Phía sau vùng biển bình yên
VBĐVN.vn - Vùng biển mà Vùng Cảnh sát biển (CSB) 4 quản lý có diện tích hơn 150.000km2, giáp ranh với vùng biển các nước: Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Campuchia. Đây là nơi tàu thuyền đi lại, đánh bắt hải sản tấp nập nhất cả nước và cũng ẩn chứa nhiều hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu phức tạp. Dù lực lượng còn mỏng nhưng cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 4 vẫn phát hiện, bắt giữ được các đối tượng vận chuyển, buôn lậu... Vậy, các cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 4 đã làm thế nào để giữ cho vùng biển bình yên?
Trung tá Nguyễn Văn Học, một cán bộ nhiều kinh nghiệm đi biển và đảm nhận chức vụ Hải đội trưởng Hải đội 421 (Vùng CSB 4), trải lòng: "Đây là khu vực biển tiếp giáp với nhiều nước, trong đó có cả những nơi chưa phân định nên nhiều đối tượng tập trung đến đây đánh bắt hải sản trái phép, tranh chấp ngư trường, tổ chức cướp có vũ trang. Tuy nhiên, vấn đề nóng bỏng nhất trên vùng biển này là hiện tượng buôn lậu và gian lận thương mại, đặc biệt là hiện tượng vận chuyển, buôn lậu xăng dầu".
Hải đội trưởng Hải đội 421 Nguyễn Văn Học quê ở Hải Hậu, Nam Định thông tin thêm về những thủ đoạn trong buôn lậu, gian lận thương mại. Theo đó, các đối tượng buôn lậu xăng dầu trên biển thường dùng phương tiện ngụy trang, giả dạng tàu của ngư dân để mua dầu từ tàu nước ngoài với giá rẻ rồi bán ngay cho các tàu cá khác đang khai thác, đánh bắt trên biển hoặc đại lý xăng dầu trên bờ. Một số chủ tàu cá được phép bán lẻ dầu đã mua dầu của các tàu chở dầu trên biển để bán lại cho ngư dân. Các đối tượng này thường quan sát, phát hiện lực lượng chức năng từ xa để lảng tránh. Chúng thường lợi dụng đêm tối, sương mù, thời tiết thuận lợi để vận chuyển, sang mạn. Để đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, các đối tượng buôn lậu xăng dầu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như lắp đặt các thiết bị hiện đại trên tàu để giám sát phương tiện của lực lượng chức năng, hòng nhanh chóng tẩu thoát. Hay sử dụng trung gian để mua bán xăng dầu trên biển khép kín. Việc giao nhận xăng dầu diễn ra trên biển, nhưng việc giao nhận tiền lại được thực hiện tinh vi, bài bản, người nhận tiền là người địa phương khác và chỉ sử dụng điện thoại bằng sim "rác" để liên lạc. Do vậy, nếu bị cơ quan chức năng bắt giữ thì việc xác định chủ buôn lậu xăng dầu gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, khi bị vây bắt, có tàu lợi dụng thời tiết sóng gió, đêm tối, liều lĩnh chống trả quyết liệt, tẩu thoát qua vùng biển của quốc gia khác.
Để làm rõ hơn cách thức tác nghiệp của cán bộ, chiến sĩ Vùng CSB 4 trong đấu tranh với những đối tượng vận chuyển xăng dầu lậu trên biển hiệu quả, chúng tôi xuống tàu CSB 2004 do Thượng úy Nguyễn Văn Lợi làm thuyền trưởng. Chàng trai sinh năm 1993, quê ở Thanh Chương, Nghệ An thổ lộ, ngoài tận dụng thông tin do cấp trên hoặc các đơn vị bạn, ngư dân cung cấp, tàu CSB thường tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ đội Biên phòng các tỉnh trong khu vực, radar của Vùng 5 Hải quân để nắm tình hình, phát hiện đối tượng từ xa, tổ chức lực lượng mật phục, đón lõng. Một trong những biện pháp mà tàu CSB 2004 thường thực thi là tăng cường tuần tra, quan sát, luôn nêu cao cảnh giác, phát hiện đối tượng buôn lậu thông qua những dấu hiệu bất thường trên biển. Bằng các biện pháp nghiệp vụ ấy, từ đầu năm 2022 đến nay, Thượng úy Nguyễn Văn Lợi cùng đồng đội đã trực tiếp bắt 1 tàu vận chuyển dầu DO từ nước ngoài về và chỉ điểm bắt 1 tàu buôn lậu khác.
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Lợi kể, khoảng gần 9 giờ sáng ngày 16-2-2022, khi tàu CSB 2004 đang trong hành trình tuần tra với tốc độ hơn 7 hải lý/giờ, cách Nam Tây Nam Côn Đảo khoảng 120 hải lý, sau khi quan sát bằng ống nhòm đã phát hiện một chiếc tàu đi từ hướng Malaysia về Việt Nam, hướng về Côn Đảo có vẻ chở đầy tải, bởi từ khoảng cách 4 đến 5 hải lý, Thượng úy Nguyễn Văn Lợi không phát hiện được khoảng cách giữa mép mạn tàu và mặt nước biển. Điều đó khiến anh nghi ngờ. Thượng úy Nguyễn Văn Lợi lệnh cho hàng hải bẻ lái, hướng tàu lạ; lệnh cho 3 máy đi tốc độ 2.000 để vượt lúc biển động nhằm đón đầu. Khi gần đến nơi, tàu CSB 2004 phát 3 hồi còi. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Lợi lệnh cho bộ phận tuyên truyền đặc biệt mở loa công suất cao, yêu cầu tàu cá dừng lại để lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, kiểm tra hành chính.
Tuy nhiên, chiếc tàu lạ bẻ lái, tăng tốc và chạy về hướng biển nước ngoài. Trước tình huống này, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Lợi lệnh cho hàng hải bẻ lái; lệnh cho 3 máy về 1.400 để tì đè, áp mạn trái tàu lạ. Sau khi lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện tàu cá mang số hiệu KG 95548 TS vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Trước những chứng cứ rõ ràng, chủ tàu là Tống Thị Thanh Thúy, có hộ khẩu thường trú tại phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và Thuyền trưởng Trần Thanh Tùng, sinh năm 1972, hộ khẩu thường trú tại phường Tân Long, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã chấp nhận ký biên bản, bị tàu CSB 2004 áp tải về bờ, bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý.
Tìm ra căn nguyên, thủ đoạn của các hành vi gian lận thương mại, buôn lậu trên biển khó khăn hơn nhiều lần trên đất liền vì biển rộng, sóng lớn và thời tiết phức tạp. Cho dù được trang bị hệ thống phương tiện kỹ thuật, khí tài hiện đại nhưng cũng rất khó phát hiện từ xa vì các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại luôn tìm mọi cách để đối phó với lực lượng chức năng. Thế nên, biện pháp hiệu quả hiện nay vẫn là nêu cao cảnh giác, đề cao tinh thần trách nhiệm, sử dụng thuần thục kỹ năng nghiệp vụ... Với hiệu quả công việc đạt được, họ trở thành khắc tinh của tội phạm trên vùng biển Tây Nam. Có họ, biển bình yên và Tổ quốc vững vàng.
Tính đến đầu tháng 5-2022, Vùng CSB 4 đã tổ chức 25 chuyến với 32 lượt phương tiện tuần tra, kiểm soát, thực thi pháp luật trên biển. Đã phát hiện, kiểm tra, tiếp nhận xử lý 19 vụ/21 tàu. Xử phạt và đề xuất thủ trưởng Bộ tư lệnh CSB ra quyết định xử phạt 17 vụ/19 tàu với số tiền xử phạt 923.950.000 đồng; tịch thu 522.643 lít dầu DO và 21.252kg phế liệu nhựa; bán tài sản, sung quỹ Nhà nước 7.943.774.844 đồng; 1 vụ/1 tàu đang xử lý.
Theo qdnd.vn
Ý kiến bạn đọc
Tên của bạn
Địa chỉ email
Nội dung bình luận