại nhộn nhịp mở biển ra khơi. Sau khi siêu bão Rai (bão số 9) đi qua, bà con kỳ vọng nhanh chóng mở biển để có thêm luồng cá, đánh bắt bội thu. Ngư dân Lê Thanh Mẫn, thuyền trưởng tàu BĐ 98236 TS tranh thủ xuống Trạm Kiểm soát Biên phòng trước ngày xuất hành để xin bản cam kết và ký nhận. Trong bản cam kết trước đây có 8 quy định, nhưng trong những ngày đại dịch Covid-19 thì có thêm một quy định mới liên quan đến việc bà con ngư dân phải chấp hành tốt việc khai báo, cách ly y tế, vì tàu đi đánh bắt dài ngày trên biển.

Trong 9 điều quy định mà ngư dân cam kết thực hiện, điều 5 ghi rõ: Không đưa tàu và ngư dân ra đánh bắt ở vùng biển nước ngoài; điều 6 nhắc nhở ngư dân không xâm phạm hành lang an toàn dầu khí trên biển. Bên cạnh đó là điều khoản thường xuyên thông tin cho Đồn Biên phòng Tam Quan Nam về tình hình an ninh biên giới biển, đảo, khu vực ngư dân đánh bắt.

Thiếu tá Nguyễn Quang Tĩnh, cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Tam Quan chia sẻ nhiều câu chuyện về việc ngư dân hiện nay đều nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, có phiên biển thì vợ các ngư dân xuống ký cam kết vì lý do: “Tui cũng phải học thuộc để về nhắc chồng và anh em đi bạn, đừng nên đưa tàu ra khỏi vùng quy định đánh bắt, nếu cứ vi phạm thì cá ngừ đại dương sẽ lại rớt giá dài dài”.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang