Ngư dân cứu hộ đồi mồi dứa vướng lưới trôi nổi trên biển
VBĐVN.vn - Một ngư dân tại Bình Định đã cứu hộ một cá thể rùa biển dài khoảng 0,7m, nặng khoảng 25 kg và thả về đại dương.
Ông Lê Văn Hội (SN 1991, ở phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định, thuyền trưởng tàu cá BĐ -97417-TS) cho biết, tàu ông làm nghề câu cá ngừ đại dương, chuyến biển kéo dài 20 ngày, khi xuất bến được 9 ngày thì bắt gặp rùa biển bị vướng lưới giã cào (một loại ngư cụ hư hỏng bị vứt trôi nổi trên biển). Ông đã cùng 5 thuyền viên kéo rùa lên tàu, sau đó cắt và gỡ lưới cho rùa. “rùa biển lúc được cứu hộ khá yếu, có lẻ bị vướng lưới nhiều ngày, không bơi được. Bên cạnh đó rùa biển còn bị dính đầy dầu hắc - những lán dầu bị loang đóng từng mảng trên mặt nước. Chúng tôi đã cố gắng vệ sinh làm sạch dầu hắc trên cơ thể rùa nhưng vì chúng bám khá chặt nên không cọ rửa hết được”.
Sau khi tàu cập cảng cá Tam Quan, ông Hội đã ngay lập tức đăng thông tin này lên mạng xã hội, chia sẻ về tác hại của môi trường và những hành động vứt rác, ngư cụ bữa bãi của con người đã làm tổn thương các loài rùa biển và kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường đại dương.
Để có được ý thức cao việc bảo vệ môi trường biển và các loài rùa biển như hiện nay, ông Hội cho biết trước đây vào năm 2016, tàu của ông là 1 trong 10 tàu câu cá ngừ đại dương được chọn tham gia chương trình quan sát và cứu hộ rùa trên biển. Ông và cùng nhiều ngư dân được tham gia các lớp tập huấn cứu hộ rùa biển và áp dụng kỹ thuật, cải tiến ngư cụ khai thác hải sản giảm thiểu tử vong cho rùa biển cho Chi cục Thủy sản ( Sở NN&PTNT BĐ) tổ chức thực hiện.
Qua hình ảnh cán bộ Chi cục Thủy sản xác nhận đây là loài đồi mồi dứa, có tên khoa học là Lepidochelys olivacea ( vì có nhiều hơn 5 đôi vảy bìa) thuộc loài nguy cấp theo phân loại của Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế ( IUCN), Phụ lục I của Công ước CITES cấm buôn bán vận chuyển quốc tế.
Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, trong năm 2024 tính đến nay, đã có 3 tàu câu cá ngư đại dương cứu hộ rùa và thả về biển. Trước đó, vào tháng 3, tàu cá BĐ 97388-TS của ông Võ Hoài Tam (SN 1979, ở phường Tam Quan Bắc) đã thả về biển một cá thể đồi mồi (tên khoa học Eretmochelys imbricata) dài khoảng 0,7m, nặng khoảng 6 kg bị vướng lưới; vào tháng 7, ông Huỳnh Anh Tuấn (SN 1986, ở phường Tam Quan Nam, thuyền trưởng tàu cá BĐ 98485-TS) thả một cá thể vích (còn gọi rùa xanh, tên khoa học Chelonia mydas) dài khoảng 0,8m, nặng khoảng 7 kg bị dính câu về lại đại dương.
Từ năm 2016 đến nay, ngư dân đã chủ động báo tin, tham gia vận động thả và cứu hộ 33 cá thể rùa biển (21 đồi mồi, 10 vích, 2 đồi mồi dứa) và đã bảo vệ được 16 ổ rùa biển với 593 rùa con về biển an toàn tại khu vực biển Kỳ Co Nhơn Lý, mũi Cồn xã Nhơn Hải, bãi Nam xã Nhơn Châu
Trước đó chiều ngày 15.8, IUCN cũng đã phối hợp cùng Hội Thủy sản Việt Nam họp tham vấn với Hiệp hội Thủy sản Bình Định và Chi cụ Thủy sản Bình Định tìm hiểu thông tin về hoạt động đánh bắt thủy sản khu vực vùng ven bờ và vùng lộng; Các loại nghề thường đánh bắt không chủ ý rùa biển và thú biển… nhằm xây dựng chương trình thí điểm mạng lưới tình nguyện viên cứu hộ rùa biển, thú biển là ngư dân ở khu vực vùng ven bờ và vùng lộng; Hướng dẫn thu thập dữ liệu về đánh bắt không chủ ý và thực hành các hoạt động cứu hộ thú biển, rùa biển.... tại Bình Định trong thời gian tới.
Ái Trinh (baotainguyenmoitruong.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận