Những tấm ảnh kể chuyện biển khơi

16:36 23-12-2021

VBĐVN.vn - Những chiếc thuyền gắn máy nhưng vẫn căng buồm để mượn thêm sức gió ra khơi; làng làm mắm truyền thống và chắt lọc mắm từ cá cơm, được ví như giọt mật đại dương... Đó là 2 trong tổng số 60 tấm ảnh về cuộc mưu sinh ở vùng biển đang được triển lãm tại Trung tâm Văn hóa Hồ Gươm, thành phố Hà Nội, từ ngày 19-11 đến ngày 15-12, nhân kỷ niệm 16 năm Ngày di sản văn hóa Việt Nam (23-11-2005 / 23-11-2021).

Nhiều tấm ảnh về các làng chài được giới thiệu tại triển lãm. Ảnh: Văn Chương

Tấm ảnh đầu tiên, với góc ảnh thẳng đã cuốn hút người xem vì nội dung lạ. Đó là những đoàn thuyền ra khơi với cánh buồm căng gió ở vùng biển Diễn Châu, tỉnh Nghệ An của nhiếp ảnh gia Phạm Kỷ Sửu. Tôi là người thường quan tâm về chủ đề biển, đảo, cứ ngỡ rằng, thời của thuyền buồm đã kết thúc cách đây hơn 50 năm, nhưng hóa ra, thuyền buồm vẫn còn hiện hữu. Lên Internet gõ cụm từ khóa “thuyền buồm Diễn Châu”, hoặc những từ khóa tương tự thì không tìm thấy những chiếc thuyền buồm xuất hiện.

Ở vùng biển như Quảng Nam, hiện nay vẫn còn một vài tàu đánh cá ra khơi kéo cánh buồm và ngư dân gọi là buồm lá mít. Ngư dân kéo buồm, hợp với sức máy, nếu thuyền đi thuận gió và ngư dân ước tính tốc độ tăng lên thêm được khoảng 1 - 1,5 hải lý/giờ. Tác giả Phạm Kỷ Sửu minh họa: “Đây có lẽ là nơi duy nhất còn sử dụng cánh buồm”. Những chiếc thuyền buồm trong ảnh không phải đi đơn lẻ, mà đi thành từng đoàn vài chục chiếc cùng một lúc. Thời trước, ngư dân sử dụng buồm thì phải thiết kế thêm chiếc ghanh đặt ngang mạn thuyền như chiếc đũa bếp đặt trên miệng bát. Nếu thuyền nghiêng lệch một bên thì có 1-2 ngư dân đu vắt vẻo ra đầu ghanh để tạo cân bằng trọng lượng cho chiếc thuyền.

Tác giả Bùi Thế Dũng thì giới thiệu với bạn đọc tấm ảnh “Nghề trồng hành tỏi ở đảo Lý Sơn”. Đó là hình ảnh mộc mạc của một bà cụ nở nụ cười trước một xe đẩy chở tỏi, một cậu bé nhỏ ngồi trên đống tỏi và chiếc xe đi qua, những bóng nắng bị chẻ dọc từ dãy lan can. Ảnh được chụp từ năm 2013 và nếu người nào hiểu về Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thì sẽ thấy được tấm ảnh của 8 năm về trước có giá trị như thế nào. Đó là trước năm 2014, đảo Lý Sơn chưa có điện lưới quốc gia từ hệ thống cáp ngầm. Hòn đảo vắng vẻ nên mọi thứ trên đảo đều hoang sơ, mộc mạc, từ ánh mắt của người dân đến cái bắt tay vồn vã với du khách ít ỏi ra đảo, hẹn ngày trở lại.

Tấm ảnh sản xuất mắm của tác giả Đỗ Hữu Tuấn chụp tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận vào năm 2004, nếu có góc nhìn về nghề truyền thống thì cũng sẽ nhận ra những giá trị riêng. Trong tấm ảnh này, những ngư dân đứng bên những thùng mắm được đóng bằng gỗ để xúc cá vào thùng. Cứ nhắc đến sản xuất mắm, mọi người sẽ liên tưởng ngay đến những chiếc thùng gỗ màu nâu gụ, có những chiếc đai mây bao quanh thân thùng. Thời nay, nhiều nơi làm mắm đã chuyển dần sang sử dụng thùng nhựa, đồ sành để đỡ tốn chi phí đóng thùng. Tuy nhiên, theo những nghệ nhân chuyên làm nghề mắm ở khu vực Nam Trung Bộ, nếu đóng thùng muối mắm bằng gỗ cây bời lời thì sẽ tạo ra chất mắm rất ngon, mắm có màu hổ phách, mùi thơm dịu, hậu vị thanh. Ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ thì muối mắm bằng thùng được đóng bằng gỗ sồi để mắm có màu cánh gián, thanh, ngọt, đậm đà.

Ảnh thuyền buồm Diễn Châu của tác giả Phạm Kỳ Sửu tại triển lãm. Ảnh: Văn Chương

Trong chùm ảnh “Vũ điệu biển khơi”, tác giả Trần Bảo Hòa lại kỳ công theo tàu của ngư dân huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên ra khơi để sáng tác chùm ảnh đánh bắt cá cơm ngần. Mọi người thường bắt gặp hình ảnh những con cá cơm to bằng ngón tay và có màu xanh nhẹ, nhưng cá cơm ngần là loại nhỏ hơn đầu đũa, có màu trắng bạch, cá cơm này thường nổi thành từng đàn gần các cửa biển vào ngày xuân. Cứ mỗi độ xuân về, làng chài làm lễ mở biển và ngư dân nhổ neo ra biển thả lưới trũ, đánh cá cơm ngần, xem như đã thu về lộc biển của ngày đầu xuân mới.

Trên những đoàn tàu đánh cá cơm thường có hàng trăm con chim hải âu bay lượn. Đối với ngư dân làm nghề lưới trũ, họ không cần phải sử dụng máy dò quét cả tầm xa, chỉ cần nhìn chim trời là đoán được cá biển; cá cơm về dày quần tụ gần bờ thì chim lại về, báo hiệu một mùa biển mới nhiều hứa hẹn.

Theo bienphong.com

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang