Những anh hùng thầm lặng của Đoàn tàu không số: Bài 1: “Điều lạ kỳ” ở Đoàn tàu không số
VBĐVN.vn - Đoàn tàu không số với những kỳ tích trong kháng chiến chống Mỹ vẫn được coi là huyền thoại suốt hơn nửa thế kỷ qua. Làm nên huyền thoại ấy là những con người hết sức bình dị, dù xuất thân khác nhau nhưng ở họ đều có chung một lòng yêu nước và ý chí, quyết tâm cống hiến cho cách mạng, cho dân tộc. Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần giới thiệu tới bạn đọc chân dung 4 trong số các thành viên của Đoàn tàu không số-những anh hùng thầm lặng đã góp phần làm nên kỳ tích ấy.
Nguyễn Phúc Vĩnh Mẫn (còn gọi là Phan Thắng) được coi là “điều lạ kỳ” ở Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125, bởi ông là hoàng thân triều Nguyễn, lại được giao nhiệm vụ quan trọng ở đơn vị đặc biệt tối mật: Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn tàu không số. Có thể nói, trong thành công của những chuyến tàu không số sau đó đều có sự góp sức của đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn. Ông nổi tiếng với trí nhớ tuyệt vời và tài nói chuyện hấp dẫn.
Quên gì thì quên, Đoàn tàu không số thì không
Đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn nổi tiếng bởi trí nhớ tuyệt vời và tài nói chuyện có duyên năm nào giờ đã qua tuổi 90. Dịch Covid-19 phức tạp nên việc từ Hà Nội đến Thừa Thiên Huế gặp ông trở nên thật khó khăn. Dù có điện thoại di động nhưng để "kết nối" được với ông cũng “hên xui” lắm. Những năm gần đây, sức khỏe của ông kém hơn nhiều. Tim đặt 3 stent, mắt lòa gần như không nhìn được, tai nghe đã kém, vài lần tai biến khiến việc đi lại của ông luôn cần người dìu... Nếu may mắn, gọi điện thoại mà gặp người nhà nghe máy thì còn có cơ duyên được trò chuyện cùng ông. Ông thường mở đầu cuộc nói chuyện bằng vài câu đùa vui vẻ rồi cười lớn: “Tính bác hay đùa vui vậy đó”... “Mấy hôm rồi mắt phải của bác mờ, nay lòa luôn cả mắt trái rồi. Tại làm việc tùm lum cả mà. Giờ tay run, chân yếu rồi”. "Ông ơi, giọng ông vẫn còn vang lắm ạ!". “Ngày trước, anh em 125 vẫn bảo giọng nói của bác khi nào cũng vang, đanh như chuông vậy đó”...
Đó là câu chuyện những lúc ông minh mẫn. Gần đây, ông lẫn nhiều hơn. “Làm việc tùm lum” của ông thì ra là mang những tài liệu, ảnh về Đoàn tàu không số ra, giơ kính lúp xem đi xem lại. Anh Bảo Long, con trai của ông Vĩnh Mẫn kể rằng, thực tình mắt ông chẳng đọc được gì nữa nhưng chiếc tủ để tài liệu kỷ niệm về Đoàn tàu không số, ông giữ kỹ lắm, con cháu không động vào được. Những lúc bị lẫn, chỉ chuyện về Đoàn tàu không số là ông hay nhắc đến. Nhiều lần ông nói: “Sao lại cho ba ở Huế? Đất của ba ở 125, ở Hải Phòng mà! Để ba ở đây chi vậy?”.
Bao biến động của lịch sử và thăng trầm cuộc đời đã qua, thời gian khiến người cán bộ tuyên huấn có giọng vang như chuông năm nào nay trở nên không còn minh mẫn. Nhưng kể cả khi ông không nhìn thấy, không đi lại được... thậm chí không nhớ nổi mình ở đâu, thì Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 vẫn hiển hiện, như một điều sẵn có bất biến trong tiềm thức của ông.
"Điều lạ kỳ" của vị trưởng ban
Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, thành viên Đoàn tàu không số, đã nói rằng, Đoàn tàu không số có hai điều lạ kỳ: Một thành viên quốc tịch Pháp, có tên tiếng Pháp-Abel René (Lê Văn Một) sau này trở thành thuyền trưởng của tàu không số đầu tiên mang tên Phương Đông 1; một thành viên là hoàng thân triều Nguyễn, chắt nội vua Hiệp Hòa, chính là Nguyễn Phúc Vĩnh Mẫn.
Cha ông Vĩnh Mẫn là Hoàng thân Bửu Trác-con của Hoàng tử trưởng Ưng Bác-được biết đến là một người có tinh thần yêu nước, kháng thực dân. Hoàng thân Bửu Trác giữ chức quan quyền lực Thống chế nhất phẩm triều đình thời vua Khải Định, nhưng từng bị tước hết chức tước, tôn tịch, đày đi nhà tù Lao Bảo vì tính tình ngang tàng, không chịu luồn cúi thực dân. Sau được triều đình ân xá, khôi phục tước vị, tôn tịch và mời ra làm quan nhưng cụ Bửu Trác từ chối. Mẹ ông Vĩnh Mẫn là bà Hoàng Thị Lê, cùng họ với vợ vua Khải Ðịnh-bà Hoàng Thị Cúc (Ðoan Huy Hoàng Thái hậu). Bà là người chịu ảnh hưởng nhiều bởi tư tưởng Nho giáo. Từ nhỏ, anh em ông Vĩnh Mẫn đã được dạy về nhân-lễ-nghĩa-trí-tín, được thấm dần tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc từ cha mẹ.
Toàn quốc kháng chiến, theo tiếng gọi của dân tộc và lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều thanh niên hoàng tộc tham gia cách mạng. Anh trai cả Nguyễn Phúc Vĩnh Tập, chị gái Công Tằng Tôn Nữ Băng Tâm của ông cũng tham gia hoạt động cách mạng từ sớm. Vào “Tuần lễ vàng”, anh trai Vĩnh Tập còn mang hiến cho cách mạng vật quý của cha là chiếc mũ Đại triều. Khi anh Vĩnh Tập hy sinh năm 1946, Vĩnh Mẫn cũng đang làm chiến sĩ liên lạc cùng tiểu đoàn với anh. Mẹ ông khi nhận tin dữ của con trai cả đã gặp đồng chí tiểu đoàn trưởng, gạt nước mắt nói: “Thằng Tập hy sinh rồi, còn thằng em út nữa, tôi gửi gắm các anh đó”. Chị Băng Tâm thì hoạt động trong tổ chức Thành ủy Huế và hy sinh năm 1951.
“Điều lạ kỳ” Nguyễn Phúc Vĩnh Mẫn tham gia cách mạng từ năm 1946, khi 15 tuổi, sau đó đổi tên thành Phan Thắng. Năm 1949, ông được đi học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, khóa 5 và ở lại trường làm cán bộ, rồi vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau năm 1954, Phan Thắng tập kết ra Bắc, làm trợ lý giáo dục ở Sư đoàn 338. Thời gian công tác tại Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn và Sư đoàn 338, Phan Thắng tham gia giảng dạy, bồi dưỡng kiến thức cho hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ. Phan Thắng biết cách tổng hợp tài liệu và kiến thức của bản thân soạn bài giảng, lại cộng thêm tài nói chuyện nên anh em thấy rất thực tế, gần gũi, dễ hiểu. Năm 1965, Phan Thắng lên đường vào chiến trường miền Nam bằng đường biển trên tàu không số. Nhưng chuyến đó địch phát hiện vây bám gắt gao, sau nhiều ngày trên biển, tàu của ông không cập bến được, phải quay về Hải Phòng. Phan Thắng được phân công ở lại Lữ đoàn 125 làm Trưởng ban Tuyên huấn. Ông gắn bó với Lữ đoàn 125 Hải quân và Đoàn tàu không số từ đây. Ông Hồ Đắc Thạnh kể: “Phan Thắng làm cán bộ rất sâu sát. Dù làm cán bộ tuyên huấn “bất đắc dĩ” nhưng Phan Thắng nói chuyện rất có duyên, am hiểu lịch sử kim cổ, biết cách liên hệ, dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn nên dù khi nói chuyện hay khi truyền đạt nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vẫn luôn làm anh em mê mẩn, “vểnh tai” nghe không bỏ sót lời nào. Nên có thể nói, trong thành công các chuyến đi sau đó của Đoàn tàu không số đều có sự chung tay, góp sức của đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn Lữ đoàn 125 Phan Thắng”.
Day dứt khi nghĩ về đồng đội
Không phải chỉ sâu sát khi làm cán bộ tuyên huấn, ngay cả khi đã nghỉ hưu, ông Vĩnh Mẫn vẫn luôn nghĩ về đồng đội và mong muốn nhiều người được “tỏ tường trong cuộc chiến tranh chống Mỹ có một Đoàn tàu không số gan góc anh hùng đến vậy”. Bởi vậy, trong nhiều năm, ông đã liên hệ, kết nối anh em Đoàn tàu không số. Năm 2001, trong cuộc gặp mặt kỷ niệm 40 năm thành lập Đoàn tàu không số tại Lữ đoàn 125, anh em gặp nhau sau nhiều năm, những cánh tay ôm chặt mừng vui xúc động. Các thành viên đều mong muốn giữ liên hệ để chia sẻ, biết cuộc sống, hoàn cảnh của nhau, hỗ trợ nhau khi cần. Ông Vĩnh Mẫn cùng ông Hoàng Phát, Trần Phong, Đắc Thạnh bàn với nhau đứng ra thành lập Ban liên lạc Đoàn tàu không số. Thời đó, liên lạc với nhau còn nhiều khó khăn, chủ yếu qua thư từ nhưng ông Vĩnh Mẫn và các thành viên ban liên lạc vẫn nhiệt tình vào Nam, ra Bắc gặp anh em. Đến năm 2008, Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức ra mắt, có tổ chức và hoạt động bài bản.
Mấy năm nay lúc nhớ, lúc quên, ấy thế mà mỗi lần gặp ông Thạnh, ông Vĩnh Mẫn vẫn ôn lại chuyện xưa, trăn trở, day dứt nói về những việc cần làm. Đó là việc Tàu 165 và toàn bộ thành viên đã hy sinh trong một trận chiến năm 1968, mong làm sao để Tàu 165 và tập thể anh em được Nhà nước phong tặng anh hùng; là điểm cập bến tàu không số (C43B) tại bãi biển Quy Thiện (Quảng Ngãi), nơi có 4 chuyến tàu không số vào bến và nhiều anh em đã hy sinh, bị thương trong những trận chiến với địch, làm sao xây dựng ở nơi đó tấm bia di tích với những dòng chữ: Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây đã có những con tàu không số cập bến...
Khoe với tôi Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, ông nói: "Tôi đã hoàn thành trọng trách với Đảng, với Bác Hồ". Nhưng tôi biết, sâu thẳm trong vị hoàng thân trọn đời theo cách mạng, chẳng khi nào ông thôi nghĩ về trọng trách với đồng đội, với Đoàn tàu không số.
(còn nữa)
Theo qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận