Những chiến binh trong lòng Biển Đông. Bài 3: Vượt 3 đại dương về Tổ quốc
VBĐVN.vn - Từ cuối năm 2013 tới đầu năm 2017, để đưa 6 tàu ngầm vượt 3 đại dương về Việt Nam an toàn, phải mất tới 270 ngày với tổng hải trình gần 100 nghìn hải lý. Sáng 3-4-2014, tại Quân cảng Cam Ranh, Quân chủng Hải quân tổ chức Lễ thượng cờ cấp quốc gia cho 2 tàu ngầm đầu tiên là 182 - Hà Nội và 183 - thành phố Hồ Chí Minh.
Thượng tá Nguyễn Văn Quán, Chính ủy Lữ đoàn 189 cho hay, tháng 12/2013, Kíp tàu ngầm số 1 và 2 hoàn thành chương trình khóa học trước thời hạn gần hai năm đã lên đường về nước chuẩn bị tiếp nhận hai tàu ngầm 182, 183 và huấn luyện chuyển giao công nghệ. Để đưa tàu ngầm về nước, mỗi lần chỉ một chiếc, phải qua hành trình dài 45 ngày vượt 3 đại dương. Tàu ngầm được chuyên chở bằng tàu Rolldock Sea của Hà Lan, đi cùng có 5 cán bộ, thủy thủ tàu ngầm có kiến thức, giỏi ngoại ngữ, thành tích xuất sắc nhất trong học tập. Công việc hàng ngày là quay cơ các trang bị kỹ thuật, thông gió vào các khoang, sơn sửa thân vỏ tàu…
“Mỗi thủy thủ tàu ngầm là một mắt xích. Chỉ cần một mắt xích rơi ra là ảnh hưởng tới sự an nguy của cả con tàu. Do đó, tinh thần kỷ luật của thủy thủ tàu ngầm phải rất cao và luôn cẩn trọng”. Thiếu tá NGUYỄN TRỌNG KHÔI
Lễ vượt đại dương trên Rolldock Sea
Bắt đầu xuất phát từ tỉnh Kaliningrad ở cực tây của nước Nga, tàu Rolldock Sea đưa chuyến hàng đầu tiên là tàu ngầm 182 - Hà Nội hành trình trên biển Ban Tích qua eo biển giữa hai nước Anh và Đức trên Đại Tây Dương. Sau đó, cập cảng tại đảo Canaria thuộc Tây Ban Nha trong 3 ngày để tiếp nhiên liệu. Hành trình tiếp theo là vượt Đại Tây Dương vòng qua mũi Hảo Vọng của Nam Phi vào biển Ấn Độ Dương, đi qua eo biển Malacca rồi neo tại cảng Changi của Singapore. Sau khi tiếp nhiên liệu và thực phẩm, Rolldock Sea rời cảng Changi tiến vào Biển Đông đi về Việt Nam. Tổng cộng hải trình của chuyến đi khoảng 16 nghìn hải lý.
“Đầu xuôi đuôi lọt”, dù sau đó có một vài bất lợi về điều kiện thời tiết, mặt nước bị đóng băng, 5 tàu ngầm mang tên TPHCM, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu đã lần lượt cập Quân cảng Cam Ranh an toàn, trong sự chờ đón náo nức của quân dân cả nước.
“Trong quá trình vận chuyển tàu ngầm, thuyền trưởng tàu Rolldock Sea đã tổ chức Lễ vượt đại dương và cấp huy hiệu cho những ai lần đầu vượt đại dương đó. Đây là một kỷ niệm khó quên của chúng tôi... 45 ngày hành trình là 45 ngày mong chờ, hồi hộp để đưa tàu ngầm về với Tổ quốc Việt Nam thân yêu”, Thượng tá Nguyễn Văn Quán nói.
Đại tá Vũ Quang Việt, Phó Lữ đoàn trưởng chia sẻ thêm, song song với quá trình huấn luyện các kíp tàu ngầm tại Nga thì ở Việt Nam, cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia Nga, việc xây dựng doanh trại, cơ sở bờ để chuẩn bị cho quá trình tiếp nhận tàu ngầm cũng gấp rút được chuẩn bị. Chỉ trong thời gian hơn một năm, hệ thống doanh trại, cầu cảng, các trạm bảo đảm năng lượng, trạm sửa chữa tổng hợp, trung tâm huấn luyện, các kho... đã nhanh chóng hoàn thành.
“Kíp học viên cơ quan, trung tâm huấn luyện sau khi về nước đã nhanh chóng biên dịch tài liệu, xây dựng các văn kiện, kế hoạch, hướng công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo sau khi tàu về nước có thể hoạt động ngay”, Đại tá Vũ Quang Việt nói.
Từng bước làm chủ tàu ngầm
Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào ngày 20-6-2011 - ngày truyền thống của Lữ đoàn tàu ngầm 189, Lữ đoàn được biên chế đầy đủ các phòng chức năng, các kíp tàu ngầm và cơ sở bờ bảo đảm vũ khí trang bị kỹ thuật, hậu cần cho hoạt động của tàu ngầm.
Hồi tưởng lại những ngày tiếp nhận con tàu đầu tiên, Thiếu tá Nguyễn Trọng Khôi, Thuyền trưởng Tàu ngầm 182 - Hà Nội không giấu nổi cảm xúc bồi hồi. Anh cho biết, Tàu 182 là tàu “đi trước - mở đường” nên gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Tất cả đều mới, chưa có kinh nghiệm nên cán bộ, thủy thủ tàu xác định phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của cấp trên và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Đồng thời tích cực, chủ động bám nắm chuyên gia Nga “vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, hạn chế tối đa các sai sót không đáng có.
Khi tàu mới về, các công việc được đặt ra rất nhiều như bảo quản, bảo dưỡng, sắp xếp, bố trí thiết bị kỹ thuật trong tàu, hệ thống dây điện bờ và dây buộc tàu… Đặc biệt là huấn luyện làm chủ tàu ngầm. Các thủy thủ Việt Nam theo các chuyên ngành được học của mình, nhanh chóng Việt hóa các trang bị. Mỗi thủy thủ đều in cho mình một tập sơ đồ khối, sơ đồ nguyên lý, luôn mang theo khi làm việc. Họ đi dò từng đường ống, từng chiếc van để khai thác sâu, tìm hiểu kỹ trang bị. Lúc đó thực sự tàu mới là của chúng ta.
“Chúng tôi thường xuyên tổ chức hội thảo, hội báo chiến thuật, học tập nhóm theo chuyên ngành dưới tàu ngầm. Chỉ huy tàu giao nhiệm vụ cụ thể cho từng vị trí chiến đấu học tập, nghiên cứu. Buổi tối, trưởng ngành tổ chức họp ngành (trên tàu có 5 ngành) để trao đổi kinh nghiệm và đề xuất phương án học tập hiệu quả hơn”, Thiếu tá Nguyễn Trọng Khôi chia sẻ.
Với ý chí quyết tâm rất cao, cán bộ, thủy thủ Lữ đoàn tàu ngầm 189 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiếp nhận, huấn luyện chuyển giao, làm chủ tàu ngầm trước 6 tháng so với kế hoạch và đưa tàu ngầm vào đội hình chiến đấu của Quân chủng Hải quân. Cả kíp tàu được chuyên gia Nga đánh giá đủ điều kiện độc lập khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật và kết thúc huấn luyện chuyển giao. Ghi nhận những nỗ lực vượt bậc này, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân đã biểu dương, khen thưởng.
Tháng 5-2016, khi tới thăm và kiểm tra tại Lữ đoàn tàu ngầm 189, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy T.Ư Nguyễn Phú Trọng căn dặn: “Cán bộ, thủy thủ Lữ đoàn luôn phải nâng cao bản lĩnh chính trị, làm chủ tàu ngầm, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại; ra sức học tập, rèn luyện, xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh; thuần thục các phương án tác chiến; sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trước mọi kẻ thù, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng, 4 tháng sau khi chiếc tàu ngầm đầu tiên về nước, tháng 5/2013, tại Căn cứ quân sự Cam Ranh, Quân chủng Hải quân tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189 và đón nhận Quân kỳ Quyết thắng. Tham dự sự kiện đánh dấu việc Việt Nam chính thức sở hữu, làm chủ “hố đen đại dương” Kilo 636 có mặt gần 200 cán bộ, chiến sĩ. Đây là những người đầu tiên đặt nền móng xây dựng và trưởng thành của Lữ đoàn.
(Hết)
Thu Thảo (theo tienphong.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận