Nhớ lắm thuyền xưa
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…
(Nguyễn Bính)
Thuở nhỏ, tôi vẫn ước mơ tự tay đóng một con thuyền gỗ, với buồm nâu cánh gió, để có thể tự do rong ruổi như nhà thám hiểm vĩ đại Columbus, hoặc không thì cũng là một chiến tướng của đức thánh Trần Hưng Đạo tả xung hữu đột, đại phá quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng. Cái ước mơ ấy, sau này lớn lên không còn trở về nữa để rồi một ngày nó chợt hiện ra “bằng xương bằng thịt” trước mắt khi tôi cùng một người bạn đến thăm ông Nguyễn Hoàng Lịch tại phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.
Thị xã Quảng Yên vốn xa xưa là chiến địa, nay là mảnh đất của đình chùa, miếu mạo và các phong tục được gìn giữ từ nghìn xưa cùng những làng nghề truyền thống như làm ngư cụ, thuyền nan, bánh gio, đóng tàu vỏ gỗ truyền thống… Ở đây, vẫn còn đó những bãi cọc từ hơn bảy trăm năm trước và những di tích thời Trần mà khi đào thủy lợi, đào móng nhà hay lặn ngụp trên sông người ta vô tình tìm thấy. Hơn thế nữa, trong những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỉ trước, không thể không nhắc đến hình ảnh những chiếc thuyền xuôi ngược chở đất đá đổ xuống lạch sông làm cốt quai đắp hơn 30km con đê Hà Nam của thị xã, đồng thời, chở đá từ các dãy Tràng Kênh, Hoàng Tân về bồi đắp cho thân đê trước mỗi mùa mưa bão.
Gia đình ông Nguyễn Hoàng Lịch, tính đến con ông là đã chín đời theo nghề đóng tàu, thuyền. Ông Lịch dáng người thấp, đậm, da nửa đen nửa nâu, bóng láng như hun lên từ bao buổi gò mình dưới ánh mặt trời buồn vui cùng thân gỗ. Lúc cười hai núm trên má nhìn duyên đến lạ. Ông kể, tính số lượng thì chẳng nhớ được, nhiều lắm, có nhìn mặt chủ tàu, thuyền thì mới nhớ có đóng cho họ. Con thuyền lâu nhất ông đóng đến giờ vẫn đi đánh bắt được cũng đã hơn hai mươi năm. Ông bảo, bây giờ người ta thích đóng tàu gỗ chứ không đóng tàu sắt vì gỗ còn kiểm tra được chất lượng, chứ sắt thì không biết thế nào dù giá cả ngang nhau. Thêm nữa tàu sắt hỏng là hỏng, còn tàu gỗ dù hỏng hóc vẫn có thể gia cố, luân chuyển được. Để đóng một con tàu gỗ, bình thường tốn từ bốn đến năm nhân công, làm liên tục trong vòng hai tháng. Lán của ông giờ có thể đóng được tàu trên 400 mã lực còn hai lán của con trai thì đóng từ 300 mã lực trở xuống do địa bàn, máy móc, kích cẩu khác nhau...
Cuộc đời của ông Lịch gắn với những con tàu, thuyền trong xưởng. Hồi bé thì nghe tiếng cưa, tiếng đục đẽo, tiếng trò chuyện như hét của thợ trong lán mà tự ngủ không cần ru à ơi gì; ba bốn tuổi khi cầm nắm đã vững thì chơi với dùi với đục, với phoi bào; mười tuổi đi cùng mẹ ra chợ Cốc mua gà, mua xôi, mua hoa quả về tập lễ cúng thầy. Thầy cũng chính là cha. Ngày xưa các cụ nghiêm lắm, con thì con đấy, từ nhỏ đã đi làm việc vặt, tha thẩn với cha, nhưng nếu không có lễ mặn cúng thầy thì chưa được coi là thợ. Năm người con trai ông cũng vậy. Khi được ông truyền nghề đều phải làm lễ theo đúng lệ tục của tổ nghề. Giờ đây, ba xưởng đóng tàu Thành Oanh, Huy Phượng, Lịch Cảnh của mấy bố con ông dài cả mấy kilômét độc chiếm một khúc sông ven đê Hà Nam tạo công ăn việc làm cho gần ba mươi nhân công không khi nào ngơi tiếng máy móc, đục đẽo. Nói vui là độc chiếm chứ đất ấy là của cha ông để lại, xưa chỉ có lau lách rậm rạp nhờ sức người mới có cơ sở như hôm nay.
*
* *
Cũng lạ, chỉ có một con thuyền thôi mà tính ra đã bao nhiêu tên gọi. Trong cuốn Thuyền buồm Đông Dương của J.B.Piétri (Nxb Trẻ, 2015) có nhắc đến những con thuyền có kiểu dáng giống ở nhà ông Nguyễn Hoàng Lịch. Khi nhìn những cánh buồm, tác giả J.B.Piétri liên tưởng đến thuyền buồm Trung Hoa, nhưng sau mới thấy hoàn toàn không phải, mà chúng là những con thuyền điển hình của Bắc Kì với trọng tải từ 5 đến 25 tấn, có mặt tại nhiều vùng biển hồi đó. Cánh buồm là đặc điểm dễ nhận dạng nhất nên gọi đơn giản là thuyền buồm hoặc thuyền buồm cánh dơi vì nhìn con thuyền đi trên mặt nước không khác gì con dơi khổng lồ đang bay giữa trời rộng lớn. “Con dơi” ngày xưa bay giữa các thương cảng từ Nam chí Bắc, từng có mặt tại Vân Đồn, Phố Hiến, Hội An... vượt biển Đông đến các bến cảng xa xôi ở Singapore, Malaysia, Hồng Kông..., xa hơn nữa là năm 938, Ngô Quyền phá tan quân Nam Hán, năm 981 Lê Đại Hành diệt quân Tống trên sông Bạch Đằng (thuộc đất Quảng Yên, Quảng Ninh bây giờ). Đặc biệt hơn cả là thời nhà Trần, khi thuyền nhẹ được quân dân Đại Việt sử dụng trong các trận Cửa Lục và Bạch Đằng giáng cho quân Nguyên Mông những đòn chí mạng. Thuyền nhẹ của quân dân nhà Trần năm nào, theo tôi nghĩ, chính là thuyền buồm của cư dân Quảng Yên bởi chúng đón gió rất khỏe, tạo sức đẩy lớn nên có thể lướt nhanh trên mặt sóng; và cũng chính những người thợ đóng thuyền Quảng Yên đã đẽo cọc cắm xuống lòng sông cuộn chảy, bởi chỉ có họ mới nắm được lưu vực nước, biết cần đóng nông sâu ra sao cho hợp với thủy triều, rồi tay nghề làm thuyền gỗ giúp rất nhiều trong đẽo cọc làm sao đâm thủng thuyền giặc hiệu quả nhất… Nếu đúng vậy, ngẫm ra, nghề đóng thuyền ở đây tính đến nay phải hơn nghìn năm rồi.
Thuyền của cư dân Quảng Yên còn một tên gọi khác, chuyên biệt về chức năng hơn là “thuyền chạy ngược nước ngược gió”. Tôi được anh Nguyễn Hoàng Tám, con trai ông Nguyễn Hoàng Lịch ngừng tay xẻ gỗ chỉ cho nguyên lí vận hành của loại thuyền này. Anh bảo, sở dĩ thuyền chạy được ngược nước ngược gió như thế là do cách gò dây lèo. Khi dây lèo được gò sát vào buồm sau phía lái, lúc này buồm sau căng lên chéo về phía cánh buồm trước được thả hơi chùng. Gió thổi tới đập vào cánh buồm sau bật lại cánh buồm trước tạo sức đẩy cho tàu tiến lên. Thuyền lúc này sẽ không chạy thẳng mà chạy vát về bên không có gió, tức là chạy theo đường dích dắc hình chữ “chi”. Thợ trẻ giờ nhìn, học cũng đóng được nhưng không đẹp được như cha anh, bởi thế hệ trước nắm được mực, quen tay hơn. Nhìn dáng người mảnh khảnh, thư sinh, giọng nói nhỏ nhẹ ấy, không ai nghĩ một người chưa đầy ba mươi tuổi như Tám giờ là người quản việc chính của lán thuyền Lịch Cảnh. Anh thay bố mẹ quản tất cả công việc về kĩ thuật, nhân công, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền. Nếu thợ nghỉ anh sẵn sàng làm thế bất cứ công việc gì cho kịp tiến độ hợp đồng với chủ tàu thuyền. Nhưng dù thế nào, trong anh vẫn là khát vọng đóng được những con tàu nhiều mã lực, dũng mãnh ra Hoàng Sa và Trường Sa bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, như những con tàu năm xưa đánh thắng giặc ở Vân Đồn và trên dòng sông Bạch Đằng ngoài kia.
*
* *
Để làm một con thuyền, trước tiên người thợ cả phải có tay nghề kĩ thuật cao và có uy tín trong vùng. Lễ phạt mộc được tiến hành vào ngày lành tháng tốt, trừ ngày nguyệt tận, Thìn, Tỵ. Rồi đến chọn con ván cái giữa thuyền thật đẹp, ngay ngắn, không được mấu mắt. Khấn Thánh Sư chế nghệ, phù hộ cho chủ tàu được mạnh khỏe, làm ăn phát tài. Theo tục lệ cấm tiệt đàn bà, con gái đi qua trong lúc làm lễ. Cứ tưởng người Việt sống trên sông nước bao năm đáng ra phải quen đi, không còn sợ sông nước nữa, dễ dãi mà bỏ qua nhiều thứ. Nhưng không phải, càng sống niềm tôn kính, sự thiêng liêng càng tăng lên. Ngay trong lễ phạt mộc kia, tất cả phải làm chuẩn xác từng li từng tí. Từ chủ tàu đến thợ đều chung một niềm tin vô hình vào quá khứ được truyền lại từ nhiều đời. Chẳng thế mà khắp các lán thuyền vùng Hà Nam vẫn kể lại, những năm còn chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ, có gia đình kia kéo thuyền vào ngày ba mươi, nguyệt tận. Ra đến viền gặp thủy lôi, thuyền bảy người chết sáu, chỉ còn đứa trẻ con nhờ phép lạ nào đó mà sống. Câu chuyện này chẳng thể kiểm chứng, nhưng việc ông Nguyễn Hoàng Lịch tìm được tấm bia đá ghi lại sự ra đời, khuyến khích nghề đóng tàu thuyền “Ích nước - lợi nhà; Dân lợi - khí dụng” thì nhiều người dân trong vùng chứng kiến. Hiện tại bia đá (năm 1865) và sắc phong (1895) đang nằm trang trọng trong nhà thờ tổ làng nghề ở phường Phong Hải. Số là, bia đá vốn trước ở hàng thợ phía đông làng Cốc. Một năm nước lụt vỡ đê, bia đá ấy không biết bị trôi đi đâu, dân làng tứ tán mưu sinh, việc giỗ vào ngày mùng 10 tháng 8 cũng không còn duy trì được nên mọi người trong làng nghề cũng dần dần quên đi. Ông Phà người cùng làng kể, hồi hợp tác xã, tấm bia ấy được dùng làm dụng cụ đập lúa nhưng không biết giờ nó ở chỗ nào. Ông Lịch bảo, sau khi đi hỏi cả làng cả xã mà không ra manh mối tấm bia, những ngày ấy, người ông cứ hâm hấp sốt, lúc nào bên tai cũng nghe văng vẳng tiếng búa tiếng đục từ đâu đó vọng về. Thật, nói thì chẳng ai tin đâu, nửa đêm mơ có người dẫn đường tìm bia, đến nơi bảo, ở đấy, ở đấy, gần gốc cây này, đào sâu xuống, nhớ chưa, nhớ chưa. Sáng ra tỉnh dậy cứ theo chỉ dẫn trong giấc mơ mà tìm, cũng gốc cây, cũng đào xuống, nhưng lạ thay, chỉ toàn đất đá. Hôm sau, hôm sau nữa cũng không nản, vẫn ra khoảng đất được mách tìm, xong mở rộng sang mấy khu vườn khác. Có lúc đi xa quá khỏi khu vực thì như có người níu chân lại. Sau này nghĩ lại, ông cho rằng đấy là do các vị tổ tiên ngành đóng tàu đặt ra thử thách lòng mình, thử mà vẫn thương. Đến ngày thứ tư, sáng sớm dậy làm lễ thắp hương xin, đến chỗ hôm đầu tiên, đào tiếp xuống hai mươi phân thì thấy tấm bia thật, chữ khắc đã mờ, một mảng trên đầu bị vỡ sau mới được phục chế lại. Nghe ông kể chuyện tìm bia, tôi chợt nhớ tới việc tìm ra bài thơ cổ vào năm 1468 của hoàng đế - thi sĩ Lê Thánh Tông khắc trên vách đá dưới chân núi Truyền Đăng xưa (núi Bài Thơ, Hạ Long, Quảng Ninh nay). Người ta tìm ra nó trong khu chăn nuôi của một gia đình, chủ hộ không biết trong khuôn viên của mình lại có một di tích quý giá đến thế.
Trở lại với việc đóng thuyền, sau khi làm lễ phạt mộc sẽ đến ghép ván đáy lườn. Ván cái phải đều, giống nhau. Các mối được nối với nhau bằng đinh uốn cong có mũ. Ngày xưa, khi đinh còn chưa ra đời thì người thợ ghép bằng dây mây tuốt lấy cật ngâm với nước vôi, hong ở gác bếp. Ghép xong đến gọt lườn rồi uốn ván bằng cách lấy củi đốt thành than, hơ nóng hai mặt gò. Khi vào vỏ chia khoang của con tàu ra làm ba phần - khoang ở, khoang lái, khoang mũi - sao cho thật phù hợp với từng nghề. Nghề đánh cá khác, nghề vận chuyển khác, sau này tàu dành cho du lịch cũng khác.
Đến đây có thể coi là hết công việc của thợ chính, đến lượt thợ phụ vào làm mặt trong, boong trên…, các phần đều dùng ván, gỗ, đinh ghép lại thành khối liền liên kết chặt chẽ với nhau. Khi tàu đã có hình dạng, để chống không cho nước theo các khe ghép chảy vào, sẽ có hai cách, một là dùng vỏ dừa đóng vào các đường ghép ván, rồi bào nhẵn đi, hai là dùng phoi tre trộn với vôi hà, dầu trẩu để nhét vào. Tỉ mẩn từng chút, người làm cần kiên nhẫn bởi chỉ một khe hở nhỏ là nước tràn vào. Tiếp đến làm buồm, cột buồm làm bằng gỗ hoặc tre mai thẳng, vải buồm là vải diềm bâu trắng, kích thước buồm to nhỏ tùy tàu. Buồm là linh hồn của tàu, nhờ buồm mà tàu có thể linh hoạt chạy được ngang gió hay ngược gió theo ý muốn người điều khiển. Cuối cùng là xem ngày đẹp để làm lễ hạ thủy, dựng cột buồm, máy buồm và bàn giao…
Nghề đóng thuyền truyền thống là sự gắn kết của nhiều người. Tất cả đều biết, hiểu công việc của nhau, nhưng phải giỏi ở một công đoạn mình làm. Sản phẩm hoàn chỉnh là nhờ sự thuần thục của những mảng, miếng từ đơn giản đến phức tạp. Việc may buồm của thuyền cánh dơi cũng cần có những người chuyên biệt. Để tìm hiểu việc này, tôi được ông Lịch chỉ đến nhà ông Dương Phượng Toại, người được mệnh danh là nhà Hà Nam học ở xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên. Ông Toại kể, việc khâu vá, đánh buồm ở đây được gọi là dát buồm. Buồm được làm bằng thứ vải “rường khau” thô, sợi trắng ở tận Nam Định rất dai. Sau được nhuộm bằng vỏ cây đâng, củ nâu nấu nhừ trong nồi đồng lớn. Ngâm nhiều giờ vải sẽ săn lại, lúc ấy thì căng ra phơi. Lặp đi lặp lại quy trình ngâm phơi trên cho vải ăn màu, săn chắc. Xong tiến tới dát buồm bằng cách vạch cánh theo khổ lớn, nhỏ tùy sức tải, sức gió của mỗi loại thuyền. Các tấm vải được khâu với nhau bằng chỉ sợi to hoặc dây gai. Buồm có hai loại là buồm mũi và buồm lái. Buồm mũi ở đầu thuyền thường dùng 70 - 80 m2 vải và buồm lái ở giữa khoang thường là 120m2. Buồm mũi nhỏ và thấp hơn buồm lái. Để làm xong một đôi buồm cũng phải mất ròng rã vài tháng. Ngày xưa ở làng xã nào cũng có người làm nghề đánh và dát buồm. Có những người xứng đáng được công nhận là nghệ nhân bởi họ dành cả cuộc đời mình gắn bó với những cánh buồm chuyển màu từ trắng sang nâu, từ không hình thù đến có hình thù cụ thể. Nổi tiếng có thể kể đến ông Đĩ Bệ, ông Lái Mậm, ông Phó Tiến, ông Lãi Lùn... Buồm mới thì háo hức, lo lắng cho chuyến đi đầu tiên; buồm cũ thì thương xót như thương xót chính đứa con mình trở về tàn tạ sau trận chiến với sóng nước, muối mặn khơi xa. Nhưng tiếc thay nghề này từ khi có thuyền máy thì mai một như nghề cho chữ của ông đồ già trong thơ Vũ Đình Liên. Những cánh buồm trở về làm mảnh vải vô tri vô giác.
Ông Toại ngờ rằng nghề này (cũng như nghề đóng thuyền gỗ) xuất phát từ một làng nghề nào đó của phố phường Hà Nội xưa. Bởi lịch sử của đảo Hà Nam xuất phát mật thiết với việc mười bảy cụ tiên công nhận lệnh vua ban đi mở rộng bờ cõi giang san của đất nước Đại Việt. Các cụ dùng tàu xuôi theo dòng sông Hồng quặn đỏ phù sa tiến ra biển Đông. Đến trấn lị Quảng Yên bên bờ sông Bạch Đằng, các cụ dừng ở đây để làm nghề chắn đăng, chắn đọn, chài lưới sinh sống. Các cụ sẽ tiếp tục đi nữa nếu không xảy ra sự kiện bước ngoặt của quá trình di chuyển, đó là đang đêm bỗng nghe thấy tiếng ếch kêu vọng lại từ bạt ngàn sú vẹt. Có ếch kêu là có nước ngọt, đi mãi theo tiếng ếch, ngỡ ngàng phát hiện ra hồ nước mà ngày nay gọi là Đầu Đồng Hồ Mạch. Có nước ngọt, yếu tố căn bản để tồn tại sự sống, các cụ bàn nhau ở lại, bàn nhau quyết tâm quai đê lấn biển, trước bé, sau to. Bên trong đê cấy lúa làm nhà, bên ngoài đê làm nghề đánh cá, vận tải, giao thương buôn bán. Tàu vỏ gỗ là phương tiện chính để qua sông, vào đất liền hay trở lại kinh kì thăm gia đình, cố hương nên nghề đóng tàu hình thành. Vẫn còn đó bến đò Chanh, đò Lá là chứng minh cho câu chuyện khi xưa. Chỉ tiếc là qua bao biến động của lịch sử cũng như thiên tai, dịch bệnh, gia phả làng chẳng còn nguyên vẹn. Cho đến đời vua Tự Đức, cụ Lê Kỳ Đoài và một số cụ họ Vũ, họ Nguyễn mới xin tái lập nghề đóng tàu truyền thống và được chấp nhận. Tiếp đến đời vua Thành Thái, cụ Nguyễn Văn Phúc được sắc phong, có trách nhiệm truyền thụ nghề trong làng, nếu sai sẽ bị xử tội theo quốc pháp.
*
* *
Tôi tìm đến nghệ nhân đóng tàu Lê Đức Chắn (phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên). Nhà ông đã tám đời làm nghề này và ông là đời thứ bảy. Qua mỗi đời, nghề đều có nhiều biến đổi để phù hợp với cuộc sống, dân sinh. Trong xưởng nhà ông giờ có chừng năm con tàu ở dạng khung hoặc đang được thợ hoàn thành. Nhìn khung của một con tàu đang nằm phơi mình, tôi nghĩ tới con cá voi nào đó từ tận ngoài khơi xa xăm hóa thân lạc vào đây, đến vùng đất đầy trầm tích này nằm lại. Ông Lê Đức Chắn rủ rỉ kể, nhớ nhất là những con tàu đóng trong năm 1968, khi được hợp tác xã vận tải thủy và Ủy ban nhân dân huyện Yên Hưng (nay là thị xã Quảng Yên) huy động tàu thuyền, nhân dân từ khu vực đảo Hà Nam sang Quảng Yên để đóng tàu vận tải chở lương thực và vũ khí vào chi viện cho Quân khu 4. Khi ấy, anh em thợ vừa làm vừa phải tránh máy bay Mĩ oanh tạc, bắn phá ngày đêm. Mỗi chiếc tàu được hạ thủy là niềm vui lại nhen lên, bởi nó kết tinh không chỉ mồ hôi mà còn cả máu nữa. Sau này, là con thuyền buồm cánh dơi đóng cho Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh theo đơn đặt hàng của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Cũng trong đợt đó, ông còn đóng hai chiếc chải bơi cổ, hai chiếc giể đánh cá, một thuyền lẵng đầm mang đặc thù riêng của vùng Quảng Yên này. Chiếc thuyền thì ưng ý hơn cả, không phải vì nó đẹp hơn những chiếc tàu đã đóng trước đây, mà vì được trưng bày ở chỗ có nhiều người xem.
Kể về những năm khó khăn nhất trong đời, ông bảo, đã có lúc tủi cực tưởng bỏ nghề. Vào quãng những năm 90 trở ra, khi bắt đầu cơ giới hóa, tàu đóng ra nhiều, người dân đổ nhau ra biển, đánh bắt chẳng tha gì, cá to cá bé cũng vớt ráo. Tôm cá không còn, ngư dân bán tàu thuyền lên bờ tìm nghề khác. Thợ đóng tàu cũng khốn đốn, gia đình thất nghiệp. Chẳng nhẽ ngồi chơi mãi, thế là xin đầm nuôi cá. Cá lớn phổng, tưởng được ăn tới nơi, dè đâu chỉ qua một đêm chết trắng đầm. Nhìn cá chết mà thấy như mình đang chết vậy, cả nhà hì hục vớt lên, ăn chẳng được, vợ chồng con cái nhìn nhau ứa nước mắt, như đứt từng khúc ruột. Hết nuôi cá chuyển sang nuôi dê cũng không khá hơn, mấy trăm con gặp dịch chết cả. Lại vợ chồng hò nhau đi chôn. Vậy là quyết định chấm dứt cái nghề mình chẳng thạo, chẳng hiểu. Cho đến hơn năm sau, có bao nhiêu tiền mượn được cha con chia nhau đi mua những chiếc tàu đắm, tàu cũ nát về sửa chữa, gia công lại. Nghề đánh bắt dần khôi phục, ngư dân lại tìm đến nhà hỏi mua tàu. Làm ăn khá lên, trả được hết nợ, giờ gia đình cũng có hai công ti, một xưởng đóng tàu.
*
* *
Đã có lúc nghề đóng tàu thuyền ở Quảng Yên tưởng như mai một, chiếc thuyền buồm cánh dơi lâm vào thảm cảnh tuyệt chủng trên mặt sông, mặt biển. Nhưng rồi bằng đôi tay tài hoa cùng tấm lòng luôn luôn hướng về cha ông của người thợ nơi đây, làng nghề đã được khôi phục, các lán thợ nối nhau ra đời, chiếc thuyền buồm năm nảo năm nào hiên ngang vén màn cổ tích trôi ra. Và giờ, thuyền không còn đơn giản là thuyền nữa, mà đã thành bảo vật gìn giữ linh khí của mảnh đất nhiều trầm tích văn hóa này.
Nguồn:vannghequandoi.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận