Phát huy chiến công giải phóng Trường Sa, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
Giải phóng quần đảo Trường Sa góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là chiến công xuất sắc của Quân chủng Hải quân. Và hôm nay cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân đã và đang phát huy truyền thống nỗ lực khắc phục khó khăn, nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Từ chiến công giải phóng Trường Sa
Trước những thắng lợi giòn giã trên chiến trường, đầu năm 1975, Bộ Chính trị họp quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với mở chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị chỉ đạo Quân ủy Trung ương phối hợp mở hướng tiến công chiến lược trên biển để giải phóng quần đảo Trường Sa, thu non sông về một mối.
Ngày 4-4-1975, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã gửi bức điện đặc biệt cho Quân chủng Hải quân và Quân khu 5 giao nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa do quân đội ngụy quyền Sài Gòn đóng giữ. Bức điện ghi rõ: “Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ thì kịp thời giải phóng quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”.
Với phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ và chắc thắng”, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, phối hợp với một bộ phận lực lượng của Quân khu 5, tranh thủ thời cơ, tiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Ngày 11-4-1975, lực lượng của ta bí mật xuất phát từ Đà Nẵng và chọn đảo Song Tử Tây làm mục tiêu giải phóng đầu tiên. Rạng sáng ngày 14-4-1975, quân ta bí mật đổ bộ nhanh chóng giải phóng đảo Song Tử Tây. Phát huy khí thế tiến công thần tốc, thừa thắng xốc lên, quân ta lần lượt giải phóng các đảo Sơn Ca (25-4), Nam Yết (27-4), Sinh Tồn (28-4), Trường Sa (29-4). Chỉ trong thời gian ngắn, Quân chủng Hải quân đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng-giải phóng quần đảo Trường Sa với hiệu suất chiến đấu cao nhất, tổn thất ít nhất. Sau khi giải phóng, các lực lượng đổ bộ nhanh chóng tổ chức phòng ngự, chốt giữ, bảo vệ, không cho địch phản kích tái chiếm đảo.
Chiến công giải phóng Trường Sa đã cho thấy, Quân chủng Hải quân và các lực lượng phối hợp, hiệp đồng luôn quán triệt, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, quyết tâm tác chiến; đoàn kết, khắc phục khó khăn; biết nắm bắt và triệt để tận dụng thời cơ; nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch; táo bạo, mưu trí, dũng cảm chiến đấu; đặc biệt là bộ đội luôn có ý thức rất cao về chủ quyền và trách nhiệm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa là sự tiếp nối huyền hoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển” của Đoàn 125-Đoàn tàu Không số và những chiến công độc đáo, táo bạo trên chiến trường Quảng Trị của Đặc công Hải quân. Chiến công đó khẳng định tầm nhìn chiến lược và sự chỉ đạo sáng suốt, kịp thời của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc
Vùng 4 Hải quân có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển, đảo Nam Trung Bộ, trong đó có vùng biển, đảo chiến lược Trường Sa. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình trên biển và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 luôn đoàn kết thống nhất, khắc phục khó khăn, nêu cao cảnh giác, SSCĐ, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Phát huy chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh giáo dục, quán triệt cho bộ đội nắm vững tình hình nhiệm vụ; xác định rõ đối tác, đối tượng và các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động xâm phạm chủ quyền của nước ngoài; tư tưởng chỉ đạo, phương châm, đối sách xử trí các vấn đề trên biển của Đảng, Nhà nước. Cùng với đó, Vùng luôn coi trọng giáo dục cho bộ đội về truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc, đặc biệt là chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa góp phần củng cố niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ vào cách đánh và vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có của ta.
Do đặc điểm nhiệm vụ và địa bàn đóng quân của Vùng 4 rộng, các đơn vị thường xuyên hoạt động độc lập và xử trí các tình huống phức tạp trên biển nên tác động không nhỏ tới tư tưởng bộ đội. Cấp ủy các cấp tăng cường nắm, dự báo, quản lý, định hướng và giải quyết kịp thời những vướng mắc nảy sinh; ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhất là đối với đơn vị đóng quân trên đảo xa, các tàu hoạt động liên tục, dài ngày trên biển. Các tổ chức đảng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng… Nhờ đó, những năm gần đây, Đảng bộ Vùng luôn trong sạch vững mạnh, Vùng vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương về “Nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo”, Vùng 4 tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ của đơn vị. Trong đó, Vùng coi trọng đổi mới nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp quản lý, điều hành huấn luyện. Các cơ quan, đơn vị đã chú trọng huấn luyện cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp tàu, đại đội, hải đội, tiểu đoàn và tương đương về chiến thuật, kỹ thuật, trình độ tổ chức chỉ huy nhằm nâng cao năng lực ứng phó, xử trí các tình huống phức tạp có thể xảy ra. Các đơn vị, nhất là khối đảo và khối tàu chủ động huấn luyện thành thạo chiến thuật từ cấp trung đội đến tiểu đoàn; tích cực làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại đồng thời tăng cường huấn luyện khả năng cơ động, hiệp đồng và huấn luyện trong điều kiện thời tiết phức tạp… Qua các đợt của cấp trên, Vùng luôn hoàn thành tốt và xuất sắc công tác huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu.
Vùng 4 luôn thường xuyên quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Các cơ quan, đơn vị thuộc Vùng duy trì nghiêm chế độ, nền nếp và hệ thống trực sẵn sàng chiến đấu; tích cực tổ chức luyện tập, diễn tập, qua đó bổ sung, điều chỉnh các phương án tác chiến phù hợp với tình hình thực tiễn; kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng xử trí tốt các tình huống trên biển, không để bị động, bất ngờ.
Để tăng cường xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” vững chắc, liên hoàn bờ-biển-đảo, Vùng đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi đóng quân và các lực lượng trên biển, xây dựng kế hoạch, phương án chiến đấu tại chỗ, bảo vệ doanh trại, kho tàng, bến cảng… Đồng thời, tích cực tham gia diễn tập tác chiến khu vực phòng thủ, diễn tập tìm kiếm, cứu nạn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Cùng với nâng cao khả năng bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, các cơ quan, đơn vị toàn Vùng luôn duy trì đầy đủ lượng dự trữ vật chất hậu cần chiến đấu và bảo đảm tốt tình trạng kỹ thuật cho vũ khí, trang bị. Các phương thức bảo đảm hậu cần, kỹ thuật được nghiên cứu, đổi mới để đáp ứng yêu cầu bảo đảm hậu cần, kỹ thuật cho tất cả các tình huống trên biển có thể xảy ra. Công tác tăng gia, sản xuất, chăm sóc sức khỏe, nuôi dưỡng bộ đội luôn được các cấp coi trọng, nhiều mô hình tăng gia sản xuất hiệu quả ra đời góp phần cải thiện, nâng cao đời sống và sức khỏe bộ đội, nhất là bộ đội tàu, đảo.
Các cơ quan, đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng huấn luyện kỹ thuật, huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại và đưa vào khai thác, sử dụng bảo đảm an toàn tuyệt đối. Ngành Kỹ thuật đã chủ động, tập trung mọi nguồn lực triển khai bảo đảm đầy đủ, kịp thời vũ khí trang bị kỹ thuật cho các nhiệm vụ, đặc biệt là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bắn đạn thật, tuần tra, quản lý bảo vệ vùng biển, kiểm soát ngư trường, bảo vệ hoạt động kinh tế của ta trên biển...
46 năm đã trôi qua, chiến công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Hải quân Nhân dân Việt Nam đã trở thành một mốc son lịch sử, là một đóng góp to lớn vào Đại thắng mùa Xuân 1975. Phát huy tinh thần chiến công giải phóng quần đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân hôm nay luôn khắc phục khó khăn, tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu vươn lên, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.
Thượng tá Trần Mạnh Chiến
Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 Hải quân
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận