Ninh Thuận tổ chức Chương trình "Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển"

17:15 17-06-2023

VBĐVN.vn - Trong hai ngày 13 và 14-6, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của ngư dân khi tham gia khai thác hải sản trên biển; đồng thời động viên, hỗ trợ ngư dân bám biển làm kinh tế gắn với ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Ban Tổ chức tặng quà cho ngư dân trong Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.

Chương trình có sự tham dự của ông Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (Chủ tịch danh dự của Chương trình); ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Ninh Thuận, Hội Nghề cá Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan thực thi pháp luật trên biển và đông đảo bà con ngư dân.

Đây là chương trình của Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với 28 tỉnh, thành phố có biển, được tổ chức từ nay đến năm 2025. Chương trình tổ chức tại Ninh Thuận với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực như: tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 1.000 ngư dân ở xã Cà Ná và Phước Diêm (huyện Thuận Nam). Đồng thời, chương trình tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà các hộ ngư dân có hoàn cảnh khó khăn ở phường Đông Hải; tặng 200 bộ quà tặng (trị giá mỗi phần quà 4 triệu đồng) cho ngư dân gồm một cuốn cẩm nang “Những điều cần biết về đánh bắt hải sản” (trang bị nhiều kiến thức thiết thực, hướng dẫn bà con tham gia đánh bắt trên biển đúng pháp luật), bình ắc-quy, đèn led, phao cứu hộ, túi y tế với những loại thuốc cần thiết. Chương trình còn trao tặng 40 suất học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng) cho con em ngư dân có hoàn cảnh khó khăn vượt khó học giỏi.

Phát biểu tại chương trình vào tối 14-6, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Tổ chức chương trình nhấn mạnh, chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” không chỉ dừng lại ở việc tặng hàng ngàn phần quà thiết thực để hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển; tặng học bổng cho con em các gia đình ngư dân có hoàn cảnh khó khăn, mà còn góp phần làm lan tỏa thông điệp nhân ái, sẻ chia. Đồng thời, chương trình tuyên dương, nhân rộng những mô hình, những nhân tố tích cực biết làm giàu từ biển; tôn vinh những hành động tốt đẹp, khoa học để bảo vệ biển, nuôi dưỡng tài nguyên biển nhằm tạo ra các giá trị cạnh tranh bền vững cho ngành Thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng đại diện Ban tổ chức tặng học bổng cho các em học sinh trong Chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển”.

Chương trình còn kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các đơn vị thực thi pháp luật trên biển, các tổ chức khoa học uy tín, cùng chính quyền địa phương xây dựng các diễn đàn, không gian góp ý, thảo luận về pháp lý hiệu quả, chuyên nghiệp nhằm phổ biến kiến thức pháp luật cho cộng đồng, góp phần thúc đẩy thực hiện hiệu quả kế hoạch hành động gỡ “thẻ vàng” IUU cho ngành thủy sản.

Được nhận phần quà, ngư dân Nguyễn Văn Sang (phường Đông Hải, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) chia sẻ, món quà thể hiện sự động viên, quan tâm của Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và các đơn vị tài trợ đối với bà con ngư dân ở địa phương. Anh Sang cho biết, những phần quà thiết thực sẽ giúp anh và gia đình có thêm động lực vươn khơi, đồng thời hiểu biết thêm kiến thức pháp luật để yên tâm khai thác hải sản lâu dài.

Tại chương trình, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận hoan nghênh Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương thực hiện và tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” tại địa phương, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Ông Phạm Văn Hậu mong rằng trong thời gian tới, Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đồng hành cùng tỉnh, duy trì, mở rộng và tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động chăm lo, hỗ trợ về mọi mặt cho bà con ngư dân nói riêng và nhân dân Ninh Thuận nói chung.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy bày tỏ tin tưởng và mong mỗi ngư dân tham gia đánh bắt hải sản trên biển, mỗi con tàu ra khơi là "cột mốc chủ quyền" trên biển, góp phần cùng quân và dân cả nước bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Ban tổ chức tặng tặng quà cho bà con ngư dân phường Đông Hải, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Ninh Thuận là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ và là một trong 28 tỉnh, thành phố ven biển, có bờ biển dài hơn 105 km và vùng lãnh hải hơn 18.000 km2. Biển Ninh Thuận có đặc trưng riêng biệt, là một trong 18 vùng nước trồi của thế giới và là một trong những ngư trường trọng điểm của cả nước.

Ninh Thuận hiện có bốn cảng cá gồm Đông Hải, Cà Ná, Ninh Chữ và Mỹ Tân. Kinh tế biển của tỉnh được coi trọng và có bước tăng trưởng khá (tỷ trọng đóng góp kinh tế biển vào GRDP của tỉnh tăng từ 27% năm 2015 lên 38,8% năm 2020 và năm 2022 đạt 40,71%). Tỉnh đã và đang thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư chiến lược, huy động được nhiều nguồn vốn cho đầu tư phát triển, tạo diện mạo mới, giải quyết việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng biển.

Về hoạt động khai thác hải sản, đến nay 100% số tàu hoạt động vùng khơi của tỉnh đều đã được cấp giấy phép khai thác. Tỷ lệ tàu cá đã được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đạt 99,6%. Tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 99,7%; trong đó 100% tàu cá từ 24m trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình. Ninh Thuận cũng đã hoàn thành 100% việc cập nhật dữ liệu tàu cá vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase). Tính đến nay, Ninh Thuận là địa phương không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, về chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản, tỉnh cũng chưa có lô hàng thủy sản nào yêu cầu chứng nhận.

Tỉnh Ninh Thuận đã có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đến năm 2025. Trong đó, xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển và chống khai thác IUU như hỗ trợ cước phí duy trì thiết bị giám sát hành trình tàu cá, chuyển đổi nghề cá. Trong thời gian tới, tỉnh thực hiện đợt các đợt cao điểm chiến dịch truyền thông quy định pháp luật về khai thác thủy sản, chống khai thác trái phép bằng nhiều hình thức, đặc biệt là chống khai thác IUU; tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU, chung tay cùng cả nước sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” IUU.

Đi đôi với hoạt động khai thác, Ninh Thuận sẽ tăng cường các giải pháp bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển để góp phần phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững; nâng cao vị thế, hình ảnh, trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế trong bảo vệ môi trường biển, hệ sinh thái biển. Từ đó nâng cao đời sống sinh kế của người dân vùng ven biển, góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nguyễn Thành

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang