Những "công viên xanh" ở Trường Sa

13:00 13-12-2019

Đây là lần thứ hai tôi được ra Trường Sa sau hơn 10 năm. Điều khiến tôi hết sức ấn tượng trong chuyến đi lần này là ở hầu hết các đảo, nhà giàn giờ như một “công viên” thu nhỏ, bạt ngàn màu xanh, rực rỡ sắc hoa, rộn ràng âm thanh của chim muông, gia súc, gia cầm. Đảo đầu tiên chúng tôi đến trong chuyến đi là Song Tử Tây. Lên đến cầu cảng, tôi ngỡ ngàng khi bắt gặp những rặng hoa giấy tím thẫm bung nở giữa cái nắng gay gắt đầu hè. Những rặng hoa mà có lẽ ở đất liền cũng không được thắm sắc và đẹp tươi đến vậy. Thấy tôi đứng lặng trước rặng hoa, Trung tá Đậu Đình Dân, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cười tươi, bảo: “Có lẽ cây hoa giấy hợp với điều kiện khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng nơi đây hoặc cũng có thể cây “thương” anh em bộ đội vất vả nên đã sinh trưởng, nở hoa để người lính có thêm bầu bạn, thêm lạc quan, phấn khởi, yên tâm công tác, xua đi nỗi nhớ nhà”.

Vườn rau xanh trên đảo chìm Cô Lin.

Tôi biết anh Dân đùa vậy cho vui, còn để có được những rặng hoa giấy rực rỡ kia, biết bao công sức, mồ hôi của bộ đội đã đổ xuống. Sau đó, đến các đảo nổi, tôi đều bắt gặp những rặng hoa giấy như vậy. Không chỉ có hoa giấy, nhiều đảo còn treo cả những dò phong lan rừng với nhiều loại, giống rất quý. Đến đảo chìm Tốc Tan B, ở cầu thang lên xuống của tòa nhà, những dò phong lan bắt mắt được bộ đội treo ngay trên các tay vịn. “Mỗi lần lên xuống cầu thang, nhìn thấy phong lan, em lại thấy lòng nhẹ nhàng, thư thái hơn, nỗi nhớ nhà, đất liền cũng vơi bớt anh ạ!”, Trung sĩ Nguyễn Cao Trung, 21 tuổi, quê Bình Dương, vừa lấy chiếc bình xịt nhẹ những tia nước li ti lên dò phong lan, vừa chia sẻ chân thành.

Ngoài sắc màu của hoa, màu xanh của những luống, chậu rau trên các đảo nổi, đảo chìm, nhà giàn cũng là hình ảnh gây ấn tượng đặc biệt đối với tôi và các thành viên trong đoàn công tác. Việc bộ đội Trường Sa trồng rau xanh ở nơi chơi vơi giữa biển không còn lạ với nhiều người. Nhưng có điều ít người biết, hiện việc trồng rau của lính đảo đã được “nâng cấp”, với phương thức canh tác và kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cao hơn. Bằng bàn tay, khối óc của lính đảo, cùng sự quan tâm, đầu tư của các cấp, những khu trồng rau được xây dựng kiên cố bằng nhà kính, có lưới che được mọc lên trên khắp các đảo. Trong các vườn có đầy đủ những loại: Rau cải, rau dền, mồng tơi, muống cạn… Ở đảo chìm Cô Lin, dù diện tích khu nhà rất chật, anh em vẫn tận dụng từng chút không gian để quây, thiết kế khu vườn trồng rau gia vị. Nhìn vườn rau gia vị có đầy đủ các loại: Xương xông, lá lốt, húng, mùi, đinh lăng, xả, hành tây, ớt… tôi cảm giác như mình đang đứng ở một đơn vị trong đất liền.

Đến thăm, kiểm tra đảo Trường Sa, Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần) không giấu nổi cảm xúc khi nhìn thấy vườn thuốc Nam mà những người thầy thuốc quân y bệnh xá đảo chung tay trồng. Anh trầm giọng chia sẻ: “Ở ngoài này mà anh em vẫn trồng được vườn thuốc Nam, với nhiều cây dược liệu quý, quả thực là rất đáng khâm phục. Vườn thuốc không chỉ tăng thêm màu xanh cho đảo mà còn giúp ích rất nhiều đối với công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội, nhất là ở nơi tách biệt với đất liền. Quan trọng hơn nữa, điều đó thể hiện tinh thần chủ động, tự giác, ý thức trách nhiệm, vượt mọi khó khăn rất cao của anh em nơi đây”.

Trên đảo Nam Yết, tôi gặp anh Đàm Văn Khôi, quê Hải Phòng, Trạm trưởng Trạm hải đăng. Anh dẫn tôi đi thăm vườn rau được che chắn kín đáo, ngay ở gần cửa ra vào trạm rồi tâm tình: “Thấy bộ đội trên đảo tăng gia, chăn nuôi “mạnh” quá, tôi và anh em ở trạm cũng học theo. Ban đầu còn bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm nên rau bị chết nhiều lắm. Sau được anh em bộ đội hướng dẫn, giúp đỡ, những vườn rau của trạm đã ngày càng tươi xanh. Tôi gắn bó với Trường Sa đã 23 năm, đi qua 8 đảo nổi, tiếp xúc với rất nhiều cán bộ, chiến sĩ trên đảo, bản lĩnh, nghị lực, sự sáng tạo, tâm huyết của họ giúp tôi thêm vững vàng về tư tưởng, yên tâm công tác hơn”.

Đến thăm nhà giàn DK1-19 Quế Đường B, chúng tôi được Trung úy QNCN Hoàng Ngọc Phương, nhân viên thông tin, người phụ trách khu tăng gia sản xuất với gương mặt sạm đen vì nắng gió, phấn khởi tiết lộ: “Bây giờ hầu như ngày nào bộ đội cũng được ăn rau xanh. Dịp nào khó khăn lắm cũng có rau nấu canh phục vụ bữa ăn của anh em. Còn những tháng thời tiết thuận lợi, anh em được ăn rau luộc, rau xào. Ngoài ra, chuồng nuôi của chúng tôi còn có cả lợn, vịt, gà. Cộng với cá bộ đội tự câu, hầu như bữa ăn nào cũng có đồ tươi, không còn điệp khúc “đồ hộp” như trước đây nữa”. Tiếng cười giòn tan của Phương khi “khoe” với tôi khiến đàn gà, vịt, lợn trong chuồng giật mình, đồng thanh lên tiếng. Những âm thanh vui nhộn như được nghe từ đất liền. Nghe giàn “hợp âm” ấy, tôi bất chợt nhớ đàn bò mà mình gặp khi đặt chân lên đảo Song Tử Tây, trong đó có một chú bê vừa chào đời trên đảo đang lẫm chẫm bước theo bò mẹ. Những âm thanh, hình ảnh tưởng như rất đỗi bình dị, thân quen ấy đã khẳng định thêm rằng, với bản lĩnh, nghị lực của mình cùng sự chung tay của cả nước, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo sẽ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng quần đảo Trường Sa ngày càng giàu mạnh, phát triển.

Theo VĂN CHIỂN (QĐND)

 

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang