Ngư dân Thái Bình vươn khơi, quyết tâm gỡ 'thẻ vàng' IUU
VBĐVN.vn - Sau những ngày nghỉ vui xuân đón Tết bên gia đình, nhiều ngư dân tỉnh Thái Bình đã tất bật ra khơi đánh bắt khởi đầu năm mới với hy vọng một năm thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy khoang, đời sống ấm no sung túc.
Dù là những chuyến biển đầu năm, song việc thực hiện các khuyến cáo của cơ quan chức năng về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã và đang trở thành thói quen của nhiều ngư dân vùng biển Thái Bình.
Những chuyến biển đầu tiên thuận lợi
Những ngày này, cảng cá Tân Sơn, huyện Thái Thụy nhộn nhịp tàu cá ra vào bến. Đối với bà con ngư dân, biển là nhà, chuyến biển đầu năm là chuyến đánh bắt quan trọng không chỉ giúp họ có thêm nguồn thu nhập đáng kể mà còn có ý nghĩa khởi đầu cho một mùa biển mới mang nhiều hy vọng và niềm tin thắng lợi.
Trở về sau hơn một ngày lênh đênh trên biển, tàu cá của ngư dân Đinh Xuân Hùng (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy) đầy ắp cá. Trên bến dưới thuyền, các thuyền viên và người lao động nhanh chóng vận chuyển cá lên bờ để kịp xuất bán cho thương lái. Niềm vui rạng rỡ hiện rõ trên từng gương mặt. Ông Hùng phấn khởi cho biết, năm nay thời tiết thuận lợi nên ngay từ mùng 4 Tết, ông cùng 9 thuyền viên đã nhổ neo xuất bến chuyến đầu tiên, thu về 21 tấn hải sản. Trừ các chi phí ông thu lãi vài chục triệu đồng. Chuyến thứ hai ông bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng, thu được 15 tấn cá các loại. Ông xuất bán cho thương lái với giá 10.000 đồng/kg. Chuyến “mở cửa biển” đầu năm như vậy được coi là thắng lợi, hy vọng một năm nhiều may mắn, thuận lợi. Sau khi bán hết cá, các thuyền viên được nghỉ ngơi vài ngày rồi tiếp tục chuẩn bị ngư cụ, nhập nhiên liệu để kịp vươn khơi trở lại.
Dù ra khơi sớm song ông Hùng và các thuyền viên đều nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của lực lượng kiểm tra, kiểm soát, trang bị đầy đủ thiết bị giám sát hành trình, nhật ký khai thác…; đồng thời thực hiện ký cam kết đánh bắt hải sản đúng quy định của Nhà nước.
Cách không xa tàu của ông Hùng, tàu của anh Đào Xuân Hồng (xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy) cũng vừa cập bến. Do tàu công suất nhỏ nên anh Hồng thường hoạt động ở phạm vi cách bờ khoảng 6-7 hải lý. Anh cùng 3 thuyền viên xuất bến từ 22 giờ ngày 19/2 và trở về vào sáng 20/2, hải sản thu được chủ yếu là cá đù được thương lái mua ngay tại bờ. Sau khi trừ các chi phí, anh thu lãi được hơn 1 triệu đồng.
Đặc biệt, với người dân vùng biển Thái Thụy mỗi dịp đầu năm mới không thể thiếu lễ hội bơi trải truyền thống được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm. Đây được coi là nghi lễ mở cửa biển quan trọng, cầu cho một năm ra khơi an lành, may mắn, thu nhiều “lộc trời” để đời sống nhân dân sung túc, đủ đầy. Do vậy, tàu thuyền nào xuất bến sớm cũng mong kịp trở về để tham gia lễ hội ý nghĩa này.
Đồng hành cùng tháo gỡ “thẻ vàng” IUU
Là địa phương có hơn 50km bờ biển với 2 huyện giáp biển là Tiền Hải và Thái Thụy, ngay từ những ngày đầu năm mới tỉnh Thái Bình đã triển khai các giải pháp thực hiện chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định IUU, quyết tâm cùng cả nước tháo gỡ thẻ vàng của EC trong năm 2024.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, qua rà soát, tàu cá đã được đăng kiểm và còn hạn đạt tỷ lệ 88,56%; tàu cá đã được cấp phép khai thác thủy sản đạt tỷ lệ 93,37%; tỷ lệ giấy phép khai thác được cấp còn hạn đạt tỷ lệ 76,27%; tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt tỷ lệ 98,85%...
Nhằm giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU trên địa bàn, ngày 6/2/2024 UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành kế hoạch triển khai đợt cao điểm chống khai thác IUU, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên cấp bách gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương ven biển trong năm 2024. Trong đó yêu cầu nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng; kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao.
5 nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh Thái Bình xác định gồm kiểm soát tàu cá mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trên biển; tàu cá vi phạm sai vùng, tuyến khai thác; ghi và kiểm soát nhật ký khai thác phục vụ truy xuất nguồn gốc thủy sản; quản lý chặt chẽ, kiểm soát các tàu cá chưa sơn ca bin, kẻ biển số theo đúng quy định; tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định; ra vào cảng cá và các cửa sông, cửa lạch chưa được kiểm soát.
UBND tỉnh Thái Bình giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tăng cường quản lý tàu cá như đăng ký tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản; cập nhật đầy đủ vào phần mềm cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia VNFishbase; tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm khai thác IUU. Đồng thời thực hiện giám sát tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá; cảnh báo chủ tàu, thuyền trưởng khi đưa tàu vượt ranh giới cho phép trên biển hoặc tắt thiết bị giám sát hành trình tàu cá khi hoạt động trên biển; kịp thời thông báo tới các địa phương và các lực lượng chức năng có liên quan để điều tra, xác minh xử lý đến cùng các vụ việc vi phạm về mất kết nối VMS trên biển… Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, kiểm tra, kiểm soát toàn bộ tàu cá xuất nhập cảng và cửa sông, cửa lạch, bảo đảm 100% tàu cá đủ điều kiện xuất bến theo quy định; kiên quyết không cho xuất bến các tàu cá không đủ điều kiện.
Với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tỉnh Thái Bình cũng như nhiều địa phương ven biển trên cả nước quyết tâm tháo gỡ “thẻ vàng” IUU trong đợt thanh tra thứ 5 của Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4/2024. Đây sẽ là cơ hội để ngành thủy sản Việt Nam lấy lại vị thế cũng như thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, gắn phát triển bền vững kinh tế biển với đảm bảo an ninh chủ quyền biển đảo.
Thu Hoài
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận