Những người hết lòng với biển

08:46 25-09-2023

VBĐVN.vn - Tam Tiến là xã bãi ngang của huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Tam Tiến không chỉ có bờ biển dài, có rạn san hô Bà Đậu với hệ sinh thái biển đa dạng, có chợ cá nhộn nhịp, tấp nập thuyền, ghe với các loài hải sản tươi roi rói… Tam Tiến còn có những người con hết lòng vì biển.

Các em học sinh thích thú khi được tham quan và tự tạo hình các sản phẩm từ vỏ sò tại quán cà phê Thiên Đình

Chúng tôi đến làng chài Hà Lộc, xã Tam Tiến theo lời mời của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng (MCD) trong cái nắng oi bức của ngày hè tháng 8. Nhưng khi vừa đến nơi, những căng thẳng mệt mỏi bỗng như tan biến bởi không gian xanh mát, nổi bật với giàn hoa giấy rực rỡ sắc đỏ, trắng, hồng cùng hàng dừa xanh, rặng phi lao rì rào trong gió biển. Đón chúng tôi là một nam thanh niên với nước da đen nhẻm, đầu trần, chân đất và nụ cười tỏa nắng. Anh là Võ Hồng Rôn - sinh năm 1992 - người khởi xướng mô hình du lịch cộng đồng đã và đang đem lại hiệu quả tích cực.

Trò chuyện cùng Rôn, tôi được biết, sau bao năm tha hương làm thuê, làm mướn ở Vũng Tàu, năm 2019, anh trở về quê góp vốn cùng bạn bè để đóng tàu đi khai thác thủy sản ven bờ. Tuy nhiên, thấy nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt do con người khai thác không chọn lọc, anh quyết định bỏ nghề chuyển sang làm du lịch.

Rôn đã khéo léo vận dụng và phát huy những giá trị văn hóa địa phương, lợi thế về điều kiện tự nhiên như chợ cá Tam Tiến, bãi biển thơ mộng, con người hiền hòa, mến khách với văn hóa làng biển... để làm du lịch. Tuy nhiên, Rôn không làm một mình mà giúp người dân cùng làm. Ngoài cơ sở đầu tiên - “Cá Voi xanh”, Rôn đã vận động bà con có những ngôi nhà bỏ trống không sử dụng, cải tạo, sửa chữa lại thành các homestay cho khách lưu trú. Hiện, có 5 homestay như vậy được Rôn đứng ra quản lý và vận hành, lợi nhuận được Rôn chia đều cho bà con.

Nói về Rôn, người dân nơi đây đều dành cho anh một tình cảm thân thiện. Anh Trần Văn Sáu - ngư dân địa phương cho biết: “Ở Tam Tiến này, Rôn là một người rất uy tín, nếu phát hiện ngư dân đánh bắt được tôm hùm mẹ mang trứng hay phát hiện rùa biển vướng lưới, anh đều mua lại để thả về tự nhiên. Anh thường xuyên tổ chức thu gom rác ngoài bãi biển, vận động bà con chung tay bảo vệ môi trường. Khách đến với tour du lịch chèo sụp vớt rác của Rôn sẽ được trải nghiệm dịch vụ miễn phí. Bà con ở đây ai cũng tin tưởng và yêu quý Rôn”.

Các em nhỏ được trải nghiệm nhiều hoạt động.

Ghé thăm các homestay đơn sơ, mộc mạc ở làng chài, chúng tôi thấy vô cùng thú vị. Bộ cửa của ngôi nhà và những chiếc ghế xích đu giản dị được tận dụng từ xác một con tàu giã cào; Hàng rào làm bằng tre, dây thừng… dạt vào từ biển được tô điểm bởi những chuồng chim sắc màu nho nhỏ, xinh xinh và cả mô hình con tàu được đóng từ gỗ pallet.

Chỉ tay vào ngôi nhà được làm hoàn toàn từ rác tái chế (gỗ bao bì được mua lại giá rẻ từ công ty ô tô Trường Hải), anh Vũ Thành Viên - chủ nhân của những mô hình sáng tạo này kể rằng, ý tưởng này có từ rất lâu, khoảng vào năm 1997, anh học ở Hà Nội và xuống cảng Hải Phòng để làm thêm, nhìn thấy nhiều loại gỗ pallet, gỗ bao bì… nên anh nảy ra ý định, sau này, nếu có điều kiện sẽ thu gom tái chế những loại bao bì này thành những vật hữu dụng. Sau này khi làm việc cùng Coca-Cola, Gỗ Trường Thành, Gỗ Khải Vy… các công ty này rất chú trọng về vấn đề tái chế và bảo vệ môi trường nên anh quyết tâm thực hiện.

Năm 2019, anh Viên về quê lập xưởng sản xuất đồ gỗ, chỉ sử dụng gỗ tái chế và các loại gỗ từ rừng trồng với mong muốn lan tỏa đến các tổ chức, du khách, các bạn trẻ thông điệp giữ rừng thông qua việc tái chế, giảm tối thiểu gỗ thải ra môi trường. Khi tư vấn cho chủ đầu tư, anh luôn tư vấn về những sản phẩm được tái chế, việc tư vấn này ban đầu rất khó khăn nhưng nay có nhiều đơn vị hưởng ứng. Định hướng sắp tới, anh sẽ xây dựng các ngôi nhà, khu vui chơi, nghỉ dưỡng mà không can thiệp sâu vào tự nhiên, ưu tiên hàng đầu vào việc sử dụng các sản phẩm được sản xuất từ vật liệu tái chế.

Đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi chúng tôi được Rôn dẫn đến quán cà phê Thiên Đình. Khác với những quán cà phê thông thường, ở đây bày biện rất nhiều sản phẩm độc đáo được lắp ghép từ những vỏ sò, vỏ ốc. Anh Võ Cao Đỉnh - chủ nhân quán cà phê và là tác giả của những sản phẩm kể trên vừa pha nước mời mọi người vừa vui vẻ trò chuyện. Ban đầu, anh cùng con nhặt nhạnh những vỏ sò trên bãi biển để bảo vệ môi trường biển, đồng thời chế tác nên những sản phẩm hình thù con vật để cho con chơi. Dần dà, anh đam mê với việc sưu tầm vỏ ốc, vỏ sò từ khi nào không hay. Du khách đến đây vừa được thưởng thức cà phê, vừa được chiêm ngưỡng những tác phẩm được làm từ sò, ốc và còn có thể mua về làm quà cho người thân.

Một góc rạn Bà Đậu (xã Tam Tiến).

Quán cà phê Thiên Đình còn kết nối với các trung tâm giáo dục, đưa các em học sinh đến tham quan và tự tay làm ra những tác phẩm từ vỏ sò, vỏ ốc. Hoạt động này không những tạo sân chơi bổ ích cho các em nhỏ, hơn thế nữa còn giáo dục các em về ý thức bảo vệ môi trường, biết trân quý, sáng tạo, tận dụng những thứ bỏ đi để tạo thành những sản phẩm ý nghĩa và giá trị.

Cả 3 thanh niên ấy, họ đều là những người được học hành tử tế, năng động, tìm tòi hướng đi, cách làm để trở về và phát triển tại chính quê hương mình… Dịch vụ lưu trú homestay còn sơ khai nhưng luôn kín khách; Quán cà phê trải nghiệm đời sống sinh vật biển; Những ngôi nhà gỗ, homestay thân thiện với môi trường, điểm chung của những mô hình này là đều do những thành viên trẻ làm nòng cốt - những ngọn hải đăng của cộng đồng với các sáng kiến bảo vệ hơn 64ha rạn san hô Bà Đậu mới được giao quyền cho tổ cộng đồng thực hiện phương án quản lý theo tinh thần Luật Thủy sản năm 2017.

Ông Nguyễn Xuân Uy - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, Trưởng ban đại diện của Tổ cộng đồng cho biết, được sự hỗ trợ của MCD, Tổ cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản rạn Bà Đậu (xã Tam Tiến) ra đời vào cuối tháng 10/2022. Hiện Tổ có 42 thành viên với mục tiêu bảo tồn rạn san hô, phát triển sinh kế cho cộng đồng ngư dân địa phương. Thời gian qua, Tổ đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, tuần tra giám sát khu vực biển được giao, quan trắc đánh giá rạn san hô, thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản… Đặc biệt, du lịch cộng đồng là một hướng đi phù hợp mà Tổ cộng đồng đang hướng tới, vừa tạo thêm thu nhập cho bà con, vừa góp phần gìn giữ được nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường, giữ được vẻ đẹp tự nhiên của làng chài Hà Lộc, Tam Tiến.

Hiện tại, mỗi tuần sẽ có từ 2 - 4 nhóm khách nước ngoài từ thành phố Hội An du lịch vào Tam Tiến. Đến với làng chài, du khách không chỉ được thưởng thức hải sản tươi ngon, trải nghiệm ngủ lều trên bãi biển, mà còn cảm nhận được cái đẹp trong đời sống lao động thường ngày của ngư dân, ngắm chợ cá nhóm họp vào sáng sớm, cảnh đánh lưới, kéo rớ, đan thúng, làm mắm, chế biến hải sản khô... cùng tình yêu, nỗ lực khởi nghiệp phát triển quê nhà của các bạn trẻ. Chị Nguyễn Thu Huệ - du khách người Hà Nội cùng có mặt trong chuyến tham quan với chúng tôi thích thú chia sẻ: “Với riêng tôi, đây là nơi chữa lành tuyệt vời những tổn thương của bộn bề đô thị”.

Nguyễn Thị Ái Trinh (baotainguyenmoitruong.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang