Ninh Thuận: Đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi mùa mưa lũ

08:03 17-10-2021

VBĐVn.vn - Mùa mưa lũ đã cận kề, trong khi thiên tai ngày càng diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại, tỉnh Ninh Thuận đang tích cực triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình thủy lợi, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Dự án kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư khu vực xã Nhơn Hải đến xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đang được đẩy nhanh tiến độ thi công.

Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra hiện trạng, phát hiện các sự cố hư hỏng công trình thủy lợi do các đơn vị, địa phương quản lý để sửa chữa kịp thời, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ sắp đến. Đối với các công trình thủy lợi đang triển khai sửa chữa, nâng cấp cần đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng các phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ trong tình huống khẩn cấp.

UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị các đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác phòng, chống lụt bão với nguyên tắc "Phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả và phương châm 4 tại chỗ" nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có mưa, bão, lũ, thiên tai xảy ra. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các địa phương chủ động xây dựng các phương án để chủ động ứng phó với thiên tai, mưa lũ và dịch bệnh trong mọi tình huống để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản, hoạt động sản xuất của người dân.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 102 công trình thủy lợi, cấp nước. Trong đó, công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý, khai thác vận hành 50 công trình thủy lợi gồm các hồ chứa, đập dâng và trạm bơm; UBND các huyện, thành phố quản lý, khai thác vận hành 52 công trình thủy lợi là các đập dâng nhỏ nằm trên các nhánh sông suối và 26 công trình thủy lợi đê, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển phòng, chống lũ, triều cường.

Bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, Chi cục đã phối hợp với đơn vị khai thác công trình thủy lợi, các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn công trình thuộc phạm vi quản lý trên địa bàn, lập danh mục các công trình hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn và bố trí kinh phí sửa chữa, khắc phục ngay các công trình, hạng mục công trình có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa, lũ, tránh để xảy ra sự cố mất an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Qua rà soát, có 14 hồ chứa và 1 đập dâng có biểu hiện xuống cấp, hư hỏng nhẹ ở một số hạng mục như bê tông mặt đập, rãnh thoát nước bị bong tróc; đường quản lý bị sạt lở, xuống cấp; mái hạ lưu đập bị xói lở cục bộ…đều đã được các đơn vị khắc phục sửa chữa kịp thời nên không có nguy cơ gây mất an toàn cho công trình và vùng hạ du.

Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận đang đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dự án ứng phó khẩn cấp với thiên tai bao gồm: Dự án khắc phục hậu quả thiên tai khẩn cấp do bão, lũ một số đoạn trên tuyến đê biển Đông Hải; dự án khắc phục hậu quả thiên tai khẩn cấp củng cố đê kè biển Phú Thọ và Đông Hải những đoạn còn lại trên tuyến (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm); dự án kè chống sạt lở khu vực cảng Cà Ná (huyện Thuận Nam).

Dự án kè chống sạt lở bờ biển, bảo vệ dân cư khu vực xã Nhơn Hải đến xã Thanh Hải (huyện Ninh Hải); hạng mục bổ sung tuyến kè bảo vệ bờ Nam sông Dinh và tuyến đường gom nông thôn thuộc dự án đập hạ lưu sông Dinh (huyện Ninh Phước và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm). Các dự án trên có tổng vốn đầu tư gần 355 tỷ đồng, dự kiến các công trình sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Theo Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận, để bảo vệ an toàn cho các công trình thủy lợi trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Chi cục Thủy lợi đang phối hợp với các đơn vị theo dõi sát sao diễn biến tình hình bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, kiểm tra tình hình an toàn hồ chứa. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc vừa đảm bảo an toàn hồ chứa vừa thực hiện trữ thêm nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Cụ thể, đối với các hồ chứa có cửa van, theo dõi sát diễn biến của bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ, thông tin dự báo mưa để hạ thấp mực nước hồ xuống để chủ động đón lũ, không để xảy ra tình trạng phải xả lũ bất thường làm ảnh hưởng đến vùng hạ du. Đồng thời, thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp. Tổ chức vận hành công trình xả lũ theo quy trình vận hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi có mưa lũ, đảm bảo an toàn cho hồ chứa và vùng hạ du.

Các đơn vị phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại các hồ chứa, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến của thời tiết để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; thường xuyên kiểm tra các thiết bị xả lũ, kiểm tra máy phát điện, dự trữ nhiên liệu dự phòng cho các thiết bị vận hành hay máy phát điện. Bên cạnh đó, gửi thông báo xả lũ cho chính quyền địa phương để phổ biến đến nhân dân vùng hạ du và các cơ quan có liên quan ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ để chủ động phòng, tránh và tổ chức di dời dân ở vùng hạ du đến nơi an toàn.

Cùng đó, các đơn vị liên quan, địa phương thường xuyên kiểm tra hiện trạng công trình trước, trong và sau mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới để đề xuất phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đặc biệt là các hồ chứa, các đê, kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Ngoài ra, xây dựng phương án bố trí dự trữ vật tư, vật liệu, phương tiện, trang thiết bị để chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong mọi tình huống.

Theo TTXVN

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang