Nỗ lực ngăn chặn buôn lậu xăng dầu trên vùng biển Tây Nam

20:33 21-11-2021

VBĐVN.vn - Thời gian qua, trên vùng biển Tây Nam, đặc biệt là tại các khu vực biển giáp ranh với các nước Thái Lan, Campuchia, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng đã sử dụng mọi thủ đoạn, gia tăng các hoạt động mua bán xăng, dầu trái phép. Trước tình hình đó, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và các lực lượng chức năng đã sử dụng các biện pháp công tác, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa đấu tranh, ngăn chặn hoạt động buôn lậu xăng dầu trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Gia tăng hoạt động vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển

Vùng biển Tây Nam có số lượng tàu cá hoạt động lớn nhất cả nước, với khoảng 16.000 phương tiện, nên nhu cầu xăng dầu phục vụ các tàu cá khai thác thủy sản khá cao. Lợi dụng sự chênh lệch giữa giá cả trong nước và các nước lân cận, một số đối tượng đã tìm mọi cách mua bán, vận chuyển xăng dầu trái phép.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động buôn lậu, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển có thể chia thành 3 nhóm đối tượng: Các chủ tàu cá mua xăng dầu từ tàu nước ngoài với giá rẻ, rồi bán ngay cho các tàu cá khác. Các chủ tàu, doanh nghiệp tư nhân mua xăng dầu từ các tàu vận tải, rồi bán cho những tàu cá hoặc đại lý xăng dầu trên bờ. Các tàu được phép bán lẻ xăng dầu thay vì mua từ đất liền thì mua ngay của các tàu chở xăng dầu trên biển để bán lại.

Từ đầu năm 2021 đến nay, BĐBP các tỉnh, thành phía Nam và Cảnh sát biển liên tiếp bắt giữ nhiều tàu, thuyền vận chuyển xăng dầu lậu với số lượng lớn. Điển hình, chiều ngày 19-10, tại khu vực biển cách Côn Đảo khoảng 115 hải lý về phía Đông Đông Nam, Cảnh sát biển Vùng 3 phát hiện tàu BT 99998 TS, do ông Lê Minh Tính (sinh năm 1965, trú tại tỉnh Cà Mau) làm thuyền trưởng có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu đang chứa khoảng 60.000 lít dầu DO. Làm việc với lực lượng chức năng, thuyền trưởng Lê Minh Tính không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của hàng hóa. Bên cạnh đó, 7 thuyền viên trên tàu đều không có giấy tờ tùy thân, chứng chỉ chuyên môn.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Thổ Châu, BĐBP Kiên Giang tuần tra, bảo vệ vùng biển, đảo. Ảnh: Đăng Bảy

Trước đó, ngày 1-10, Hải đội 2, BĐBP Sóc Trăng phát hiện tàu cá TG 94458 TS, do ông Trần Hữu Đức (48 tuổi, trú tại huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) làm thuyền trưởng, chở khoảng 40.000 lít dầu DO. Thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số dầu trên.

Theo Đại tá Đậu Thanh Thủy, Hải đoàn trưởng Hải đoàn 28 BĐBP thông tin.“Mỗi chuyến ra khơi, các đối tượng buôn lậu thường tổ chức đội tàu từ 5-7 chiếc, trong đó, có 1-2 tàu không làm nhiệm vụ đánh bắt thủy sản như đã đăng ký mà chỉ thực hiện việc mua xăng dầu trôi nổi của những tàu nước ngoài hoặc tàu vận chuyển trái phép với giá rẻ hơn, rồi tổ chức bán lại ngay trên biển cho các tàu, thuyền khác để kiếm tiền chênh lệch”

Ngày 16-8, trong lúc tuần tra, kiểm soát, phòng, chống dịch Covid-19 trên vùng biển Kiên Giang, Biên đội C21, Hải đoàn 28 BĐBP đã phát hiện tàu cá KG 95859 TS có chứa khoảng 80.000 lít dầu DO trong khoang. Quá trình kiểm tra, thuyền trưởng Nguyễn Hồng Thanh (sinh năm 1985, trú tại huyện Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa trên. Trước đó, lúc 1 giờ 45 phút, ngày 19-5, cũng tại vùng biển Kiên Giang, Biên đội B21, Hải đoàn 28 BĐBP phát hiện tàu cá KG 95548 TS, do ông Nguyễn Văn Bình (sinh năm 1970, trú tại huyện Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng, đang vận chuyển khoảng 35.000 lít dầu DO.

Cũng trong ngày 19-5, Biên đội B21 tiếp tục kiểm tra, phát hiện phương tiện mang biển kiểm soát CM 95913 TS, do ông Danh Ly (sinh năm 1988, trú tại huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) làm thuyền trưởng, đang vận chuyển khoảng 22.000 lít dầu DO. Tại thời điểm kiểm tra, cả 2 thuyền trưởng đều không xuất trình được giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của toàn bộ số dầu nói trên. Đại tá Đậu Thanh Thủy cho biết: “Từ đầu năm 2021 đến nay, Hải đoàn 28 BĐBP đã phát hiện, bắt giữ 4 phương tiện vận chuyển dầu trái phép, thu giữ hơn 170.000 lít dầu DO. Đơn vị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 170 triệu đồng, tịch thu, bán đấu giá tang vật, nộp ngân sách Nhà nước gần 2 tỉ đồng”.

Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi

Để đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu xăng dầu đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như: cải hoán tàu cá thành tàu chở xăng dầu, ngụy trang dụng cụ trên tàu là khai thác thủy sản để che đậy việc mua bán xăng dầu trái phép... Đặc biệt, nhiều đối tượng còn sử dụng nền tảng thương mại điện tử trong các giao dịch, áp dụng công nghệ cao vào hoạt động buôn lậu, như lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để giám sát phương tiện của lực lượng chức năng hòng nhanh chóng tẩu thoát. Hay việc mua bán xăng dầu trên biển đều thông qua trung gian, hoạt động theo mô hình khép kín. Việc giao nhận xăng dầu diễn ra trên biển, nhưng việc giao nhận tiền lại được thực hiện khá tinh vi, bài bản, người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ sử dụng điện thoại bằng sim "rác" để liên lạc. Do vậy, nếu bị cơ quan chức năng bắt giữ thì việc xác định chủ buôn lậu xăng dầu gặp rất nhiều khó khăn.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thống, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang, việc vận chuyển và giao nhận xăng dầu lậu chủ yếu diễn ra vào ban đêm để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Đặc biệt, các đối tượng thường lợi dụng thời tiết xấu, sóng to, gió lớn hoặc thời điểm không có hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng thực thi pháp luật để tập kết, sang mạn, vận chuyển hàng lậu...

Cùng với việc bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh trật tự vùng biển, từ đầu năm 2021 đến nay, BĐBP Kiên Giang cũng đã thu giữ trên 364.000 lít dầu vận chuyển trái phép. Điển hình: Chỉ trong ngày 24-3, Đồn Biên phòng Thổ Châu đã phát hiện, bắt giữ 2 tàu cá mang biển kiểm soát TG 90389 TS và BL 93534 TS, do Huỳnh Văn Dũng, trú tại tỉnh Tiền Giang và Phạm Văn Chánh, trú tại tỉnh Kiên Giang làm thuyền trưởng, đang vận chuyển 180.000 lít chất dầu DO. Tại thời điểm kiểm tra, 2 thuyền trưởng đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số lượng hàng hóa nói trên.

Dự báo, từ nay đến cuối năm, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, hoạt động mua bán, vận chuyển xăng dầu trái phép trên biển sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Để đấu tranh với tội phạm này, BĐBP các tỉnh, thành phía Nam đã và đang triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp công tác, tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng, đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát ở các vùng biển trọng điểm.

Theo bienphong.com.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang