Những người lính phòng thủ bờ biển

16:44 17-08-2021

VBĐVN.vn - Để làm chủ tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion cùng tổ hợp radar Monolit-B hiện đại, nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Tên lửa bờ 681 (Vùng 2 Hải quân) đã liên tục chạy đua với thời gian, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) đạt hiệu suất, chất lượng cao nhất, xây dựng “lá chắn thép”, bảo vệ vững chắc biển, đảo Tổ quốc.

Làm chủ kỹ thuật

Đến nay, dù sau hơn 10 năm Lữ đoàn 681 đưa tổ hợp tên lửa Bastion vào hoạt động nhưng Trung tá Nguyễn Xuân Vinh, Chủ nhiệm Kỹ thuật vẫn nhớ rất rõ ngày tiếp nhận tổ hợp khí tài này. Khi đó, dù được sang Nga đào tạo nhưng anh và nhiều đồng đội vẫn băn khoăn vì nhiều nhẽ, trong đó vấn đề lớn nhất là làm sao khai thác hết tính năng, tác dụng kỹ thuật, chiến thuật của tổ hợp khí tài trong điều kiện con người, khí hậu và địa hình Việt Nam. Khi huấn luyện tiếp nhận và bàn giao, các chuyên gia Nga chỉ giới thiệu những nội dung cơ bản với thời gian rất ngắn, đủ để cán bộ, chiến sĩ có thể quản lý chứ việc làm chủ và khai thác tối ưu hiệu quả tổ hợp khí tài trong huấn luyện, SSCĐ thì chưa khả thi. Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ, nhiều ý tưởng, phương án được hình thành nhưng cuối cùng, các anh quyết định thành lập tổ xung kích sửa chữa làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật tại Phòng Kỹ thuật. Lúc đầu, anh Vinh chỉ tạm đặt tên vậy thôi, nhưng sau này khi đưa ra Đảng ủy lữ đoàn thảo luận, Đảng ủy đã nhất trí ngay, đồng thời chỉ đạo huy động mọi đơn vị, cá nhân cùng vào cuộc. Từ đây, tiêu chí phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật là một phần trong bình xét thi đua và đánh giá chất lượng đảng viên, tổ chức đảng hằng năm. Anh Vinh thông tin thêm, hiện có một phó chủ nhiệm kỹ thuật phụ trách tổ làm chủ phần khí tài và một trợ lý xe máy phụ trách tổ làm chủ phần xe máy-tăng thiết giáp đã hoạt động rất hiệu quả.

Các kíp chiến đấu cơ động triển khai đội hình (ảnh chụp trước thời điểm dịch Covid-19).

Từ khi có hai tổ xung kích sửa chữa làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật lan rộng, trong đó phải kể đến phong trào học tin học chuyên ngành và tiếng Nga. Đây chính là mắt xích để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của lữ đoàn đột phá nâng cao trình độ, hiểu kỹ hơn về tổ hợp khí tài. Tính đến nay, lữ đoàn đã biên dịch hàng nghìn trang tài liệu tiếng Nga, biên soạn hàng chục bộ quy trình thao tác sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, hàng trăm phiếu công nghệ. Ngành kỹ thuật của lữ đoàn cũng đã thực hiện 75 đề tài, sáng kiến, trong đó có nhiều đề tài, sáng kiến được Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo Nguyễn Phan Vinh của Quân chủng Hải quân; một sáng kiến được trao giải nhì tại Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân. Gần đây, Đại úy Ngô Văn Tình, Phó đội trưởng Hỏa lực, thành viên của tổ xung kích làm chủ khí tài đã nghiên cứu, ứng dụng vật tư trong nước để chế tạo sản phẩm thay thế thiết bị hiển thị chuyên dụng của máy chuẩn bị trước khi phóng và phóng tên lửa trên xe bệ phóng. Việc ứng dụng này đã khắc phục tình trạng các thiết bị hỏng hóc không thể hiển thị, màn hiển thị bị mờ, khó khăn cho trắc thủ trong huấn luyện, tác chiến và tốn ít kinh phí, thời gian chờ đợi khi mua linh kiện đặc chủng thay thế. Thiết bị chế tạo mới hoạt động đồng bộ với các trang bị khác, hiển thị chữ, số với màu sắc và đồ họa thông tin trên màn hình rõ hơn trong điều kiện rung xóc, giúp các trắc thủ thao tác nhanh, chính xác khi huấn luyện, SSCĐ.

“4 thực chất” - lời giải bài toán huấn luyện

Giờ làm việc buổi sáng, khu nhà nghỉ của Lữ đoàn 681 vắng lặng. Phía khu kỹ thuật, tiếng xe máy gắt gỏng vọng trong cái nắng chói chang, xua đi vị tanh nồng của biển. Xe bệ phóng đến, các số nhanh chóng cơ động vào vị trí đã xác định. Chỉ ít phút sau, quả tên lửa cồng kềnh và nặng hàng tấn đã nằm gọn trên bệ phóng. Thiếu tá Phan Quốc Nhung, Trạm trưởng Kỹ thuật thông báo thời gian thực hành với nét mặt chưa thật hài lòng. Bởi theo anh, nếu nạp tên lửa lên bệ phóng mà chậm vài giây thôi là ảnh hưởng đến các bộ phận khác, làm mất thời cơ tác chiến. Điều này đặt ra yêu cầu công tác huấn luyện phải kiên quyết, khắt khe, thực hành nhiều lần trên mô hình sau đó mới đến khí tài thật, bảo đảm thuần thục, chính xác, an toàn tuyệt đối và đạt thời gian nhanh nhất mới được cho là hoàn thành nhiệm vụ. Anh Nhung khẳng định, những đồng chí thiếu tập trung, thiếu quan sát, thiếu sự linh hoạt trong xử trí các tình huống sẽ không có cơ hội trong thực hiện nhiệm vụ này. Mọi sự chủ quan, hiệp đồng không ăn khớp đều bị trả giá.

Để tên lửa bay đúng tầm, đúng hướng, đến và diệt được mục tiêu di động trên mặt biển mênh mông cách nơi triển khai trận địa hàng trăm ki-lô-mét đường chim bay là công việc không hề dễ dàng nếu không muốn nói là quá phức tạp. Nó phức tạp là bởi phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, phải có nhiều lực lượng cùng phối hợp hiệp đồng trong thời gian rất ngắn, tính bằng phút, bằng giây. Nó đòi hỏi phải có những cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn, được đào tạo, huấn luyện “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” trên thao trường, "đánh vật" với khí tài trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả trong đêm tối hoặc gió bão. Thiếu tá Đặng Văn Trắc, Đội trưởng Hỏa lực nêu ví dụ và phân tích, khi kiểm tra tên lửa, nạp thông số mục tiêu, đưa tên lửa vào SSCĐ là cả quá trình kiểm duyệt rất khắt khe của máy tính, chỉ cần một thao tác nhỏ bị sai là bỏ lỡ thời cơ hoặc là dừng cả hệ thống và thực hiện lại quy trình từ đầu; khiến cho công lao sục sạo, chỉ thị mục tiêu của tổ hợp radar “lỗi thời” và nạp thông số mục tiêu của các kíp trắc thủ “đổ biển”. Điều đó khiến cho các trắc thủ radar phải rà quét lại mục tiêu, thậm chí khiến cho “bộ não” điều khiển tên lửa bị hiểu sai, bay đi chỗ khác, gây mất thời cơ chiến thuật, mất an toàn cho người, phương tiện và tổn hao vũ khí của ta. Đại tá Vũ Văn Lượng, Chính ủy lữ đoàn, người có thâm niên gắn bó với nhiều loại khí tài tên lửa bờ cho biết, từ thực tế và có cả sự trả giá do các nguyên nhân khác nhau, Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn đã đặt nghị quyết với chỉ tiêu triệt để thực hiện phương châm “4 thực chất”: Huấn luyện thực chất; học thực chất; kiểm tra thực chất và đánh giá, khen, phê bình thực chất. “4 thực chất" ấy không chỉ giúp chúng tôi nâng cao trình độ huấn luyện, tác chiến và SSCĐ mà còn giúp lữ đoàn có được một tập thể mạnh trong từng việc nhỏ đến việc lớn”, Đại tá Vũ Văn Lượng khẳng định.

Những năm gần đây, công tác huấn luyện, SSCĐ của Lữ đoàn 681 có đòi hỏi cao hơn so với trước. Năm 2021, ngoài huấn luyện hành quân cơ động tác chiến đường dài trên bộ, lữ đoàn tổ chức lực lượng, phương tiện hành quân trên biển và chiếm lĩnh trận địa, triển khai đội hình chiến đấu ở các vị trí thuận lợi. Lữ đoàn tổ chức diễn tập chiến thuật phân đội, diễn tập vòng tổng hợp; thường xuyên mở các đợt hội thao, hội thi, nâng cao trình độ tổ chức huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ chỉ huy các cấp, qua đó rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến. Kết quả huấn luyện cán bộ hằng năm, 100% huấn luyện được theo phân cấp, có từ 80% trở lên đạt khá, giỏi trong đó có hơn 40% đạt giỏi; đội trưởng, trạm trưởng, chính trị viên đạt giỏi; tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, ngành trưởng, phân đội trưởng đạt giỏi. Kết thúc năm 2020, Lữ đoàn 681 được Bộ Quốc phòng tặng cờ "Đơn vị huấn luyện giỏi".

Làm chủ khí tài đặc chủng phòng thủ bờ biển hiện đại bằng tinh thần xung kích học tập, nghiên cứu, huấn luyện thực chất để có chất lượng thực chất ở Lữ đoàn 681 đã cho ra những trái ngọt. Đó không chỉ là những kết quả, thành tích trong huấn luyện mà còn tạo ra những con người với bản lĩnh, trình độ và phẩm chất đạo đức để xây dựng "lá chắn thép", bảo vệ vững chắc biển, đảo Tổ quốc thân yêu.

Văn Nam (theo qdnd.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang