Phát triển nuôi trồng biển theo hướng bền vững

07:03 09-04-2021

Tiềm năng lớn để phát triển

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) cho biết, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển nuôi biển, là quốc gia đứng thứ 4 thế giới về nuôi trồng thủy sản. Từ năm 2007, sản lượng nuôi trồng thủy sản của Việt Nam đã vượt trên sản lượng khai thác thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vượt 9 tỉ USD năm 2018, đứng thứ 5 thế giới.

Theo Tổng cục Thủy sản, Việt Nam có tiềm năng nuôi biển lớn với diện tích nuôi biển ước đạt 500.000 ha; trong đó, vùng bãi triều 153.300 ha, vùng vũng vịnh và ven đảo 79.790 ha, biển xa bờ 166.910 ha.

Nuôi biển đã và đang phát triển tại nhiều địa phương trên cả nước như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Phú Yên, Kiên Giang, Cà Mau. Đối tượng nuôi biển chính của Việt Nam bao gồm các nhóm nhuyễn thể, cá biển, giáp xác, rong tảo biển, hải sâm, sinh vật cảnh…

Tổng diện tích nuôi biển năm 2010 của Việt Nam đạt 38.800 ha, đến năm 2019 đạt 256.479 ha với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 23.3%/năm. Việt Nam hiện có 51 cơ sở sản xuất giống cá biển, sản lượng sản xuất thực tế đạt 509 triệu con, 764 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp. Thị trường tiêu thụ sản phẩm qua chế biến của Việt Nam chủ yếu là các nước EU, Mỹ và Nhật Bản.

Nuôi biển đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế ở các vùng nông thôn ven biển; giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh vùng ven biển, đóng góp lớn vào công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Nuôi cá lồng bè tại đảo Ông Cụ (TP.Cẩm Phả, Quảng Ninh). (Ảnh: dantri.com.vn)

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các tỉnh ven biển rà soát, hoàn thiện Đề án phát triển nuôi biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Theo đó, đề án phát triển nuôi biển, bao gồm cả nuôi và trồng các đối tượng thủy sinh vật - nuôi trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới và tổ chức lại sản xuất, xây dựng các chuỗi giá trị xuyên suốt cho từng nhóm sản phẩm, trong đó doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp là yếu tố then chốt trong đề án nói trên.

Gắn với bảo vệ môi trường và biển đảo

Đối với nuôi biển ven bờ, đảo gần bờ, từng bước hình thành và phát triển các khu nuôi biển tập trung với cơ cấu và tổ chức sản xuất hợp lý, gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp sức tải môi trường. Các địa phương cần xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị cho từng nhóm sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc và được chứng nhận chất lượng, gắn kết doanh nghiệp, hợp tác xã và ngư dân từ sản xuất giống, thức ăn, công nghiệp phụ trợ đến nuôi, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, chế biến công nghiệp, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

Đối với nuôi biển xa bờ, xây dựng và áp dụng thí điểm các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi biển công nghiệp về giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; đầu tư, thuế, tín dụng, bảo hiểm để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư nuôi biển. Hình thành và phát triển các cộng đồng doanh nghiệp lớn tham gia nuôi biển công nghiệp xa bờ tại các tỉnh trọng điểm như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang và một số địa phương có lợi thế.

Phát triển mạnh nuôi cá biển công nghiệp xa bờ; xây dựng ngành công nghiệp nuôi biển xa bờ đồng bộ, hiện đại, đa dạng sản phẩm, năng suất cao, có chứng nhận chất lượng và chỉ dẫn địa lý, có khả năng cạnh tranh và hội nhập kinh tế thế giới; gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, quốc phòng, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Các địa phương sớm tổ chức lại sản xuất vùng nuôi lồng bè gần bờ, chuyển đổi dần các mô hình sản xuất từ vùng eo ngách ra vịnh hở ở quy mô nuôi công nghiệp. Ưu tiên phát triển các mô hình nuôi đa loài, nuôi kết hợp cá biển với nhuyễn thể, rong tảo biển, giáp xác, tận dụng chuỗi thức ăn và bảo đảm cân bằng môi trường sinh thái.

Phát triển du lịch sinh thái

Riêng vùng biển và ven biển bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận), phát triển các trung tâm nuôi biển gắn với chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá. Phát triển mạnh nuôi biển, đặc biệt là nuôi biển xa bờ ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận với các đối tượng lợi thế như tôm hùm, cá biển, rong tảo biển, nhuyễn thể, sinh vật cảnh và nghề cá giải trí.

Đối với nuôi biển trong ao, đầm, cần áp dụng phương thức nuôi quy mô công nghiệp, nuôi kết hợp các loài hải sản theo hình thức hữu cơ, sinh thái, bảo đảm sức tải môi trường; mở rộng việc áp dụng các công nghệ nuôi hiện đại như công nghệ nuôi tuần hoàn (RAS), công nghệ tạo dòng chảy trong ao (Raceway), công nghệ sông trong ao (River in pond) cho các trại sản xuất giống và nuôi biển.

Đối với nuôi lồng bè xa bờ, vùng biển hở, cần sử dụng đại trà các mô hình nuôi hiện đại, sử dụng lồng nổi bằng nhựa cứng HDPE, lồng nổi bằng kết cấu thép, các loại lồng chìm và bán chìm có kết cấu và vật liệu đa dạng, thích hợp với từng đối tượng nuôi, chịu được biến động thời tiết và sóng, bão; gắn kết hài hòa nuôi biển với dịch vụ, du lịch sinh thái biển, dầu khí, điện gió…

Hệ thống lồng nuôi tôm hùm ở khu vực Hòn Yến, huyện Tuy An (Phú Yên). (Ảnh: Trọng Ðạt/TTXVN)

Xây dựng chính sách tín dụng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đang triển khai sửa đổi Nghị định 51 về quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển cho phù hợp với luật Thủy sản 2017. Các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng hiện hành đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có ngành nuôi biển, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người nuôi biển tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Bộ cũng đang xây dựng chính sách tín dụng thương mại theo chuỗi giá trị có tính tới quy mô thị trường, chủ thể tham gia chuỗi, nhu cầu tài chính và các dịch vụ đi kèm đối với doanh nghiệp công nghiệp nuôi biển. Đồng thời rà soát và hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển bảo hiểm trong chuỗi giá trị nuôi biển theo hướng ổn định, dài hạn, bình đẳng giữa các đối tượng tham gia mua và bán bảo hiểm; hỗ trợ bảo hiểm theo chuỗi giá trị, trong đó ưu tiên hỗ trợ lãi suất và phí bảo hiểm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nuôi biển công nghiệp xa bờ, công nghiệp phụ trợ, chế biến sản phẩm công nghệ cao, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng; hỗ trợ đầu tư các mô hình nuôi biển công nghiệp xa bờ, ưu đãi cho các mô hình chuyển đổi từ nuôi biển thủ công truyền thống sang mô hình nuôi biển công nghiệp.

Nghiên cứu du nhập, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới vào nuôi biển, áp dụng công nghệ 4.0 cho những vùng nuôi biển tập trung. Tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác chuyển giao khoa học công nghệ; thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách cho các dự án nghiên cứu thử nghiệm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, nuôi lồng bè công nghiệp ở các vùng biển xa, biển hở; hỗ trợ một phần cho các doanh nghiệp để nhập công nghệ, chuyển giao công nghệ nuôi, sản xuất giống nhân tạo các đối tượng nuôi biển.

Trao đổi với Báo Phú Yên về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, mục tiêu đến năm 2025 diện tích nuôi biển đạt khoảng 280.000 ha, thể tích lồng nuôi khoảng 10,5 triệu m3, sản lượng đạt khoảng 850.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8-1 tỉ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt khoảng 290.000 ha, thể tích lồng nuôi khoảng 12 triệu m3, sản lượng đạt khoảng 1,45 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu hải sản nuôi đạt 3-4 tỉ USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam có nền công nghiệp nuôi biển tiên tiến, phát triển bền vững, với công nghệ hiện đại và phương thức quản lý khoa học. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận chính của kinh tế biển nước ta; sản lượng nuôi biển đạt 3 triệu tấn/năm, giá trị thương mại và xuất khẩu trên 10 tỉ USD.

Nguồn:kinhtemoitruong.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang