Nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu

12:13 27-09-2023

VBĐVN.vn - Theo kế hoạch, trung tuần tháng 10-2023, Đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra lần thứ tư về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Là địa bàn có vùng biển và ngư trường lớn, các địa phương ven biển Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang gấp rút triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định về phòng, chống khai thác IUU.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tây Yên, BĐBP tỉnh Kiên Giang hướng dẫn, kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Ảnh: Phương Vy

Xử lý mạnh tàu thuyền vi phạm vùng biển nước ngoài

Kiên Giang là tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước với 9.845 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên; trong đó, có gần 4.000 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đánh bắt xa bờ. Đối với việc quản lý đội tàu thời gian qua, Kiên Giang đã đăng ký cho 9.515 chiếc, trong đó, tàu cá có chiều dài từ 6m đến dưới 12m là 4.277 chiếc, tàu cá có chiều dài từ 12m đến dưới 15m là 1.540 chiếc, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 3.698 chiếc. Đến nay, 3.634/3.698 chiếc tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên (chiếm 98,26%) đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.

Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU. Các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cũng phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện các giải pháp chống vi phạm IUU, thể hiện sự quyết tâm chính trị cao của tỉnh. Ban Chỉ đạo và các địa phương ven biển đã tổ chức nhiều đoàn công tác kiểm tra tại các địa bàn trọng điểm có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời thăm hỏi, động viên ngư dân, nhất là chủ tàu, thuyền trưởng chấp hành nghiêm các quy định về chống khai thác IUU.

Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong tuần tra, kiểm soát và xử lý tàu cá vi phạm IUU được tiến hành thường xuyên và có trách nhiệm hơn. Là một trong những lực lượng nòng cốt tham gia phòng chống vi phạm IUU, bảo vệ ngư dân vươn khơi, bám biển, đánh bắt thủy sản đúng quy định, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã phối hợp các lực lượng như Hải quân, Cảnh sát biển, Công an tiến hành các hoạt động tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi vi phạm của ngư dân, nhất là việc vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản.

Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính ủy BĐBP tỉnh Kiên Giang cho biết, các đồn, trạm Biên phòng trong tỉnh đã phối hợp tích cực với các sở, ngành và địa phương tổ chức 236 đợt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho 12.963 ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng. Ngoài ra, còn cấp phát 11.213 tờ rơi, tờ bướm về chống khai thác IUU, cấp phát 1.373 lá cờ Tổ quốc, góp phần động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Với mong muốn sớm được EC tháo gỡ “thẻ vàng”, ông Lâm Minh Thành, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo chống vi phạm IUU tỉnh Kiên Giang lưu ý, các sở, ban, ngành, nhất là các đồn, trạm Biên phòng tiếp tục thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định; đảm bảo thiết bị giám sát hành trình hoạt động liên tục 24/24 giờ từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng và đảm bảo đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật tàu cá, đăng ký tàu cá, an toàn thực phẩm tàu cá, xác nhận, chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước, giấy phép khai thác thủy sản, nhật ký khai thác thủy sản, chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá... theo quy định.

Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng của địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ điều tra, củng cố hồ sơ, đề xuất xử lý các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Kiên Giang đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để ngăn chặn, xử lý phục vụ công tác tuyên truyền.

Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của ngư dân

Là tỉnh có 3 mặt giáp biển, Cà Mau có chiều dài bờ biển chừng 254km, vùng biển rộng khoảng 80.000km2, tiếp giáp với vùng biển Thái Lan và Malaysia. Khu vực biên giới biển của tỉnh có 23 xã, thị trấn thuộc 6 huyện ven biển. Trong số hơn 4.000 tàu cá đang hoạt động khai thác hải sản trên biển, có hơn 1.500 tàu hoạt động đánh bắt xa bờ, chưa kể hàng nghìn tàu cá của các tỉnh lân cận đến hoạt động khai thác trên vùng biển của tỉnh.

Cán bộ BĐBP tỉnh Cà Mau tuần tra bảo vệ an ninh trật tự cửa biển Rạch Gốc. Ảnh: Phương Vy

Cùng với các địa phương có biển trên cả nước, tỉnh Cà Mau luôn đi đầu trong quyết tâm chống khai thác IUU. Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, xử phạt trên 160 vụ vi phạm về khai thác thủy sản; trong đó, vi phạm về IUU là 87 vụ. Xác định rõ công tác chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, nên thời gian qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã quán triệt, nêu quyết tâm cao, chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ, toàn diện để sớm hoàn thành tốt nhiệm vụ chống khai thác IUU, góp phần cùng các cấp, ngành sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau đã duy trì quản lý, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra, vào các cửa biển đảm bảo theo đúng quy định. Kiên quyết ngăn chặn, không để tàu cá không đảm bảo thủ tục, giấy tờ, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị mất kết nối ra biển hoạt động khai thác. Nhờ tiến hành đồng bộ các giải pháp và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, Cà Mau có 100% chủ tàu, thuyền trưởng đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, 100% tàu cá lắp đặt hệ thống giám sát theo đúng quy định.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, toàn tỉnh hiện có 1.002 tàu đánh bắt với tổng công suất hơn 200.000 CV, trong đó, tàu đánh bắt xa bờ là 338 chiếc. Báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng cho biết, tuy 100% tàu thuyền đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng thực tế vẫn xảy ra tình trạng tàu cá mất tín hiệu kết nối ngoài khơi hoặc tắt thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động trên biển. Một số chủ phương tiện ghi nhận ký chỉ mang tính chất đối phó, không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Để bà con ngư dân ý thức được việc chống khai thác IUU, góp phần đẩy nhanh việc gỡ “thẻ vàng”, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp tốt với địa phương và các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân. Cùng với đó là quản lý chặt chẽ tàu thuyền khai thác xa bờ và theo dõi, giám sát tàu cá. Nhờ vậy nên những năm qua, Sóc Trăng không có tàu nào của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.

Anh Phạm Thành Duy, ngư dân ở cảng cá Trần Đề, huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ: "Qua các hoạt động tuyên truyền của Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng đã giúp cho ngư dân chúng tôi từng bước nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về khai thác hải sản theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, không vi phạm khai thác IUU. Mỗi lần ra biển, chúng tôi rất yên tâm vì mình có hiểu biết, chấp hành đúng các quy định pháp luật".

Phương Vy (bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang