Nơi hội tụ nghĩa tình của Cựu chiến binh Đoàn tàu không số
VBĐVN.vn - Sau ngày đất nước thống nhất, nhiều cán bộ, chiến sĩ phục vụ ở Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở về với gia đình, quê hương hoặc chuyển ngành sang lĩnh vực khác. Tuy bộn bề với công việc trên mặt trận mới nhưng tình đồng chí, đồng đội thì không ai có thể quên được và họ tìm đến nhau để thành lập ra Ban liên lạc truyền thống Đoàn tàu không số.
Từ khi BLL truyền thống Đoàn tàu Không số đầu tiên được thành lập ở Hải Phòng, Quảng Ninh năm 1994, đến năm 2005 hầu hết các tỉnh ven biển đã thành lập được ban liên lạc ở các địa phương và đi vào hoạt động hiệu quả.
Để thống nhất hoạt động của Ban liên lạc Đoàn tàu Không số của các tỉnh, thành trong toàn quốc, đồng thời để quy tụ được tất cả các lực lượng ở cơ quan chỉ đạo, chỉ huy, các đơn vị cấp hàng, kho tàng và bốc xếp hàng hoá, vũ khí ở các bến bãi dọc theo chiều dài bờ biển, các đồng chí đã công tác ở Lữ đoàn 125 các thời kỳ, các tập thể cá nhân khác..., cuối tháng 3-2008, các ban liên lạc đã tổ chức hiệp thương tại Hội trường Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) để thành lập Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc và bầu 19 đồng chí vào Ban chấp hành Hội.
Để phù hợp với hoạt động của Hội trong giai đoạn mới, tháng 10-2016, Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển toàn quốc đã đổi tên thành Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam. Từ cuối tháng 8-2008 đến nay, Ban chấp hành trực tiếp điều hành mọi hoạt động theo Quy ước của Hội và Điều lệ Cựu chiến binh Việt Nam.
Ban liên lạc truyền thống Đoàn tàu không số trước đây và Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam hiện nay không chỉ làm tốt việc động viên, giúp đỡ hội viên vượt qua những khó khăn thường ngày mà còn tích cực đề nghị với cấp trên và cơ quan chính sách giải quyết các tồn đọng trong chiến tranh và tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội.
Chỉ tính từ năm 2008 đến nay, Hội đã làm công tác từ thiện, xã hội được hơn 45 tỷ đồng; tự đóng góp xây dựng 556 ngôi nhà tình nghĩa cho đồng đội và ủng hộ xây dựng được 60 ngôi nhà cho các đối tượng khác. Trong hoạt động chính trị-xã hội, nhiều đồng chí trở thành cán bộ cao cấp, giữ các cương vị trọng trách trong Quân đội và nhiều bộ, ngành của Nhà nước. Trong lao động sản xuất và làm kinh tế, nhiều đồng chí trở thành chủ tịch tập đoàn, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc các doanh nghiệp lớn… Hàng chục đồng chí có trang trại nông, lâm, ngư nghiệp; nhiều đồng chí có cửa hàng buôn bán, dịch vụ… và đã giải quyết việc làm cho trên 3 vạn lao động là nhân dân các địa phương và con em các hội viên.
Nhiều đồng chí hội viên đã góp phần to lớn vào công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh và đóng góp không nhỏ vào chương trình an sinh xã hội ở các địa phương. Nổi bật là đồng chí Đào Hồng Tuyển, Phó Chủ tịch thường trực Hội-Chủ tịch Tập đoàn Tuần Châu đã xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững, biến Tuần Châu từ một hòn đảo nghèo, hoang sơ trở thành một khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế như hiện nay. Đồng chí Hoàng Văn Thiềng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch quốc tế Hòn Dấu đã biến vùng nước trên biển sâu phía Đông Nam bán đảo Đồ Sơn thành Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu, thành một Đà Lạt thu nhỏ ở khu vực này.
Về giải quyết các tồn đọng sau chiến tranh, từ năm 2008 đến nay, Ban chấp hành hội đã tích cực đề nghị Bộ Tư lệnh Hải quân đề nghị Bộ Quốc phòng và Nhà nước tiếp tục giải quyết các chế độ chính sách và khen thưởng cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Cụ thể từ năm 2008 đến nay, Nhà nước đã tặng một Huân chương Hồ Chí Minh cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng phục vụ ở Đường Hồ Chí Minh trên biển nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh (10-2011). Nhà nước tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho 7 đơn vị và 12 cá nhân; tặng Huân chương, Huy chương Chiến sĩ Giải phóng các hạng cho 738 đồng chí; thẩm định và quyết định cho 1.082 đồng chí hội viên được hưởng chế độ trợ cấp đi B.
Để đồng bào, chiến sĩ cả nước hiểu thêm về Đoàn tàu Không số và các lực lượng làm nhiệm vụ trên con đường biển mang tên Bác, Ban chấp hành Hội đã tổ chức cho đại diện các lực lượng của cơ quan, tàu vận chuyển và lực lượng ở bến bãi bốc xếp vũ khí đạn dược trở lại thăm chiến trường xưa và xây dựng hai tập phim “Trở lại chiến trường xưa” phát trên Đài Truyền hình Việt Nam.
Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, Hội đã đề nghị cho xuất bản cuốn sách “Huyền thoại Tàu không số” phát hành trên toàn quốc. Hội còn xây dựng 10 tập phim “Huyền thoại tàu Không số” phát trên Đài Truyền hình Việt Nam và đài phát thanh, truyền hình của nhiều tỉnh, thành trong cả nước; kết hợp với Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh xây dựng bộ phim “Đường Hồ Chí Minh trên biển” dài 40 tập…
Để tôn vinh những địa danh, những bến bãi bốc, xếp dỡ hàng hoá của Đoàn tàu không số, hội đã tích cực đề nghị Quân chủng Hải quân cho xây dựng các cụm bia di tích bến tàu Không số ở các địa phương ven biển. Đến nay, Quân chủng phối hợp với các địa phương xây dựng được 7 khu di tích Tàu không số. Khu di tích bến K15 Đồ Sơn (Hải Phòng), bến Hòn Hèo (Khánh Hoà), bến Vàm Lũng (Cà Mau) đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.
Để có nơi thờ cúng các anh hùng, liệt sĩ Đoàn tàu không số, hội cùng Lữ đoàn 125 xây dựng Đền thờ tại Cát Lái, TP. Hồ Chí Minh và khánh thành cuối tháng 4-2017. Hội cũng phối hợp và đề nghị tỉnh Bến Tre đẩy nhanh tiến độ xây dựng Công viên văn hoá Đường Hồ Chí Minh trên biển tại huyện Thạnh Phú với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Riêng đền thờ các anh hùng, liệt sĩ và khu trưng bày các hình ảnh hiện vật tại Di tích lịch sử Quốc gia bến K15 Đồ Sơn, hội đã đề nghị và TP. Hải Phòng sẽ khởi công xây dựng trong thời gian tới với tổng kinh phí dự toán gần 200 tỷ đồng.
Với những kết quả và đóng góp trên, hội được Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bức trướng mang dòng chữ: “Đoàn kết nhân ái, Chung thuỷ nghĩa tình, Dựng xây đất nước”. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ tư lệnh Hải quân tặng 10 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân trong Hội. Kỷ niệm 60 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển, 1.582 hội viên, trong đó có 1.210 hội viên nhập ngũ trước ngày 30-4-1975 trực tiếp công tác, chiến đấu ở Đường Hồ Chí Minh trên biển và 372 hội viên nhập ngũ sau ngày đất nước thống nhất đang đẩy mạnh phong trào thi đua phát huy truyền thống làm 60 việc tốt, góp phần trực tiếp vào xây dựng quê hương, đất nước mạnh giàu và hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ của người cựu chiến binh Việt Nam trong giai đoạn mới.
Theo baohaiquanvietnam.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận