Những cọc mốc chủ quyền đầu tiên ở Hoàng Sa

18:24 18-12-2019

Hoàng Sa là đảo lớn của nước ta, thuộc huyện đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng, Việt Nam. Chúng ta có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền của nước ta đối với quần đảo này từ thời cổ. Cha ông ta đã khai thác sản vật, đánh cá ở vùng quần đảo này từ lâu đời. Thư tịch cổ sớm nhất ghi chép về việc đội Hoàng Sa đi ra đảo này bị gió dạt vào Quỳnh Châu năm 1754 (thời vua Lê Hiển Tông) còn chép lại. Đến thời Nguyễn, các vua Nguyễn như Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức đã tăng cường điều binh lính và ngư dân ra thực hiện hoạt động chủ quyền và khai thác Hoàng Sa.

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải ở Lý Sơn. Ảnh: Trịnh Sinh

Những chuyến đi ra đảo Hoàng Sa đều có lệnh vua hay lệnh của quan đầu tỉnh và được ghi chép kỹ càng trong bộ sử của nhà Nguyễn có tên là “Đại Nam thực lục”. Những tờ chiếu chỉ, lệnh chỉ được lưu trữ lại cho đến tận ngày nay được gọi là Châu bản thời Nguyễn, có giá trị lớn về mặt sử liệu và pháp lý.

Trong kho Châu bản này còn ghi lại việc cắm những chiếc mốc chủ quyền đầu tiên của nước ta mà còn ít người được biết tường tận. Đó là Châu bản ghi ngày 12 tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) của Bộ Công trình lên vua Minh Mạng. Hiện nay, Châu bản này đang lưu trữ tại Ủy ban Biên giới quốc gia. Nguyên văn bằng chữ Hán và được dịch nghĩa như sau:

“Bộ Công phúc trình: Nay tiếp nhận công văn của Nội các vâng mệnh giao cho Bộ thần, có Châu phê: Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền được mang 10 cọc gỗ (mỗi cọc dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc) khắc sâu dòng chữ to: Minh Mệnh thập thất niên (năm Minh Mệnh thứ 17). Năm Bính Thân, các viên cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân lệnh.

Lần này, viên Chánh đội Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật, giờ Mão hôm trước đã đi thuyền từ cửa Thuận An đến tỉnh Quảng Ngãi. Bộ thần xin chuẩn bị số cọc gỗ theo số lượng, gửi thư khẩn cho tỉnh Quảng Ngãi, chuyển ngay cho viên này. Vậy xin phúc trình”. Trong văn bản còn lưu chữ viết của vua Minh Mạng quy định độ dài, độ rộng, độ dày bên cạnh chữ mộc bài và dòng chữ: Mỗ thuyền đáo hà xứ tức thụ mộc vi chí (thuyền nào đến chỗ này lập tức dựng cọc làm mốc).

Phạm Hữu Nhật đã hoàn thành việc cắm mốc chủ quyền của nhà Nguyễn trên đảo Hoàng Sa. Đây là cọc mốc chủ quyền đầu tiên của nước Đại Nam (tên gọi nước ta thời bấy giờ). Mặc dù cọc chủ quyền bằng gỗ tốt, vẫn bị hủy hoại theo thời gian, nhưng Châu bản triều Nguyễn vẫn còn lưu trữ cho đến tận ngày nay đã là một chứng cứ lịch sử rõ rệt đề cập đến việc xác lập chủ quyền trên đảo Hoàng Sa mà không ai có thể chối cãi được.

Cũng cần nói thêm đôi chút: Phạm Hữu Nhật chính là con em của đảo Lý Sơn (ở thôn Đông, xã An Vĩnh). Mỗi lần ra Hoàng Sa, Phạm Hữu Nhật dẫn đầu từ 5 đến 6 chiếc thuyền với khoảng 10 người trên mỗi thuyền. Năm 1854, Phạm Hữu Nhật mất tích trên biển. Sau đó, gia đình và họ tộc đã an táng ông bằng một nấm mộ chiêu hồn (còn gọi là mộ gió) ngay tại quê hương. Linh vị của ông luôn hiện diện trong các miếu thờ lính Hoàng Sa cũng như tại lễ khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra vào ngày 20 tháng 2 âm lịch hàng năm. Tên của ông được Nhà nước đặt cho một hòn đảo trong nhóm Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Châu bản triều Nguyễn nói về vua Minh Mạng sai cắm mốc chủ quyền và Cọc mốc chủ quyền do Phạm Hữu Nhật đóng tại Hoàng Sa, năm 1836 được phục chế, trưng bày trên đảo Lý Sơn. Ảnh: Trịnh Sinh

Song song với việc cắm mốc chủ quyền, vua Minh Mạng còn cho xây miếu và lập bia chủ quyền. Năm 1833, ông đã bảo Bộ Công chuẩn bị cử người tới Hoàng Sa để dựng miếu, lập bia và trồng nhiều cây cối, để đến ngày sau, cây cối to lớn xanh tốt, thuyền bè dễ nhận biết, tránh mắc cạn. Đó là việc lợi muôn đời. Sau đó hai năm, mùa hè năm 1835, công việc dựng đền thờ thần được tiến hành ở trên một cồn cát, cây cối xanh tốt, giữa cồn lại có giếng, phía Tây Nam có miếu cổ, có tấm bài khắc chữ “Vạn lý ba bình” (vạn dặm sóng êm). Lính thợ của triều đình và phu thuyền xây ngôi miếu mới một gian, cách tòa miếu cũ 7 trượng. Bên trái miếu dựng tấm bia đá (cao 1 thước 5 tấc, bề mặt 1 thước 3 tấc), phía trước miếu xây bình phong.

Việc xây đền miếu ở Hoàng Sa cũng là một truyền thống của người Việt mỗi lần đến khai khẩn vùng biển đảo. Đó là sự khẳng định chủ quyền về cả mặt tâm linh. Người Việt đi đến đâu cũng cần có cuộc sống tâm linh đến đó. Xây đền miếu để thờ thần linh phù hộ cho mình. Đất nào thuộc cương thổ Đại Nam cũng cần có thần thánh phù hộ. Ngược lại, nơi nào có đền miếu của người Việt thì chính là mảnh đất đánh dấu sự khai thác và chủ quyền của họ.

Những chứng cớ về cọc mốc chủ quyền, Châu bản, đền miếu và bia đá đã chứng minh tầm nhìn chiến lược của vua Minh Mạng. Ông đã có công mở rộng địa giới nước ta cơ bản lớn rộng như ngày nay, khẳng định chủ quyền cả một vùng Biển Đông rộng lớn, trong đó có Hoàng Sa.

Nguồn:bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang