Nhịp sống Côn Đảo. Bài 3: Cứu ngư dân trong đêm
VBĐVN.vn - “Nếu anh muốn có cái nhìn toàn cảnh về an ninh trật tự, bảo vệ môi trường sinh thái biển, đảo thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo, nên thu xếp thời gian đi tuần bằng ca nô tốc độ cao, ghé vào thăm các trạm kiểm lâm tại các đảo. Anh muốn lặn bằng bình hơi xuống đáy biển kiểm tra thực tế độ che phủ san hô như thế nào, tổ tuần tra sẽ hỗ trợ tối đa” - ông Nguyễn Thái Hậu, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gợi ý khi tôi mới đến Côn Đảo.
Tổ tuần tra do Trung tá Phạm Văn Cường, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Côn Đảo, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và ông Đinh Tiến Long, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm cơ động trực tiếp chỉ huy. 3 giờ chiều, ca nô rời cảng thị trấn Côn Đảo, tăng tốc hướng về hòn Tài Lớn. Thấy có một chiếc thuyền du lịch đang neo sát bờ đảo, tổ công tác đến kiểm tra, đây là chiếc thuyền dẫn khách nước ngoài đi lặn xem rạn san hô, sinh vật biển. “Kiểm tra xem thuyền của họ có buộc vào phao cố định không, nếu thả neo lên rạn san hô, phải lập biên bản xử phạt hành chính ngay lập tức. Đây là lỗi vi phạm không thể tha thứ” - ông Long nói to.
Cứu nạn ngư dân trốn chạy trong đêm
Chiếc thuyền kia đủ các loại giấy tờ và không thả neo lên san hô. Ca nô tổ công tác tiếp tục chạy hướng ra ngoài Biển Đông, những sóng lớn đưa chiếc ca nô lên cao, rồi hạ xuống, mỗi lần như vậy, người tôi cũng nhảy theo. Mặc dù sóng lớn, anh lái ca nô vẫn cho chạy đến hòn Bông Lanh, điểm tính đường cơ sở trên biển. Ông Long giải thích: “Trên đảo Bông Lanh có nhiều chim yến làm tổ, một tổ công nhân kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ ở trên đó, đến mùa sinh sản có nhiều loài chim biển quý bay về đấy làm tổ”.
Sóng quá lớn không thể cập ca nô để lên hòn Bông Lanh được. Trời gần tối, ca nô vượt lên những đợt sóng bạc đầu tiến qua hòn Bảy Cạnh. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh giới thiệu ngay: “Lúc sáng có một ngư dân nhảy xuống biển từ tàu đánh cá của tỉnh Kiên Giang từ ngoài xa, họ bơi cả đêm mới vào đảo, anh em ở trạm nấu cơm cho ăn”.
Nghe tin có thêm một ngư dân nhảy xuống biển bơi cùng nhưng chưa tìm thấy, chiếc ca nô tiếp tục đi tìm quanh hòn Bảy Cạnh, phát hiện có một người ở bờ đảo vẫy tay, ca nô cua vào cứu đưa về Trạm Kiểm lâm Bảy Cạnh.
Tôi tranh thủ hỏi chuyện ông Hồ Minh Tuấn, xã Ia HLốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, cả đời chưa bao giờ đi biển khai thác hải sản, thấy trên mạng xã hội quảng cáo tìm người đi làm biển thu nhập 15 triệu đồng/tháng. “Họ gọi điện thoại nói chỉ nhặt cá trên tàu, rồi hướng dẫn tôi ra bến xe Chư Sê sẽ có người đón đi xuống tỉnh Kiên Giang. Đến Kiên Giang, có một người chở đến giao tôi cho một chủ tàu đánh cá, làm nghề giã cào đôi. Do tôi không biết làm, mấy ông trên tàu cứ chửi bới tôi mãi, đôi khi đòi đánh. Tàu đi biển hơn 15 ngày, ban đêm từ xa thấy có ngọn đèn hải đăng chớp chớp, không biết đó là chỗ nào. 12 giờ đêm, mọi người đang ngủ, tôi ôm miếng xốp nổi nhảy xuống biển bơi theo hướng ngọn hải đăng, gần sáng vào được bờ đảo, sóng đánh mạnh, chân tôi có nhiều vết chảy máu. Ngồi cả ngày, gần tối mới gặp mấy anh Kiểm lâm, Biên phòng đến cứu” - ông Hồ Minh Tuấn chia sẻ.
Người thứ hai tên là Nguyễn Hoàn Kiên (sinh năm 1991), ở xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang, đi làm biển qua một tay “cò”, cũng gặp tình trạng không biết làm biển. “Chủ tàu nói tiền công của tôi đã trả cho “cò” rồi, tôi phải lo làm để trả nợ, chủ ép quá chịu hết nổi nên tôi mới chảy xuống biển bơi vào đảo trong đêm tối” - anh Kiên giãi bày.
22 giờ, cả hai ngư dân trên được tổ tuần tra đưa về Đồn Biên phòng Côn Đảo chăm sóc y tế, ăn uống, nghỉ ngơi. Cán bộ của Đồn Biên phòng Côn Đảo xác minh không thấy chủ tàu hay thuyền trưởng đánh đập hai ngư dân trên, nguyện vọng họ muốn trở về nhà.
Ông Trần Tiến Long cho biết: “Tình trạng ngư dân nhảy xuống biển từ tàu đánh cá để bơi vào đảo xảy ra thường xuyên, khu vực này có nhiều đảo, trời gió hoặc ban ngày, tàu vào gần đảo neo tàu nghỉ ngơi. Ngư dân bị một lý do gì đó trên tàu đánh cá, thường hay chọn phương án nhảy xuống biển bơi vào đảo. Cán bộ, nhân viên kiểm lâm tiếp nhận ngư dân, sau đó bàn giao cho Đồn Biên phòng Côn Đảo xử lý theo thẩm quyền”.
Muôn kiểu nhảy tàu trốn nợ, "nhảy việc"
Do đặc điểm ngư trường lớn, vùng biển Côn Đảo thu hút nhiều tàu đánh cá từ các tỉnh Bắc miền Trung đến tỉnh Kiên Giang tập trung về đây đánh bắt. Thiếu tá Lê Đức Dũng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Côn Đảo thống kê các kiểu nhảy biển của ngư dân trên tàu đánh cá: “Cũng có ngư dân bị thuyền trưởng đánh thật, chịu không nổi mới nhảy xuống biển bơi vào đảo. Trường hợp khác, do lao động quá nặng nhọc trên tàu, nhảy xuống biển trốn khỏi tàu đánh cá. Nhiều ông nhảy xuống biển để trốn nợ chủ tàu đánh cá, số này thường hay hứa sẽ đi biển cho chủ tàu, xin tạm ứng trước vài triệu đồng, tàu đang neo ở vịnh Bến Đầm chuẩn bị đi biển, họ nhảy xuống biển bơi vào đảo. Ngày mai, ngày kia, họ lại đi xuống tàu đánh cá khác xin đi biển và để sẵn “kế hoạch” nhảy xuống biển trốn nợ. Đã có trường hợp bơi kiệt sức dẫn đến chết”.
Có những vụ việc phức tạp, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an ở các tỉnh có liên quan để điều tra, làm rõ tung tích của ngư dân. Một số trường hợp nghiện ma túy nhưng vẫn xuống tàu đi biển xa.
Sự việc xảy ra nhiều, UBND huyện Côn Đảo phải ban hành quy chế xử lý người từ đất liền ra đảo gặp phải những vấn đề rắc rối. “Nếu xảy ra với khách du lịch trên đảo thì giao cho Công an huyện xử lý, ngư dân hoạt động nghề cá thì Đồn Biên phòng Côn Đảo tiếp nhận và xử lý. Qua quá trình điều tra, xác minh cụ thể, thấy những người bị nạn gặp khó khăn về tài chính, huyện sẽ hỗ trợ để đưa họ vào đất liền về nhà an toàn” - Thiếu tá Dũng thông tin cụ thể.
Công tác đảm bảo an ninh ở huyện Côn Đảo rất tốt, xe máy cắm chìa khóa ở xe, để ở bất cứ đâu trên đảo không hề bị mất trộm. Ban đêm nhà dân cũng ít ai khóa cửa, khách du lịch ra đảo tham quan chưa bị mất trộm bao giờ.
Bài 4: Phát triển Côn Đảo theo hướng bền vững
Hải Luận (bienphong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận