Phóng viên “lính biển” tác nghiệp nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19

12:07 21-09-2021

VBĐVN.vn - “Tác nghiệp trên biển đã khó nhưng tác nghiệp trong môi trường dịch bệnh Covid-19 lại vô vàn khó hơn bởi phải mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, môi trường dễ lây nhiễm, tiếp xúc F0 bất cứ lúc nào mà mình không hề biết…”. Trung tá Phạm Quang Tiến, Báo Hải quân Việt Nam chia sẻ. Nhưng với trách nhiệm của một phóng viên, không ngại khó khăn, hiểm nguy, anh vẫn “lăn xả” trong tâm dịch suốt hơn 3 tháng qua với mong muốn mang thông tin nhanh chóng đến với độc giả, khán giả.

PV Trung tá Phạm Quang Tiến, Báo Hải quân Việt Nam tác nghiệp trên đảo Hải Tặc (Vùng biển, đảo Tây Nam).

Bản lĩnh và quyết tâm

Đợt dịch bệnh bùng phát lần thứ 4 tại thành phố Hồ Chí Minh diễn biến nhanh và rất phức tạp đòi hỏi tổng lực nhiều lực lượng tham gia phòng, chống dịch. Trong các lực lượng đó có các cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam được tăng cường để tham gia hỗ trợ chính quyền và nhân dân Thành phố phòng, chống dịch. Trung tá Phạm Quang Tiến, PV Báo Hải quân Việt Nam thường trú phía Nam đã luôn có mặt tại những điểm nóng, nơi có lực lượng Hải quân và các đơn vị quân đội tham gia giúp nhân dân phòng, chống dịch để đưa tin, viết bài tuyên truyền kịp thời trên các báo, đài Trung ương và địa phương, nhất là trên Báo và truyền hình Hải quân.

Theo Phóng viên (PV) Quang Tiến, để kịp thời tuyên truyền trên mọi chiến tuyến thì đội ngũ PV nói chung, các PV Hải quân nói riêng cũng phải tăng tần suất tác nghiệp, viết bài, đưa tin về công tác phòng, chống dịch lên gấp nhiều lần. Vì chỉ có một mình anh thường trú ở phía Nam nên phải tác nghiệp với phương châm “4 trong 1” tức là quay, chụp, dựng và viết chỉ có 1 mình anh. Có những lúc muốn dẫn hiện trường anh phải đặt máy ghi hình trước rồi tự mình dẫn chứ không nhờ được người hỗ trợ vì tất cả đang tập trung cho công việc “chống dịch như chống giặc”.

PV Quang Tiến tác nghiệp tại một điểm lấy mẫu test nhanh trên địa bàn TP. Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.

PV Quang Tiến chia sẻ: “Số ca mắc Covid-19 liên tục tăng khiến tôi rất lo lắng, hồi hộp. Lo lắng khi đi tác nghiệp trong mùa dịch vô tình “va” phải F0, F1 trong cộng đồng để rồi mình có mang nguồn lây nhiễm về nhà và lây cho vợ con hay không? Lo cho các đồng đội hàng ngày phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao liệu có đảm bảo an toàn không? Còn trong công việc thì lo phải tác nghiệp làm sao vừa nhanh, chính xác và chân thực về các hoạt động phòng, chống dịch của các lực lượng…”

“Dù đã có kinh nghiệm tác nghiệp trong các mùa dịch trước nhưng biến thể Delta lần này lây lan mạnh hơn nên rất cần sự tỷ mỷ, kiên trì trong công tác bảo hộ, sát khuẩn. Khi ấy, tôi chỉ biết cố gắng bảo vệ mình bằng khẩu trang, quần áo bảo hộ, nước rửa tay, đeo kính ngăn giọt bắn mỗi khi tiếp cận phỏng vấn các bệnh nhân và những trường hợp nghi nhiễm trong khu phong tỏa, khu cách ly… Cũng may, với nguyên tắc luôn đeo khẩu trang, kịp thời sát khuẩn, phòng dịch kỹ càng nên đến thời điểm này tôi vẫn giữ được an toàn để tiếp tục tham gia các mặt trận tác nghiệp”, PV Quang Tiến cho biết thêm.

PV Quang Tiến kể, để đảm bảo an toàn cho gia đình trong thời gian đi tác nghiệp, sau khi hoàn thành công việc trong ngày anh phải tiến hành sát khuẩn kỹ quần áo, phương tiện tác nghiệp và tìm nơi có nắng để phơi máy quay, máy ảnh khoảng 10 đến 15 phút; thay mới khẩu trang, bao tay rồi mới về nhà. Khi bước vào nhà việc đầu tiên là phải vào nhà tắm, trút toàn bộ đồ vào chậu rồi ngâm xà phòng, tắm rửa sạch sẽ rồi mới tiếp xúc với người trong nhà. Vì nhà có 2 con nhỏ nên anh phải luôn tự ý thức đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mình khi tác nghiệp. Những hôm tác nghiệp ở môi trường có F0, hoặc khả năng lây nhiễm cao là anh phải tự cách ly tại nhà bằng cách ăn riêng, ngủ, nghỉ riêng và không tiếp xúc gần với các thành viên trong gia đình. Anh còn chủ động mua dụng cụ để tự test nhanh hoặc đến các cơ sở y tế để xét nghiệm PCR 1 tuần/1 lần, có như vậy anh mới hoàn thành nhiệm vụ và vẫn có thể bảo vệ gia đình mình trước dịch bệnh.

Đại tá Đỗ Hồng Duyên, Chủ nhiệm Chính trị Vùng 2 Hải quân cho biết: “PV Quang Tiến rất tâm huyết và trách nhiệm với nghề, đặc biệt trong mùa dịch này anh đã “lăn xả” vào các điểm nóng của tâm dịch thành phố Hồ Chí Minh để tác nghiệp. Anh luôn có mặt kịp thời và đồng hành với các hoạt động của các lực lượng Hải quân tham gia giúp nhân dân phòng, chống dịch để tuyên truyền về hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ-Người chiến sĩ Hải quân” nơi tuyến đầu chống dịch. Mỗi bài báo, hình ảnh của anh là nguồn động viên vô cùng lớn để bộ đội thêm quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Tự hào là phóng viên tuyến đầu

Là phóng viên thường trú nhiều năm tại thành phố. Hồ Chí Minh nên khi dịch bùng phát anh đã chuẩn bị tốt tâm lý để sẵn sàng tác nghiệp. Đây là vinh dự, trách nhiệm lớn khi cùng các đồng nghiệp của mình tác nghiệp nơi tuyến đầu. Được thấy hình ảnh các lực lượng nhất là các chiến sĩ Hải quân không quản khó khăn, vất vả, không sợ lây nhiễm “lăn xả” vào tâm dịch để hỗ trợ địa phương phòng, chống dịch.

PV Quang Tiến tác nghiệp tại điểm Bệnh viện dã chiến.

Có lẽ mọi người hay thấy hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ vai vác súng, lưng đeo ba lô hành quân hay huấn luyện trên thao trường. Nhưng những ngày qua giữa trung tâm thành phố là hình ảnh những người lính ướt đầm mồ hôi vai vác gạo, tay xách rau, thịt, tôm cá đến từng ngõ nhỏ, đưa vào từng nhà dân đã để lại nhiều cảm xúc đối với bà con thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ chính những thời khắc ấy, hình ảnh ấy đã tạo động lực vô cùng lớn để anh sáng tạo tác phẩm nhanh hơn, đẹp hơn, kịp thời gửi đến bạn đọc.

Theo PV Quang Tiến, trong đại dịch đầy những thông tin thật có, giả cũng nhiều thì điều mà bất kỳ phóng viên nào khi tác nghiệp trong mùa dịch cũng băn khoăn, lo lắng chính là lượng thông tin giả, thông tin sai sự thật đang phát tán trên các trang mạng xã hội ngày càng nhiều. Điều này càng thôi thúc những phóng viên, người làm báo tâm huyết phải đi tìm hiểu, xác minh kỹ càng, tác nghiệp thực địa để có những thông tin chuẩn xác, trung thực nhất cho độc giả.

Anh kể, kỷ niệm có lẽ đối với anh đáng nhớ nhất là trong một lần tác nghiệp các hoạt động của bộ đội tham gia giúp địa phương vận chuyển lương thực, thực phẩm giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Thủ Đức. Hôm đó anh có phỏng vấn một cán bộ Mặt trận đang có mặt tại khu tập kết hàng hóa. Sau hai ngày thì anh nhận được điện thoại từ một bạn công tác ở Mặt trận TQVN thành phố Hồ Chí Minh báo với anh là nhân vật anh phỏng vấn hôm trước là bệnh nhân F0 mới được xét nghiệm sáng nay. Khi ấy anh cũng lo, nhưng tin tưởng vào công tác bảo hộ cá nhân nên anh đã quyết định tự cách ly 7 ngày để chờ test nhanh. Rất may là sau đó anh đã âm tính 3 lần liên tiếp và lại tiếp tục vào tâm dịch tác nghiệp.

Hình ảnh để lại ấn tượng sâu sắc nhất đối với anh là trong một lần tham gia với đơn vị trao quà hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn trên địa bàn TP. Thủ Đức. Khi vào khu nhà trọ thấy được sự thiếu thốn của người dân lao động tự do đang sống ở đây. Anh chia sẻ: “Nhìn giọt nước mắt của các bà, các chị không thể ngăn lại khi nhận nhu yếu phẩm hỗ trợ của bộ đội và địa phương mà tôi thực sự thấy thương vô cùng. Tình thương ấy thôi thúc tôi cần phải đẩy mạnh hơn nữa các tin, bài về sự khó khăn của người dân để các lực lượng kịp thời đến hỗ trợ. Để cùng thực hiện mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống Covid-19”.

PV Quang Tiến tác nghiệp tại Trung tâm cách ly tập trung Mầm non Sơn Ca, thành phố Thủ Đức.

Niềm tự hào của phóng viên tác nghiệp nơi tuyến đầu còn được anh chia sẻ đó là được phối hợp với đồng nghiệp “xông pha” vào những điểm nóng; hay mỗi khi tin, bài, ảnh và clip được đăng tải thì thủ trưởng đơn vị nhắn tin, gọi điện tới động viên, khích lệ; những cá nhân, tập thể được viết bài thì cảm ơn vì việc làm của họ được tuyên truyền kịp thời. Theo PV Quang Tiến: “Những gì tôi viết, tôi tuyên truyền chỉ một phần nhỏ thôi vì tôi không thể theo hết các hoạt động của các đơn vị được. Còn nhiều lắm những việc làm ý nghĩa, những câu chuyện cảm động mà tôi chưa thể tìm tới. Cuộc chiến của các lực lượng chống dịch là sự hy sinh trong thầm lặng, sự chiến đấu không có phút ngơi nghỉ. Bản thân tôi cũng chỉ làm tất cả bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình với mong muốn nói được tiếng nói của các anh, tuyên truyền được những thành quả trong phòng, chống dịch của các anh”.

Trong hơn 3 tháng tác nghiệp nơi tuyến đầu, PV Quang Tiến đã có 15 phóng sự, 4 tin truyền hình phát trên Đài truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV4 và VTV9); 6 phóng sự truyền hình phát trên kênh QPVN và các đài địa phương; 10 clip đăng trên các báo điện tử, trang tin và gần 200 tin, bài, ảnh đăng tải trên các báo in, báo điện tử Trung ương, địa phương, Báo Quân đội nhân dân và Báo Hải quân Việt Nam.

Tác nghiệp trong vùng dịch thực sự là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Sự lăn xả của các phóng viên, nhà báo trong đó có nhà báo, Trung tá Phạm Quang Tiến, báo Hải quân Việt Nam với mong muốn chuyển đến người dân cả nước những nỗ lực của các lực lượng đang căng mình nơi tuyến đầu chống dịch đã góp phần làm sáng ngời tinh thần chiến đấu của báo chí, tinh thần dũng cảm của người lính Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, góp phần cùng với cộng đồng quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19.

Theo biendao24h.com

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang