Nỗ lực chấm dứt nuôi trồng thủy sản trái phép trên vịnh Mân Quang

14:53 17-10-2021

VBĐVn.vn - Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân đã tự ý lấn chiếm vùng nước khu vịnh Mân Quang (thành phố Đà Nẵng) để làm bè nuôi hàu, vẹm, cá. Việc hình thành những bãi cọc, bè tre, bè gỗ lớn, nhỏ và lượng lớn chất thải từ việc nuôi cá lồng bè kết hợp với lượng dầu máy tồn dư của tàu thuyền neo đậu tại đây đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề an toàn thực phẩm đối với chính số hải sản nuôi trồng tại khu vực này.

Ông Cao Đình Hải (ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ Đồn Biên phòng Sơn Trà kiểm tra việc tháo đỡ lồng bè nuôi thủy sản trái phép trên vịnh Mân Quang. Ảnh: Trúc Hà

Trong những năm qua, UBND quận Sơn Trà chỉ đạo phường Thọ Quang và phường Nại Hiên Đông tổ chức gặp mặt đối thoại, gửi thông báo, yêu cầu các hộ dân chấm dứt các hành vi vi phạm này. Từ tháng 10-2020, UBND phường Nại Hiên Đông đã liên tục gửi 3 thông báo, yêu cầu người dân không được tiếp tục thả cá giống, thu hoạch số cá còn lại và giao trả mặt bằng theo quy định.

Tháng 4-2021, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Đà Nẵng và UBND quận Sơn Trà, UBND phường Nại Hiên Đông phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức lực lượng vận động, tháo dỡ các lồng bè vi phạm. Theo đó, các lực lượng đã vận động người dân tự tháo dỡ tháo dỡ 80 bè nuôi hàu, vẹm, bợp bợp với diện tích khoảng 40.000m2 và gần 20 lồng bè nuôi cá với khoảng 20 tấn cá.

Bên cạnh những hộ tự giác chấp hành tháo gỡ thì vẫn còn nhiều hộ cố tình chậm trễ, xin gia hạn thời gian hết tháng 9-2021 để chờ cá lớn; tuy nhiên, lại tiếp tục nuôi thả cá giống để gối vụ. Và nay đã là giữa tháng 10-2021, các hộ vẫn tiếp tục lấy lý do để trì hoãn việc tháo dỡ các lồng bè. Qua tìm hiểu thực tế, nhiều chủ bè cố tình đưa ra các lý do biện minh cho việc chưa chấm dứt việc nuôi trái phép trên vịnh Mân Quang.

Ông Trần Xuân Sơn - chủ của 5 lồng nuôi thủy sản trái phép trên vịnh Mân Quang cho biết: “Tôi đã nhận được thông báo của chính quyền địa phương, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa dứt điểm được. Do dịch Covid-19 bùng phát, thành phố giãn cách, việc chăm sóc bị ảnh hưởng nên cá không được cho ăn đầy đủ, do đó, không phát triển được. Cá mú chỉ khoảng 2, 3 lạng nên không có người mua”.

Đối với các hộ nuôi cá đã đủ trọng lượng thì lại đưa ra lý do: “Dịch Covid-19 bùng phát nên lượng tiêu thụ giảm hoặc giá quá rẻ nếu bán sẽ không đủ vốn”. Cũng lại có người đưa ra ý kiến: “Việc làm lồng bè để nuôi thủy sản tốn kém một khoản không nhỏ, vậy nay tháo dỡ thì thành phố có hỗ trợ gì không?”.

Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết: “Mặc dù hết sức thông cảm với khó khăn của người dân, tuy nhiên đã qua nhiều lần tuyên truyền nhưng một số hộ nuôi trồng thủy sản trái phép vẫn tiếp tục vi phạm. UBND phường đã lập biên bản, đề nghị UBND quận Sơn Trà ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3, Điều 17, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16-5-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đối với 86 hộ không chấp hành, với mức phạt 25 triệu đồng/trường hợp vi phạm, tổng số tiền xử phạt là 2 tỷ 150 triệu đồng.

Đến nay, UBND phường gửi thông báo yêu cầu tất cả các hộ phải thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND quận Sơn Trà, đồng thời, yêu cầu khẩn trương thu hoạch hải sản, tháo dỡ lồng bè, giao trả mặt bằng. Nếu không chấp hành, UBND quận Sơn Trà sẽ tiến hành cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tháo dỡ toàn bộ lồng bè vi phạm theo quy định của pháp luật, số cá đang nuôi sẽ được thả về tự nhiên”.

Cũng theo ông Cao Đình Hải, thời gian qua, chính quyền địa phương đã nỗ lực để tháo gỡ khó khăn cho bà con. Trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vào tháng 7-2021, UBND phường đã chủ động gửi văn bản đến cơ quan, đơn vị để kêu gọi các doanh nghiệp và người dân tiêu thụ hải sản giúp các chủ bè. Kết quả, đã tiêu thụ gần 10 tấn cá cho các hộ.

Nay, UBND phường tiếp tục gửi công văn và đã có các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đăng ký thu mua hỗ trợ tiêu thụ hải sản cho người dân. Cán bộ thủy sản của phường đã cung cấp số điện thoại cho các chủ bè để liên hệ bán. Đối với những hộ có nhu cầu vay vốn để chuyển đổi nghề nghiệp có thể liên hệ tổ trưởng tổ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội tại khu dân cư để được hướng dẫn các thủ tục vay vốn. Bởi vậy, không còn lý do gì để các hộ trì hoãn mà mau chóng thu hoạch, tiêu thụ cá, chấp hành việc tháo dỡ và bàn giao lại mặt bằng cho UBND phường đúng thời gian quy định.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang