Những con chim biển đồng hành
VBĐVN.vn - Tàu cá KH98888TS đã mắc cạn sang ngày thứ ba. Sóng to, gió lớn khiến tàu bị cày neo, mắc vào ghềnh đá, vỡ đáy. Nếu không cứu kéo kịp thời, sóng lớn sẽ đánh vỡ tan cả con tàu, cơ nghiệp gần cả chục tỷ đồng của ngư dân cũng sẽ trôi theo sóng biển. Lần cứu hộ này, như bao lần đã tham gia cứu hộ khác, có mặt của nhiều ngư dân lão luyện đất Khánh Hòa, như ông Cao Văn Thơ, anh Lê Tuấn Hiệp…
Hải điểu vượt sóng
Đêm 29-11-2020, tàu cá mang số hiệu KH98888TS do ông Nguyễn Thuận (SN 1978, trú tại Bình Tân, phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) làm chủ cùng sáu thuyền viên đang neo đậu tại khu vực biển Bãi Tiên, phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang đã gặp sự cố. Cuộc giải cứu diễn ra trong thời tiết sóng lớn cuối năm, thủy triều lên cao về đêm. Tàu cá mắc cạn trong địa hình hẹp và luồng nước xoáy, tàu to máy lớn đều không thể sử dụng để cứu kéo. Ngoài sự tham gia của các lực lượng chức năng, hành trình giải cứu tàu cá KH98888TS còn có sự góp mặt của những ngư dân giàu kinh nghiệm thành phố Nha Trang. Lúc này, ông Cao Văn Thơ (Hai Thơ) cũng vừa trở về nhà sau khi tham gia hướng dẫn cứu tàu cá mắc cạn, nhưng nghe tin có thêm một tàu cá cần sự giúp đỡ, ông lại lập tức ra khơi. Cuộc giải cứu thành công sau nhiều giờ vật lộn.
Ở trên vùng biển này, có bao nhiêu con tàu đã được cứu như vậy, bởi những con tàu cứu nạn, lúc nào cũng sẵn sàng từ các vị trí gần nhất.
Năm 2019, ông Hai Thơ vay vốn từ chương trình hỗ trợ đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản đóng con tàu 1200CV bằng chất liệu composite - con tàu composite lớn nhất tỉnh. Ông Thơ đặt tên con tàu là Hải Điểu, nghĩa là chim biển, giang cánh bay về phía Hoàng Sa, Trường Sa. Con tàu này là niềm tự hào to lớn của ông, ông cũng gửi gắm vào đây biết bao hy vọng. Tàu to, máy lớn, đối với ông Thơ không chỉ là để có thể chớp lấy mọi cơ hội để đánh bắt thắng lợi, hơn thế, nó còn có thể vững vàng trước sóng gió, để cứu hộ, cứu nạn những ngư dân gặp nạn kịp thời nhất.
“Tôi đặt con tàu này, rồi chỉnh sửa lại thiết kế một năm rưỡi mới hoàn thành. 40 năm đi biển, 20 năm mới được làm chủ tàu của mình. Giờ giúp được ai là mình giúp. Cũng không biết từ bao giờ mà định hình thành tên tuổi của mình, mình cũng không biết luôn”, ông Hai Thơ giải thích cho việc người ta gọi ông là “sói biển”. Từng trải qua không ít lần sóng gió, từng được cứu khi đang lênh đênh giữa lằn ranh sống chết trên biển, ông Thơ hiểu sự kịp thời của công tác cứu hộ. Ông không đặt vấn đề được mất, chỉ cần có ai gọi là tàu lập tức thẳng tiến. Điện thoại của ông Hai Thơ lúc nào cũng ở tình trạng sẵn sàng nhận cuộc gọi, để ai cần gọi là được ngay. Từ dạo có tàu, ông càng ít ở bờ. Gần 60 tuổi, ông vẫn đi biển cùng anh em bạn thuyền. Những ngày biển động, nước lạnh, ít cá, ông mới về cùng tàu, tranh thủ sửa sang, bảo dưỡng lại máy móc, tới khi biển ấm, sóng êm, thì ông lại cùng tàu ra khơi. “Đi biển 40 năm, trải qua đủ cả, mình ở vị trí đó mình cũng mong có người tới cứu giúp mình. Quan trọng nhất là người ở gần, chứ chờ thì đâu được. Tôi có thể khẳng định vượt được sóng cấp 9, cấp 10, có mặt khi bà con cần”, con sói biển đất Khánh Hòa nhắc lại. Có tàu sẵn sàng ngoài biển, lúc không thể liên lạc trực tiếp qua điện thoại, tàu có thể dùng hệ thống điện thoại định vị để liên lạc với các con tàu gặp sự cố. Chẳng biết từ bao giờ, hễ có tàu cá gặp tai nạn hay sự cố trên biển gần khu vực biển Khánh Hòa, thì người ta lại gọi ngay cho ông Hai Thơ.
Giữa biển cả bao la, sự có mặt, ứng cứu kịp thời là điều tiên quyết để bảo toàn tính mạng và sau đó, là tài sản của ngư dân. Với những ai đã trải qua sóng gió, đối mặt với sống - chết trên biển cả, càng hiểu rõ điều ấy.
Còn sức khỏe còn ra khơi
Ngày 1-1-2021, ông Hai Thơ chính thức ra mắt một tổ tàu thuyền mang tên Hỗ trợ ngư dân trên biển, gồm bốn chiếc tàu của gia đình ông: hai chiếc tàu composite và hai chiếc tàu vỏ gỗ, sẵn sàng trục vớt, lai dắt, vận chuyển các trang thiết bị khi ngư dân gặp sự cố, hỗ trợ bà con với khả năng cao nhất. Nhưng trên biển cả mênh mông, không chỉ có mình ông Hai Thơ. Anh Lê Tuấn Hiệp có ba chiếc tàu đánh bắt khơi xa, cũng là một gương mặt luôn sẵn sàng hỗ trợ bà con trên biển: “Tôi và anh Hai đây tâm niệm cứu người là quan trọng nhất. Ở biển cả, cứu gấp gáp là phải tới ngay, không có nghĩ gì cả”, anh Hiệp nói. Ông Trần Ấp, chủ tàu KH92447TS kể lại năm ngoái, tàu ông va phải đá ngầm khi đánh cá ngoài khơi Cam Ranh, tưởng như phải bỏ tàu: “Tàu đi cùng cũng ra cứu, nhưng tàu nhỏ không cứu được. Ở đây người ta nói chỉ có ông Thơ, ông Hiệp là trục vớt được”. Cũng nhờ đội tàu cứu nạn của ông Hai Thơ và anh Hiệp mà ông lai dắt thành công tàu về bờ để sửa chữa, để lại tiếp tục ra khơi.
Ông Võ Văn Kiện - chủ tàu cá KH9881TS, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cũng nhớ lại: “Ghe tôi đi biển bán cá ở đây, đậu ở Cầu Bóng. Bữa cơn bão nó vô thình lình quá, biết trước rồi, bà con cũng xếp ghe đồ, mà vô đây nó táng nó giật chìm ghe. Gia đình cũng hoang mang, nhưng tôi biết, nhờ chú Hai. Mà khi ổng đã giúp là ổng giúp tới hoàn thành. Ổng nói nhiều người nghe. Thí dụ ổng không có ba lăng, ổng nhờ người ta được, lời ổng nói có trọng lượng. Mình đi biển xa, cũng phải biết chút ít, nhưng không bằng ổng được. Tôi gửi ổng chục triệu mà ổng không có nhận”.
Ông Hai Thơ có thói quen ghi lại nhật ký mỗi chuyến đi biển. Những cuốn nhật ký ấy lưu giữ niềm vui, hy vọng và cả những nỗi buồn, những khoảnh khắc đối mặt sống - chết của ông và bạn thuyền đã trải qua. Lướt vài trang nhật ký, mới thấy cuộc đời của một ngư dân quanh năm bám biển đong đếm những thăng trầm tính bằng khoảnh khắc. Có lẽ chính từ chung những cảm nhận ấy mà ông Thơ, anh Hiệp đã gặp nhau, rồi cùng nhau hết sức mình hỗ trợ, giúp đỡ những ngư dân gặp nạn, cùng động viên nhau vượt qua những khó khăn, những lo âu khác. Họ đều là những ngư dân sóng gió nhiều năm, nếm trải đủ cảm giác giữa lằn ranh sống chết, cả nỗi mong chờ một con tàu nào xuất hiện cứu mình. Thế nên, họ gặp nhau một cách tự nhiên, và không cần phải nói nhiều, họ đồng hành trong những chuyến cứu nạn vật lộn ngoài khơi sóng.
Người ta bảo ông Thơ là ngư dân lão luyện, nhưng trông ông lúc nào cũng giống một nghệ sĩ phong trần. Ông Thơ có một tâm hồn nghệ sĩ thật. Ngoài những tấm giấy khen, bằng khen, ông Thơ treo nhiều ảnh biển đảo của Tổ quốc, cùng cả những câu thơ do chính ông viết. Ở trên Hải Điểu, mới thấy người ngư dân này yêu biển đảo quê hương đến thế nào: “Biển đảo mình đẹp vô cùng, đi tới gần là thấy thiêng liêng. Đi qua đảo nào là muốn ghé vô đảo đó”.
“Mình tự hứa với lòng mình, còn sức khỏe, mình còn ra khơi”, ông Thơ bảo. Như chiều nay, ông Thơ, anh Hiệp, và những ngư dân khác, lại nổ máy đưa tàu vượt sóng. Bởi vì, như họ nói “Chúng tôi là ngư dân”.
Vương Dự (nhandan.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận