Ngư dân Bình Thuận vượt khó bám biển
VBĐVN.vn - Dịch Covid-19 khiến hầu hết các ngành nghề đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhờ siết chặt công tác phòng chống dịch, thời tiết thuận lợi và sự chung tay, đồng hành của doanh nghiệp nên nghề khai thác hải sản ở tỉnh Bình Thuận, một trong 4 ngư trường lớn nhất cả nước, đạt được nhiều kết quả khả quan.
Vụ cá Nam sôi động
Thời điểm hiện tại, ngư dân tỉnh Bình Thuận đang bước vào vụ khai thác cá Nam, mùa khai thác chính trong năm. Trong khi ở một số tỉnh, thành ven biển, sản lượng khai thác không được như mong muốn thì ngư trường của tỉnh Bình Thuận đang hoạt động khá sôi động, sản lượng hải sản phong phú, dồi dào.
Sáng một ngày giữa tháng 7, chiếc tàu có công suất hơn 400CV của ông Phùng Văn Tiến (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) cùng hơn 10 bạn thuyền đã cập bến cảng cá Phan Thiết sau hơn nửa tháng vươn khơi đánh bắt xa bờ. Ngay sau đó, gần chục tấn cá nục, cá chỉ… trên tàu của ông Tiến lập tức được một doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ. “Ngày chúng tôi vươn khơi, tâm trạng ai cũng lo lắng, sợ hải sản không tiêu thụ được vì dịch. Tuy nhiên, khi biết được doanh nghiệp trong bờ vẫn thu mua, mọi người an tâm bám biển. Chuyến khai thác này mặc dù giá hải sản có giảm nhưng sau khi trừ chi phí thì mỗi bạn thuyền đi cùng tôi cũng có thu nhập gần 10 triệu đồng”, ông Tiến chia sẻ.
Sau khi bàn giao số hải sản cho đơn vị thu mua, nhóm ngư dân trên tàu của ông Tiến lập tức liên hệ với ngành chức năng để khai báo y tế, lịch trình đi biển, sau đó trở về tàu tiếp tục chuẩn bị nhu yếu phẩm để sẵn sàng cho chuyến vươn khơi trong vài ngày tới.
Cùng tâm trạng vui mừng vì hàng chục tấn cá cơm thu được trong chuyến biển đầu vụ cá Nam đã được thương lái thu mua toàn bộ, anh Trần Út (ngụ phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết) cho biết: “Giá cá cơm hiện nay khoảng 9.000 đồng/kg, có giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không nhiều. Hiện nay các cơ sở làm nước mắm truyền thống, cơ sở làm bột cá của địa phương cần số lượng lớn để sản xuất nên cá cơm và một số loại cá khác đánh bắt được vẫn tiêu thụ ổn định”.
Còn tại huyện đảo Phú Quý, do ảnh hưởng dịch Covid-19, giá thu mua hải sản của ngư dân có chiều hướng giảm, nhưng bù lại sản lượng khai thác cao. Theo UBND huyện đảo, 6 tháng đầu năm 2021, thời tiết thuận lợi nên sản lượng hải sản khai thác đạt gần 19.000 tấn, so với cùng kỳ tăng 4,65%.
Doanh nghiệp chung tay cùng ngư dân
Ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, cho biết, đến thời điểm hiện tại, sản lượng khai thác hải sản của địa phương ước đạt khoảng 100.000 tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận, hoạt động khai thác, mua bán, trao đổi thủy hải sản ở địa phương vẫn đang trong tầm kiểm soát; một phần do tỉnh chủ động làm tốt công tác phòng chống dịch, đặc biệt là từ lao động biển, một phần nhờ sự chung tay, góp sức của các cơ sở, doanh nghiệp thu mua khi cam kết bao tiêu sản phẩm cho ngư dân.
Ông Đỗ Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Bích Thanh (cảng cá Phan Thiết, thành phố Phan Thiết), chia sẻ: “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh, thì việc tiêu thụ hải sản của các doanh nghiệp ở Bình Thuận gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cố gắng hết sức để thu mua hải sản cho ngư dân, sau đó đưa vào kho lạnh để bảo quản, chờ điều kiện thuận lợi sẽ xuất bán”. Một chủ cơ sở thu mua ở cảng cá La Gi cũng cho biết: “Ngư dân là bạn hàng lâu dài nên khi họ gặp khó thì mình phải tìm cách hỗ trợ hết khả năng có thể. Không chỉ riêng tôi, nhiều cơ sở, doanh nghiệp ở đây đang hoạt động hết công suất để thu mua hải sản cho bà con”.
Còn ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết, cũng thông tin, cá cơm là loại hải sản khai thác chủ lực của tỉnh Bình Thuận trong mùa cá Nam. Mặc dù hiện nay do dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên mặt hàng cá cơm hấp chuyên xuất khẩu qua Trung Quốc, Hàn Quốc… bị tạm dừng, nhưng nhờ sự thu mua tích cực từ các cơ sở, công ty sản xuất nước mắm truyền thống ở địa phương nên sản lượng không bị tồn ứ.
Tuy nhiên, theo ngành thủy sản và các cơ sở, doanh nghiệp thu mua ở tỉnh Bình Thuận, những giải pháp trên chỉ mang tính tạm thời vì năng lực bảo quản, chế biến của các đơn vị có hạn. Ngoài ra, trong khi giá cả các mặt hàng hải sản đang sụt giảm thì giá nhiên liệu xăng, dầu tăng làm đội chi phí mỗi chuyến đi biển của ngư dân lên gấp nhiều lần. Vì thế, để ngành khai thác, thu mua hải sản ổn định, ngoài việc cần tập trung đẩy lùi dịch Covid-19 để giao thương ổn định trở lại thì bà con ngư dân cũng như các doanh nghiệp thu mua cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng bằng những giải pháp thiết thực; như hỗ trợ giá nhiên liệu, chi phí bảo quản và tích cực đẩy mạnh các kênh tiêu thụ sản phẩm, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Thu Thảo (theo sggp.org.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận