Những người lính quân hàm xanh giữ sạch cho xã đảo
VBĐVN.vn - Không chỉ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới vùng biển, đảo và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, những người lính quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm, (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam) còn là đầu tàu hướng dẫn người dân bảo vệ môi trường biển, khôi phục hệ sinh thái đa dạng của đại dương.
Đứng chân trên xã đảo Tân Hiệp, thành phố Hội An, Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm có nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới vùng biển, đảo và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng, các ngành và địa phương xử lý tốt các tình huống về quốc phòng, an ninh và các vấn đề xảy ra, không để xảy ra điểm nóng.
Nhiều năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm luôn khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, bám trụ nơi “đầu sóng ngọn gió”, gắn bó máu thịt với nhân dân, quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, góp phần xây dựng đảo tiền tiêu ngày càng giàu mạnh, phát triển.
Giữa muôn vàn nhiệm vụ khó khăn trên đảo, những người lính ở Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm còn kiêm thêm một nhiệm vụ đặc biệt là bảo vệ khu bảo tồn biển. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm đã có nhiều cách làm hay trong việc vận động ngư dân trên đảo chung tay bảo vệ môi trường biển như không sử dụng túi nilon, làm sạch biển, không sử dụng các hình thức đánh bắt hủy diệt nguồn lợi hải sản, bảo vệ các bãi san hô quanh đảo, vận động bà con thả nhiều cá thể rùa biển bị mắc lưới... Qua đó, các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã góp phần cùng chính quyền, nhân dân xã đảo Tân Hiệp chung tay bảo vệ bền vững môi trường, hệ sinh thái biển và trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam
Ngày 17/3/2022, tại Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm, Hội Nông dân thành phố Hội An đã ký kết Chương trình phối hợp với Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm và Đồn Biên phòng Cửa Đại về nội dung “Vận động ngư dân quản lý rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đại dương”.
Nội dung trọng tâm của Chương trình phối hợp gồm: Tập trung tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong các cấp Hội về công tác quản lý và ngăn ngừa rác thải nhựa từ các hoạt động trên biển; xây dựng mô hình chống rác thải nhựa trong ngư dân sản xuất trên các đơn vị tàu thuyền đánh bắt cá và ngư dân hoạt động chài, lưới ven sông, ven biển; xây dựng lực lượng ngư dân trở thành lực lượng tiên phong trong phong trào chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đại dương.
Các hoạt động cụ thể là tổ chức tập huấn, tuyên truyền, in và phát tờ rơi hướng dẫn quản lý rác thải nhựa đại dương, tổ chức lễ phát động mô hình “Ngư dân chống rác thải nhựa bảo vệ môi trường đại dương”; hình thành các tổ, đội tình nguyện thu gom rác thải nhựa đại dương, tổ chức chương trình đổi rác thải nhựa đại dương lấy nhu yếu phẩm.
Thực hiện Chương trình phối hợp, các đơn vị phối hợp tăng cường các biện pháp tuyên truyền, thu hút và huy động sự tham gia rộng rãi của nông dân nói chung, ngư dân nói riêng nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo”, lan tỏa, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và công tác xử lý rác thải trên địa bàn thành phố. Nhờ có sự góp sức của lính Biên phòng mà 10 năm qua, những quần thể san hô ở cù lao này đã hồi phục và phát triển mạnh mẽ.
Ông Lê Vĩnh Thuận, Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết: “Những năm trở lại đây, sự hồi phục sản lượng cá, tôm, nhuyễn thể, thân mềm mạnh mẽ trong khu vực bảo tồn đã được ghi nhận. Sự sinh sôi trở lại của các loài thủy sinh một phần lớn nhờ bảo vệ tốt rạn san hô và thảm cỏ biển. Không chỉ rùa biển, những loài sinh vật đặc hữu của Cù Lao Chàm như trai tai tượng, cua đá... từ chỗ số lượng suy kiệt, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng thì nay đã bắt đầu sinh sôi trở lại. Điều đó có được cũng là nhờ sự giúp đỡ đắc lực của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm nhiều năm qua!”.
Theo đánh giá của Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, công tác bảo tồn biển trong 10 năm qua có sự góp sức rất lớn từ lực lượng Biên phòng. Nếu không có sự phối hợp này thì Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm không có được như ngày hôm nay.
Cù Lao Chàm từng là nơi sinh sống của rùa biển, nhưng hoạt động đánh bắt quá mức của con người trong thời gian dài đã khiến rùa biển vắng bóng từ nhiều năm trước và các chuyên gia nghĩ rằng, sẽ không bao giờ tìm thấy rùa biển ở vùng biển này nữa. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhiều ngư dân đã có nhận thức đúng về vai trò của đa dạng sinh học, có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường biển, bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm.
Từ nhận thức đúng đắn, am hiểu pháp luật hơn, người dân đã thay đổi hành vi theo hướng tích cực trong ứng xử với môi trường và nhờ đó, rùa biển quay lại với Cù Lao Chàm. Giờ đây, nhiều ngư dân khi bắt được rùa biển hay các loài động vật quý hiếm đã chủ động thả về biển hoặc bàn giao cho các đơn vị biên phòng.
Là 1 trong 15 khu bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc gia, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm hiện có 282 loài san hô, 4 loài cỏ biển, hơn 200 loài cá và hàng trăm loài sinh vật. Nhưng sự giàu có trở lại của vùng biển này lại thu hút không ít “ngư tặc” khắp nơi đổ về đánh bắt trộm cả ngày lẫn đêm. Chính vì thế, bên cạnh bảo tồn và phát huy những giá trị biển, các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm luôn luôn phải tuần tra, kiểm soát, cùng người dân bảo vệ khu bảo tồn này để giữ cho vùng biển an toàn.
Từ đầu năm đến nay, đội tuần tra hỗn hợp đã phát hiện, xử lý hành chính hàng chục vụ vi phạm trong khu bảo tồn. Trong đó, đa số hành vi vi phạm là đánh bắt hải sản trong khu vực cấm. Anh Phan Văn Dương, một ngư dân cho biết: “Bên cạnh việc khai thác và đánh bắt thủy sản hợp pháp, cán bộ Bộ đội Biên phòng Cù Lao Chàm cũng thường xuyên tuyên truyền nhiều về vấn đề giữ gìn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường biển, đồng thời, nhận biết và bảo vệ những loài quý hiếm trong danh mục động vật hoang dã cần được bảo vệ, trong đó có rùa biển. Các ngư dân đều thường bảo nhau khai thác thủy sản theo quy định để cùng giữ gìn hệ sinh thái biển”.
Trung tá Nguyễn Đức Thành, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cù Lao Chàm cho biết: “Ngoài thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển, đảo và đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo cho các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức về chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và trách nhiệm công dân trong việc bảo vệ môi trường biển, khai thác tài nguyên biển, đảo. Đồng thời, tuyên truyền để ngư dân cùng chung tay với cả hệ thống chính trị phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp”.
Tiêu Dao (bienphong.com.vn)
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận