Nguy cơ trắng tay vì tàu vỏ thép
VBĐVN.vn - Mang giấc mộng đóng tàu lớn vươn khơi, thế nhưng, do đánh bắt không hiệu quả, thiên tai, dịch bệnh nên đến nay, nhiều chủ tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP ở các tỉnh miền Trung bị ngân hàng khởi kiện vì nợ quá hạn. Không chỉ tàu bị kê biên bán đấu giá, ngư dân còn đứng trước nguy cơ mất nhà cửa, đất đai vì vay nợ ngân hàng để đóng tàu.
Vòng xoáy nợ nần
Hơn 10 năm trước, ông Phạm Trí Thức (ở xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được mệnh danh là “ông vua” tàu cá, từng đoạt Cúp vàng Thủy sản Việt Nam năm 2012. Năm 2016, ông Thức vay gần 16 tỷ đồng để đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67. Tuy nhiên, năm đầu tiên, thuyền viên chưa quen tàu vỏ thép nên đánh bắt không hiệu quả. Năm 2018, tàu của ông gặp lốc xoáy, bị mất 158 tấm lưới, thiệt hại 2 tỷ đồng.
Qua 2 lần bị Ngân hàng BIDV Quảng Ngãi khởi kiện và kiến nghị bất thành, năm 2021, con tàu vỏ thép 16,6 tỷ đồng đã được bán đấu giá chưa tới 2 tỷ đồng mà không cần có chữ ký của ông Thức. Bởi theo hợp đồng cho vay, ngân hàng có quyền bán tàu khi người chủ không trả nợ đúng hạn. Giữa tháng 3 vừa qua, ông Thức lại nhận được thông báo cưỡng chế của Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Quảng Ngãi, sẽ kê biên ngôi nhà 122m2 của gia đình.
Ông Nguyễn Ngọc Châu (chủ tàu BĐ 99169 TS) từng là tấm gương làm ăn tiêu biểu của vùng biển Cát Khánh (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) nhưng cũng lâm vào cảnh khốn đốn vì nợ nần. Tàu ra khơi lỗ tổn, nợ nần chống chất, không có tiền đưa tàu lên đà sửa chữa để gia hạn giấy tờ, đăng kiểm nên nằm bờ ngót 1 năm nay. Thế là, từ một ông chủ đội tàu 4 chiếc vỏ gỗ, nhà cửa bề thế nhất, vì đóng tàu vỏ thép mà rơi xuống bờ vực do nợ ngân hàng hơn chục tỷ đồng.
“Giờ nhà cửa tôi bán hết rồi, phải dọn sang cất tạm ngôi nhà nhỏ để ở. Nợ nần quá nên không dám ra khơi. Nhà 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, đứa đang học lớp 9, còn đứa lớp 11 thì phải nghỉ học do tui làm ăn không ra. Nghĩ lại, lúc trước làm ăn trúng mánh, giờ sa cơ thất thế như này, khắp nơi ráo riết truy nợ, buồn lắm!” - Ông Châu nghẹn giọng.
Toàn tỉnh Phú Yên có 19 con tàu đóng mới theo Nghị định 67 với số tiền cho vay theo hợp đồng tín dụng hơn 274 tỷ đồng. Đến nay, chỉ có 6 tàu hoạt động hiệu quả, 13 tàu hoạt động cầm chừng, thua lỗ và 10 tàu đang bị các ngân hàng khởi kiện. Thấy được những ưu đãi từ Nghị định 67, ông Đỗ Ngọc Tín (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đã đối ứng 1 tỷ đồng và thế chấp thêm hai thửa đất cho Ngân hàng BIDV Chi nhánh Phú Yên để vay 18,5 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép PY 99993 TS.
Thế nhưng, sau 5 năm thì Chi cục Thi hành án dân sự TP Tuy Hòa vừa tiến hành kê biên, xác minh kiểm kê tài sản đối với tàu cá PY 99993 TS của ông Tín để giải quyết nợ nần quá hạn cho ngân hàng. Ông Tín buồn rầu nói: “Hiện, tôi còn vay nợ ngân hàng 18,9 tỷ đồng. Mới hôm rồi, tôi đã phải bán thửa đất 300 triệu để giải quyết một phần nợ. Tới đây, bán hết tàu, đất đai, nhà cửa cũng không biết có đủ trả nợ cho ngân hàng không”.
Hướng đi nào cho tàu vỏ thép?
Theo cập nhật ngành thủy sản Quảng Ngãi, toàn tỉnh này có khoảng 48 tàu cá vỏ thép đang trong tình trạng nợ xấu, 35 tàu đã bị ngân hàng khởi kiện. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi Nguyễn Văn Mười lý giải, nguyên nhân khiến các tàu bị nợ xấu là do đánh bắt không hiệu quả, số tàu gặp thiên tai mất hết ngư lưới cụ. Thực tế, nguồn lợi thủy sản, ngư trường đánh bắt trên biển trái ngược hoàn toàn với đội tàu cá đang bùng nổ các tỉnh ven biển miền Trung và cả nước (riêng Quảng Ngãi 5.000 tàu cá).
Bên cạnh những yếu tố như tàu hư hại, ngư dân chưa quen đánh bắt tàu thép thì đại dịch cũng tác động nhiều chiều vào các tàu cá đóng mới theo Nghị định 67, khi giá hải sản thấp, tổn phí quá cao. Hiện, khó khăn lớn nhất là Nghị định 67 lại không có cơ chế nào để xử lý rủi ro do tàu đánh bắt không hiệu quả, gây nợ xấu.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Bình Định, toàn tỉnh có 60 tàu cá, đa số tàu vỏ thép còn dư nợ cho vay tại các ngân hàng thương mại là 854 tỷ đồng. Trong đó, có 57 tàu nợ quá hạn với số tiền trên 436 tỷ đồng (nợ tiền gốc 220 tỷ đồng, lãi là 216 tỷ đồng). Hiện, các ngân hàng đã khởi kiện 39 chủ tàu, trong đó, có 2 tàu đã bán đấu giá trên 1,5 tỷ đồng để thu nợ; 3 tàu đang kê biên, chuẩn bị bán đấu giá; 4 trường hợp tòa đang thụ lý; 27 đương sự có quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; 1 trường hợp đang chờ tòa thụ lý...
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định, bên cạnh một số chủ tàu thiếu thiện chí trả nợ thì có tàu đánh bắt hiệu quả nhưng giá thành các loại sản phẩm thấp nên chuyến biển không có lãi để trả ngân hàng và còn một số do đánh bắt không hiệu quả; nhiều tàu không mua được bảo hiểm hoặc chỉ mua được mức thấp so với giá tàu nên không đi đánh bắt được, tàu bị chìm...
Ông Bình đề nghị, các ngân hàng thương mại cần cơ cấu lại nợ, ưu tiên thu hồi nợ gốc trước, thu hồi lãi sau để hỗ trợ, tháo gỡ bớt khó khăn cho ngư dân. Đối với trường hợp tàu cá làm ăn được mà chây ỳ không chịu trả nợ thì cần có hình thức cứng rắn, kiên quyết hơn để ràng buộc ngư dân thực hiện nghĩa vụ giải quyết nợ nần...
Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ có cơ chế hỗ trợ các ngân hàng thương mại để họ xử lý rủi ro đặc thù trong quá trình cho vay theo Nghị định 67. Bởi, nếu cứ để thực trạng trên tồn tại càng lâu thì tài sản đảm bảo là chính con tàu càng nhanh xuống cấp, gây thiệt hại cho cả ngân hàng lẫn chủ tàu, mà nợ thì không thu được. Ngoài ra, Chính phủ cần có cơ chế để hỗ trợ ngân sách xử lý rủi ro cho các ngân hàng thương mại đã dùng nguồn vốn tự huy động để cho vay theo Nghị định 67.
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận