Nhiều nỗ lực trong gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu của Cà Mau
VBĐVN.vn - Là một trong những địa phương đứng đầu trong danh sách vi phạm khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) theo cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) vào cuối năm 2017, đến nay, tỉnh Cà Mau đã và đang tích cực triển khai các giải pháp để đẩy lùi vấn nạn này.
Đại tá Lương Hoàng Đông, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cà Mau cho biết, tỉnh Cà Mau hiện chỉ còn 16 trong tổng số 1.674 tàu cá (có chiều dài từ 15m trở lên) chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định (chủ yếu do hư hỏng, neo đậu tại bờ hoặc đã bán ra địa bàn khác). Điển hình trong công tác phối hợp với chính quyền địa phương vận động 100% chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là Đồn Biên phòng Sông Đốc và Đồn Biên phòng Khánh Hội.
Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi khi các chủ tàu cá hợp tác thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản trên vùng biển. Đồng thời, kịp thời xử lý các tình huống xấu trên biển, giúp ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường.
Khu vực biên giới biển của tỉnh Cà Mau có 23 xã, thị trấn thuộc 6 huyện ven biển; dân cư chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh, ngành nghề chủ yếu là phát triển ngư nghiệp. Toàn tỉnh có 4.551 tàu thuyền với hàng chục nghìn lao động trên biển. Trước đây, tình trạng ngư dân Cà Mau vi phạm pháp luật, sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép vẫn diễn ra khá nhiều.
Sau khi EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam do vi phạm IUU vào cuối năm 2017, Cà Mau là một trong những địa phương đứng đầu danh sách vi phạm. Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế theo 4 nhóm khuyến nghị của EC liên quan trách nhiệm của địa phương, nhất là những vấn đề làm ảnh hưởng đến kết quả, nỗ lực phòng, chống IUU theo quy định, tỉnh Cà Mau đã và đang tích cực triển khai các giải pháp để đẩy lùi vấn nạn này.
Theo đó, các cấp, các ngành tỉnh Cà Mau xác định nhiệm vụ chống vi phạm IUU là vấn đề quan trọng, hàng đầu, vừa mang tính cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài, nên đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, khẩn trương khắc phục các hạn chế, tồn tại. Sự quan tâm này sẽ góp phần cùng cả nước sớm gỡ “thẻ vàng” của EC, hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Trước tình trạng một số chủ tàu cá tự ý tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình, dẫn đến mất kết nối với máy chủ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cũng đã nhiều lần chỉ đạo chấn chỉnh các ngành, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra hiện trạng niêm phong thiết bị giám sát hành trình sau khi tàu cá cập, rời cảng. Nếu phát hiện trường hợp niêm phong bị phá thì cơ quan chức năng phải nhanh chóng xác minh, làm rõ nguyên nhân. Nếu phát hiện chủ tàu cá tự ý tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình thì xử phạt nghiêm theo quy định, buộc chủ tàu liên hệ với đơn vị cung cấp để tiến hành niêm phong trở lại.
Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ tàu cá, nhất là ngăn chặn tình trạng vi phạm IUU. Đặc biệt, việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác hải sản trên vùng biển tỉnh Cà Mau được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, những trường hợp vi phạm vùng biển nước ngoài đều bị xử phạt nghiêm. Cụ thể, từ tháng 10-2017 đến tháng 10-2021, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã xử phạt 733 vụ/768 tàu, với tổng số tiền hơn 18 tỷ đồng (trong đó, có 428 vụ vi phạm IUU với số tiền xử phạt hơn 15 tỷ đồng).
Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình được ngư dân đồng thuận vì những lợi ích thiết thực. “Đa số chủ tàu không trực tiếp đi biển, nhưng nhờ thiết bị giám sát hành trình đã giúp họ theo dõi được tàu của mình đang ở vị trí nào trên biển. Không chỉ yên tâm vì giám sát được con tàu - tài sản của mình, các chủ phương tiện còn có thể qua đó để tính toán được nhiên liệu tiêu hao” - một chủ tàu cá tại tỉnh Cà Mau cho biết.
Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” tỉnh Cà Mau, thời gian qua, BĐBP Cà Mau đã phối hợp với Sở Tư pháp, các huyện biên giới và các cơ quan liên quan tập trung củng cố, xây dựng các trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc các huyện và các câu lạc bộ tư vấn pháp luật trên địa bàn các xã, thị trấn ven biển.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, BĐBP Cà Mau đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương nghiên cứu, biên soạn tài liệu, in ấn, cấp phát trên 3.500 đầu sách, 5.500 đĩa VCD, 15.000 tờ rơi, tờ gấp, 38 tài liệu tuyên truyền về pháp luật và chủ quyền biển, đảo. Các đồn Biên phòng xây dựng, củng cố, kiện toàn 21 Tổ tàu thuyền an toàn với 173 tàu cá và 748 thuyền viên; 875 Tổ tự quản an ninh trật tự với 3.006 thành viên...
Theo bienphong.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận