Những bệnh nhân “đặc biệt” của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm
VBĐVN.vn - Tấm lòng nhân ái của nữ anh hùng, liệt sĩ, bác Đặng Thùy Trâm còn in đậm trong trái tim biết bao người đã từng được chị cưu mang, cứu chữa trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Trong số đó có những thuỷ thủ của đoàn tàu Không số, làm nhiệm vụ bí mật vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam bằng con đường Hồ Chí Minh trên biển Đông.
Chuyến đi định mệnh
Ngày 27 tháng 2 năm 1968, trong những hoạt động chuẩn bị cho chiến dịch Tết Mậu Thân (1968) của quân và dân ta, tại một căn cứ bí mật đặt trên đất bạn, tàu Không số mang ký hiệu 43 của ta gồm 17 cán bộ, thuỷ thủ, do thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng (sau này là Đại tá - Anh hùng LLVTND) và Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn chỉ huy, mang theo hơn một trăm tấn vũ khí chi viện cho chiến trường khu V.
Sau hai ngày vượt sóng, tàu 43 đã đến vùng biển ngang với khu V và chuyển hướng vào bờ khu vực Sa Huỳnh (Đức Phổ, Quảng Ngãi). Đêm ngày mùng 1 tháng 3, khi chỉ còn cách bờ khoảng 5 hải lý thì tàu của ta bị địch phát hiện. Địch huy động lực lượng đến bao vây kín phía ngoài khiến tàu 43 không thể rút trở ra biển được.
Trong tình thế cấp bách đó, tập thể tàu hạ quyết tâm, quyết tử chiến đấu với địch. Vì chênh lệch về lực lượng, lại yếu thế nên tàu 43 bị địch áp đảo, trên tàu đã có 3 đồng chí hi sinh, chỉ còn lại 14 người thì có tới 12 người bị thương. Trước tình hình đó, phương án tác chiến: Điểm hoả! Huỷ tàu và rút người lên bờ đã được tập thể tàu lựa chọn. Sau khi hẹn giờ điểm hoả, các chiến sĩ dìu nhau rời tàu, tìm cách vào bờ… Một cột lửa bốc cao, cùng với tiếng nổ xé toang màn đêm, con tàu đã biến mất mang theo toàn bộ số vũ khí vào lòng biển sâu, không để lọt vào tay quân địch.
Bò được vào đến bờ, trong tình trạng thương tích nặng nề lại thiếu thốn lương thực, thuốc men nên sức khoẻ của các anh mỗi lúc một kiệt. Các anh đã được nhân dân ở đây phát hiện, cưu mang, chăm sóc và cho ẩn náu dưới hầm bí mật để tránh những cuộc truy sát của kẻ địch. Cho đến 10 ngày sau (10/3) thì các anh được nhân dân và du kích đưa về bệnh xá của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm ở vùng núi Ba Tơ.
Trong cuốn “Có một con đường mòn trên biển Đông” - NXB Hà Nội - 1995, Đại tá Nguyễn Đắc Thắng - Anh hùng LLVTND, là thuyền trưởng của tàu 43 ngày ấy kể: “Hai giờ chiều ngày hôm ấy mười mấy anh em thuỷ thủ xơ xác chúng tôi đến được bệnh xá của chị Trâm. Chị không nói gì nhưng biết chúng tôi là dân đường mòn bí mật biển Đông và coi chúng tôi là những người anh hùng. Chị bảo: Các anh phải ở lại đây đã, chưa được đi đâu hết. Phải chữa cho lành các vết thương. Rồi bồi dưỡng cho lại sức để còn leo Trường Sơn. - Bệnh xá đói, chị Trâm và các nhân viên của chị cũng đói. Nhưng chúng tôi vẫn được nuôi rất chu đáo”.
Lời hứa dang dở
Thời gian được điều trị và chăm sóc ở đây, mối quan hệ giữa các thuỷ thủ tàu Không số với bác sĩ Thuỳ Trâm trở nên gắn bó sâu nặng và thân thiết vô cùng. Một trong những thủy thủ của tàu 43 ngày ấy có ông Lưu Công Hào, nay đang sống ở Hải Phòng. Nhắc lại chuyện xưa, ông Hào xúc động nhớ lại kỉ niệm trong những ngày ông cùng đồng đội được điều trị ở bệnh xá của bác sĩ Đặng Thùy Trâm, cùng tham gia chiến đấu bảo vệ thương binh, bảo vệ bệnh xá do bác sĩ Thuỳ Trâm chỉ huy: “Có lần chị chỉ huy chúng tôi - toàn là thương binh chống lại cả một trận càn lớn của địch để bảo vệ căn cứ và những thương binh nặng”.
Ngày ấy, trong số anh em thuỷ thủ tàu 43, ông Hào là người ít tuổi nhất và bị thương nặng nên được chị Trâm dành cho sự “ưu tiên” hơn. Ngoài chuyện nhường cơm, sẻ áo, tận tình chăm sóc vết thương cho ông, bác sĩ Thùy Trâm còn nhận ông Hào là em kết nghĩa. Hai chị em còn hứa vui với nhau đến ngày giải phóng, về Hà Nội chị sẽ gả em gái Phương Trâm của mình cho ông Hào. Hai chị em thường ngồi tâm sự, hướng nỗi nhớ thương về miền Bắc thân yêu và nói về ngày mai thống nhất ở dưới tán cây phía sau bệnh xá… Cho đến sau ngày tạm biệt chị Đặng Thùy Trâm để vượt Trường Sơn trở lại miền Bắc nhận nhiệm vụ mới, ông Hào và bác sĩ Thùy Trâm vẫn thường liên lạc thư từ động viên nhau cho đến ngày chị Trâm hy sinh (22/6/1970).
Sau này khi đất nước thống nhất, nhớ thương người chị kết nghĩa sâu nặng ân tình, ông Hào đã một mình trở lại mảnh đất Ba Tơ khói lửa năm xưa, viếng mộ những đồng đội đã hy sinh, cảm ơn bà con ngày ấy đã cưu mang, đùm bọc những ngày gian khổ. Ông Lưu Công Hào cũng tìm đến tận nhà liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, thăm mẹ và các em của chị. Ấn tượng tốt đẹp và tình cảm của các chiến sĩ tàu Không số với người bác sĩ anh hùng ấy là vậy, còn tình cảm của chị đối với họ cũng thật sâu đậm.
Chị đã thể hiện tâm trạng, tình cảm với các thủy thủ tàu 43 trong nhật ký của mình qua những dòng trìu mến: “Vậy là chiều nay các anh lên đường, để lại cho mọi người một nỗi nhớ mênh mông giữa khu rừng vắng vẻ. Các anh đi rồi nhưng tất cả nơi đây còn ghi lại bóng dáng các anh: những con đường đi, những chiếc ghế ngồi chơi xinh đẹp, những câu thơ thắm thiết yêu thương. Nghe anh Tuấn ra lệnh: “Tất cả ba lô lên đường!”… mình khóc ròng đến nỗi không thể đáp lại lời chào của mọi người. Thôi! Các anh đi đi, hẹn một ngày gặp lại trên miền Bắc thân yêu.”
Người có tên là Tuấn mà chị nhắc ở trong đoạn trích trên chính là Chính trị viên của tàu 43, Trần Ngọc Tuấn. Ông Tuấn quê gốc ở Quảng Nam, nay đã ngoài 80 tuổi, sống cùng gia đình tại thành phố Nha Trang.
Một ngày đầu tháng 4-2021 (khi dịch Covid-19 chưa phức tạp), chúng tôi có dịp cùng các cựu chiến binh tàu Không số trở lại thăm chiến trường xưa, thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm tại Quảng Ngãi. Trong số những người đang công tác tại bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm hôm nay, cùng với những bác sĩ, y tá, điều dưỡng viên có tuổi đời rất trẻ, chúng tôi còn được gặp bà Tạ Thị Linh. Bà Linh chính là một trong những y sĩ của bệnh xá cùng công tác một thời với bác sĩ Đặng Thùy Trâm năm xưa. Nay dù cao tuổi nhưng bà Linh vẫn đề nghị với lãnh đạo bệnh xá để xin được làm việc tại phòng tưởng niệm của bệnh xá, để ngày ngày được thắp nén hương lên ban thờ của chị Trâm.
Chứng kiến và tham gia vào mọi hoạt động đón tiếp đoàn cựu chiến binh đoàn tàu Không số tại bệnh xá, lại được trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với các chứng nhân lịch sử một thời, anh Nguyễn Trung Trí - Điều dưỡng trưởng của bệnh xá không giấu được niềm xúc động và sự cảm phục của mình. Anh nói rằng, tấm gương hy sinh và sự hết mình vì nhân dân của chị Trâm và thế hệ cha anh đi trước sẽ là động lực thôi thúc đội ngũ cán bộ, nhân viên đang công tác tại bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm hôm nay nỗ lực phấn đấu làm hết sức mình vì người bệnh. Dù lời hẹn gặp lại đồng đội trên miền Bắc thân yêu của chị Trâm ngày nào đã không thể thành hiện thực, nhưng ước nguyện về cuộc sống hoà bình, khát vọng được cống hiến của chị vẫn luôn là động lực trong cuộc sống được nhiều thế hệ lưu giữ và thắp sáng.
MAI CHU ANH
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận