Ngư dân kỳ vọng chuyến biển đầu năm 'thuận buồm xuôi gió'

08:25 22-02-2024

VBĐVN.vn - Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, những ngày này, bà con ngư dân tỉnh Kiên Giang tất bật chuẩn bị chuyến biển đầu năm, kỳ vọng ra khơi với nguồn năng lượng mới, khai đánh bắt hiệu quả, quyết tâm gỡ "Thẻ vàng" của Uỷ ban châu Âu (EC) đối với thủy sản Việt Nam.

Tặng quà, động viên bà con ngư dân xuất hành vươn khơi bám biển.

Kỳ vọng ra khơi "thuận buồm xuôi gió"

Tại các cảng cá, bến cá trên địa bàn tỉnh, không khí rộn ràng, phấn khởi với những lời chúc "thuận buồm xuôi gió" cho mỗi con tàu ngư dân xuất hành vươn khơi bám biển.

Ông Nguyễn Văn Diều ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hòa Phú, huyện Châu Thành (Kiên Giang) là chủ 10 tàu cá khai thác xa bờ phấn khởi cho biết, những ngày đầu năm mới này, ông đã cho xuất hành 2 cặp tàu, số còn lại sẽ tiếp tục ra khơi. Hàng năm, chuyến biển đầu năm luôn thắng lợi lớn nên ông chuẩn bị đầy đủ về vật tư, xăng dầu, ngư lưới cụ, lao động… để đưa con tàu ra khơi suôn sẻ, tạo đà cho một năm khai thác đánh bắt trên ngư trường hiệu quả.

Tương tự, lạc quan vươn khơi bám biển, Thuyền trưởng tàu cá biển hiệu KG-9144-TS Bùi Minh Hiệp ở phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang) kỳ vọng: "Tôi và các thuyền viên mong ước chuyến biển đầu năm đánh bắt được nhiều tôm, cá để anh em có thu nhập cao chăm lo, trang trải cuộc sống gia đình. Trong chuyển biển này, chủ tàu đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, thuận lợi và anh em an tâm ra khơi hoạt động sản xuất."

Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá chia sẻ, đến thời điểm này, thành phố Rạch Giá có khoảng 25 - 30% tàu cá của ngư dân đã ra khơi. Những con tàu đã ra biển, bà con chuẩn bị những lao động giỏi nghề, có kinh nghiệm đi biển. Một cặp tàu cào đôi chủ tàu phải đầu tư 1,4 - 1,5 tỷ đồng cho chuyến biển trên dưới 20 ngày, tàu làm các nghề lưới khác khoảng 500 - 600 triệu đồng/tàu. Với đồng vốn ban đầu khá cao đó, nhiều bà con ngư dân cũng đang gặp khó khăn về tài chính.

Thực tế, khai thác thủy sản trên ngư trường của ngư dân Kiên Giang trong tháng 1/2024 trong xu hướng sụt giảm, do ngư trường khai thác ngày càng cạn kiệt; việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản chưa thật sự hiệu quả, nhiều phương tiện khai thác thuỷ sản vẫn hoạt động cầm chừng vì đánh bắt không hiệu quả, một số tàu cá chậm ra biển do chi phí đi biển khá lớn, ngư dân thiếu vốn. Từ đó, sản lượng khai thác thấp so với cùng kỳ các năm trước, hơn 37.000 tấn, giảm 1,65%, phần nào ảnh hưởng đến chuyến biển đầu năm.

Tàu cá của ngư dân huyện Châu Thành (Kiên Giang) xuất hành ra khơi chuyến biển đầu năm mới 2024.

Hiện nay, trở ngại lớn của nhiều ngư dân Kiên Giang là đồng vốn ban đầu và cần tỉnh hỗ trợ khơi thông để con tàu ra khơi. Tiếp đến, ngư dân đánh bắt xa bờ yêu cầu ngành thủy sản Kiên Giang xây dựng ngư trường bền vững, có chính sách cân đối giữa số lượng tàu và ngư trường hợp lý, nhằm khắc phục tình trạng suy kiệt nguồn lợi thủy sản như hiện nay. Cụ thể là, cần có những giải pháp đồng bộ để ngư trường trong nước dồi dào tôm cá, kiên quyết chấm dứt nghề cào bờ xiệp mé, xử lý nghiêm tình trạng sử dụng điện khai thác đánh bắt, xâm hại nghiêm trọng nguồn lợi thủy sản tự nhiên.

Kiên Giang là một trong những tỉnh, thành có ngư trường trọng điểm của cả nước, với nghề cá phát triển mạnh từ lâu đời, đứng đầu cả nước trong thời gian dài, giải quyết việc làm cho khoảng 70.000 lao động, góp phần phát triển kinh tế gia đình cho ngư dân, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, năm 2023, sản lượng khai thác thủy sản trên biển của tỉnh khoảng 437.199 tấn, bằng 91,08% kế hoạch và chỉ bằng 87,03% so cùng kỳ năm 2022. Tỉnh hiện có đoàn tàu cá hơn 8.210 chiếc đã đăng ký; trong đó, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên 3.634 tàu. Năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu sản lượng khai thác trên ngư trường khoảng 435.000 tấn thủy sản.

Quyết liệt chống khai thác IUU

Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ ngư dân ra khơi khai thác thủy sản hiệu quả, tỉnh Kiên Giang tiếp tục nỗ lực, quyết liệt chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), nhất là từ nay đến tháng 4-2024, Đoàn Thanh tra của EC về IUU tiếp tục đến Việt Nam thanh tra lần thứ 5; trong đó dự kiến sẽ thanh tra tại Kiên Giang.

Thăm hỏi, tặng quà, động viên ngư dân xuất hành vươn khơi bám biển khai thác sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại khu vực Cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành), Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn kêu gọi bà con ngư dân, nhất là chủ tàu, thuyền trưởng, ngư phủ tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang về khai thác hải sản đúng pháp luật, không gây hại đến nguồn lợi, không đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài làm ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín và danh dự của quốc gia, dân tộc.
Nhận những phần quà, động viên của ngành nông nghiệp trước khi xuất hành chuyến biển đầu năm mới, nhiều chủ tàu, thuyền trưởng cam kết ra biển khai thác đúng quy định của pháp luật, không vi phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, quyết tâm cùng với tỉnh gỡ "Thẻ vàng" của EC.

Một thuyền trưởng tàu cá ở xã Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành) chia sẻ được Đồn Biên phòng Tây Yên (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) tuyên truyền, vận động chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước khi đưa tàu ra khơi, không sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản. Trước khi tàu xuất bến, ông đã kiểm tra lại đầy đủ giấy tờ, thiết bị giám sát hành trình hoạt động tốt, không để mất kết nối với hệ thống VMS. Đánh bắt trên vùng biển Việt Nam, đúng ngư trường và ghi nhật ký khai thác đầy đủ, đúng quy định.

Thuyền trưởng tàu cá Bùi Minh Hiệp ở phường Vĩnh Hiệp (TP. Rạch Giá) ý thức về chống khai thác IUU: "Tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước là vấn đề hệ trọng, mang tính chất quyết định trong việc tháo gỡ cảnh báo "Thẻ vàng". Nếu không tháo gỡ được thẻ vàng này mà còn bị rút "Thẻ đỏ" thì hàng hóa thủy sản sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường châu Âu và một số thị trường quan trọng khác, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân và kinh tế của tỉnh".

Nỗ lực, quyết liệt chống khai thác IUU, Kiên Giang kiến nghị các lực lượng chức năng Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát tại vùng biển giáp ranh các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tỉnh kiến nghị Bộ Ngoại giao chủ trì, phố hợp các bộ, ngành liên quan tăng cường ngoại giao với các nước trong khu vực để triển khai hợp tác khai thác hải sản; kịp thời trao đổi, chia sẻ nỗ lực chống khai thác IUU, tranh thủ sự ủng hộ của các bên có liên quan trong việc gỡ cảnh báo "Thẻ vàng" cho Việt Nam.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh nêu nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm đến tháng 30-4-2024, quyết liệt chống khai thác IUU là tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về IUU. Kiên Giang cam kết, trước ngày 30-4-2024, hoàn thành việc điều tra, xác minh, xử lý nhóm tàu vi phạm và có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài của năm 2023. Tiếp đến, chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục khẩn trương tập trung điều tra, củng cố hồ sơ để đề nghị truy tố, đưa ra xét xử 3 vụ việc điển hình, gồm: 1 vụ về hành vi sử dụng xung điện, chất nổ khai thác hải sản trái phép; 1 vụ về hành vi tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép và 1 vụ về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, để tạo sự lan tỏa, sức răn đe trong chống khai thác IUU.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm nhóm tàu "3 không"; tiếp tục rà soát, nắm hiện trạng, đề xuất công bố thêm cảng cá loại III, để tổ chức quản lý, giám sát qua cảng theo quy định; xác minh, xử lý dứt điểm tàu cá vi phạm VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển; thực hiện đúng quy định xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc hợp thức hóa hồ sơ; khẩn trương hoàn thiện sửa đổi bổ sung quy chế quản lý thiết bị giám sát hành trình và quy trình tiếp nhận thông tin, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Bộ đội Biên phòng Kiên Giang kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Lê Huy Hải (baotintuc.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang