Phát triển kinh tế rừng và biển trên quê hương Quảng Bình

14:12 13-07-2021

VBĐVN.vn - 64 năm về trước, ngày 16-6-1957, Bác Hồ vào thăm Quảng Bình, Người căn dặn: “Nghề biển, nghề rừng cũng quan trọng không kém nghề ruộng. Quảng Bình có những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có. Nếu biết dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho Nhà nước”.

Từ đó đến nay, Quảng Bình đã không ngừng nỗ lực để phát huy thế mạnh của rừng và biển, mang lại sự đổi thay trên quê hương “Hai giỏi” kiên cường.

Ngày ấy, Bác về thăm Quảng Bình, dù thời gian ngắn ngủi, Người đã chỉ ra những thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là thế mạnh về rừng và biển mà ở thời điểm đó, do bối cảnh chiến tranh, vẫn đang ở dạng tài nguyên, chưa có điều kiện khai thác hiệu quả, vạch ra hướng đi vững vàng cho Quảng Bình với thế “chân kiềng” là rừng - biển - ruộng và cả “những thứ đặc biệt mà các nơi khác trên miền Bắc ít có”. Người nhắc nhở rằng: “dùng đúng và dùng tốt tài nguyên và lao động thì Quảng Bình sẽ giàu có, không những đời sống nhân dân trong tỉnh được nâng lên mà còn đóng góp một phần quan trọng cho Nhà nước”.

Với hệ thống gần 300 hang động được khai thác hiệu quả, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành dấu son trên bản đồ du lịch thế giới. Ảnh: Đức Trí

Khắc ghi lời căn dặn đó của Người, ở từng giai đoạn khác nhau, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng chiến lược và giải pháp phù hợp để phát triển tài nguyên rừng và biển. Trải qua hành trình dài với nhiều khó khăn, thách thức, đến thời điểm này, có thể khẳng định, Quảng Bình đang khai thác tài nguyên nói chung, rừng và biển nói riêng, theo hướng bền vững.

Để duy trì được tỷ lệ che phủ rừng với 67,88%, những năm gần đây, Quảng Bình trở thành tỉnh có độ che phủ rừng xếp thứ hai cả nước. Hàng chục năm qua, cùng với việc bảo vệ nghiêm ngặt các diện tích rừng tự nhiên, Quảng Bình đã trồng mới hàng trăm nghìn héc ta rừng. Riêng trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh trồng được 42.212ha. Sản xuất lâm nghiệp chuyển mạnh theo hướng từ chủ yếu khai thác sang hướng bảo vệ, xây dựng, phát triển rừng, với nhiều thành phần xã hội cùng tham gia nhằm duy trì, bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này.

Thực hiện lời Bác Hồ dạy, Quảng Bình đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển lâm nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hộ gia đình có thể phát triển rừng. “Nuôi rừng để rừng nuôi”, không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định, mà còn bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì “lá phổi xanh”. Từ trồng rừng để thoát nghèo, Quảng Bình đã từng bước vươn lên để làm giàu từ vốn rừng và bước tiến cao hơn nữa là khai thác tối ưu tiềm năng rừng để phát triển du lịch, ngành được mệnh danh là “con gà đẻ trứng vàng”.

Điển hình là Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, với hệ thống rừng nguyên sinh bạt ngàn, có tính đa dạng sinh học cao và gần 300 hang động lớn, nhỏ trong khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt, đã và đang được khai thác hiệu quả, đưa rừng Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành dấu son trên bản đồ du lịch thế giới.

Về tài nguyên biển, với bờ biển dài trên 116km, 5 cửa sông, hệ thống cảng, vịnh biển... là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Quảng Bình. Bờ biển với thắng cảnh đẹp, thềm lục địa rộng gấp 2,6 lần diện tích đất liền đã mở ra tiềm năng du lịch, đồng thời, tạo cho Quảng Bình một ngư trường rộng lớn với trữ lượng hải sản dồi dào, phong phú về loài, trong đó có nhiều loài quý hiếm.

Vùng ngoài khơi của biển có hệ thống gồm 5 đảo nhỏ tạo ra những vịnh có vị trí thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động liên quan đến kinh tế biển như vận tải biển, phát triển kinh tế hàng hải và du lịch biển, đảo. Tất cả những tiềm năng, lợi thế đó đã được Bác Hồ chỉ rõ và khẳng định tầm quan trọng cũng như gợi mở hướng đi cho Quảng Bình đến con đường ấm no bằng “nghề biển” từ 64 năm về trước. Để bây giờ, Quảng Bình tự hào là một trong những địa phương sở hữu đội tàu cá lớn và hiện đại trong nhóm dẫn đầu cả nước với hơn 6.000 tàu cá, trong đó có 1.200 tàu cá hiện đại, công suất lớn, chuyên khai thác hải sản ở ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa.

Vẻ đẹp hoang sơ của động Phong Nha chính là điểm hấp dẫn thu hút khách du lịch đến với Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng. Ảnh: Đức Trí

Ngư dân Quảng Bình không chỉ làm giàu từ biển, mà đã đóng góp sức mình bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các mô hình tổ hợp tác, tổ đoàn kết trên biển ngày càng phát triển, gia tăng sức mạnh và tinh thần đoàn kết của ngư dân, khẳng định hướng đi đúng đắn và hiệu quả của tỉnh trong khai thác tài nguyên biển.

Trong giai đoạn phát triển mới, Quảng Bình đã xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Trong đó, chú trọng chuyển đổi khai thác hải sản truyền thống sang khai thác ứng dụng công nghệ cao, giảm khai thác hải sản gần bờ, đẩy mạnh khai thác xa bờ để phù hợp với từng vùng biển và khả năng phục hồi của hệ sinh thái; hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản ven biển...

Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đang đặt mục tiêu phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, kiểm soát khai thác tài nguyên biển, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nâng cao đời sống người dân vùng biển, thu hút đầu tư hạ tầng vùng biển, ven biển. Từ những hiệu quả đã đạt được trong khai thác tài nguyên rừng và biển, mục tiêu đưa Quảng Bình trở thành một tỉnh giàu có, đời sống nhân dân được nâng lên, đóng góp một phần cho đất nước như lời dạy của Bác Hồ năm xưa đang dần trở thành hiện thực. Để hôm nay, dù còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng quân và dân tỉnh Quảng Bình đã có thể tự hào vì đã nỗ lực khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của quê hương, xứng đáng với niềm tin và lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.

Văn Nam (theo bienphong.com.vn)

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang