Kỷ niệm 60 năm ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961/23-10-2021)

Quân chủng Hải quân - lực lượng nòng cốt của Đường Hồ Chí Minh trên biển

11:02 22-10-2021

VBĐVN.vn - Đường Hồ Chí Minh trên biển là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tài thao lược, sự sáng tạo độc đáo trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân của Đảng ta và Bác Hồ, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Con đường huyền thoại ấy được xây đắp bằng công sức, trí tuệ, xương máu của đồng bào, chiến sĩ cả nước, trong đó Quân chủng Hải quân (QCHQ) vinh dự là lực lượng nòng cốt.

Cách đây 60 năm, thực hiện chủ trương chi viện cho cách mạng miền Nam của Trung ương Đảng, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn 759 (còn gọi là Đoàn tàu không số), tiền thân của Đoàn 125 (nay là Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân). Đoàn có nhiệm vụ mở tuyến vận tải chiến lược trên Biển Đông mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, chi viện sức người, sức của cho quân và dân miền Nam đánh Mỹ-ngụy giành thắng lợi, nhất là ở những chiến trường nằm sâu trong lòng địch, nơi mà Đường Hồ Chí Minh trên bộ chưa thể vươn tới.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, mà thường xuyên và trực tiếp là Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân, trong 15 năm làm nhiệm vụ (1961-1975), Đoàn 759/Đoàn 125 đã vượt mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, vận chuyển hàng trăm nghìn tấn vũ khí, hàng chục nghìn lượt người chi viện cho chiến trường miền Nam, lập nên kỳ tích Đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc.

Kỳ tích đó bắt nguồn từ sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; là kết quả phát huy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, tinh thần đoàn kết, sát cánh chiến đấu của quân và dân hai miền Nam-Bắc, trong đó QCHQ làm nòng cốt, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 là những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ.

Trước hết, với vai trò là lực lượng tác chiến chủ yếu trên hướng biển, QCHQ đã được Bộ Quốc phòng tin tưởng, giao trọng trách tổ chức vận chuyển bằng đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam. Thực tiễn cho thấy, sau 9 năm thành lập (1955-1964) với tên gọi ban đầu là Cục Phòng thủ bờ biển, lực lượng hải quân đã có sự trưởng thành nhanh chóng về mọi mặt.

Lãnh đạo Quân chủng Hải quân kiểm tra vũ khí, trang bị của cán bộ, chiến sĩ lực lượng thiết giáp Lữ đoàn 147.

Từ một cơ quan nghiên cứu, tham mưu, giúp bộ chỉ đạo bộ đội phòng thủ bờ biển, xây dựng lực lượng thủy quân bàn giao cho các quân khu, lực lượng hải quân đã phát triển thành một quân chủng của quân đội, trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy xây dựng lực lượng và hoạt động tác chiến, làm nòng cốt của thế trận chiến tranh nhân dân trên chiến trường biển, đảo.

Về lực lượng, từ những đơn vị nhỏ bé là các thủy đội ca nô chiến đấu, với 141 cán bộ, chiến sĩ, đến đầu năm 1964, QCHQ đã có hàng nghìn người, được trang bị gần 100 tàu mặt nước, cùng các trận địa pháo bờ biển, trạm radar quan sát, đài thông tin, hệ thống cầu cảng, kho tàng bố trí dọc bờ biển miền Bắc.

Bộ đội được đào tạo, bồi dưỡng, có trình độ tổ chức, chỉ huy, hiệp đồng, bản lĩnh, kỹ năng, kinh nghiệm đi biển; nắm chắc kiến thức hàng hải, thủy nghiệp, chuyên môn kỹ thuật; sử dụng thành thạo phương tiện, vũ khí, trang bị; thông thạo luồng lạch, khí tượng, hải văn; hiểu biết luật lệ, tập quán đi biển của Việt Nam và quốc tế.

Sự phát triển về quy mô tổ chức, lực lượng, phương tiện, trình độ và sức mạnh chiến đấu là cơ sở bảo đảm cho QCHQ có đủ khả năng vừa hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ miền Bắc, vừa làm nòng cốt vận tải chi viện chiến trường miền Nam trong thời điểm cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta bước vào giai đoạn vô cùng khó khăn, gian khổ.

Thứ hai, quán triệt sâu sắc chủ trương chi viện cách mạng miền Nam của Trung ương Đảng, QCHQ chủ động đề xuất Bộ Quốc phòng tổ chức tuyến đi và sử dụng phương tiện vận tải phù hợp, vận dụng linh hoạt các phương thức hoạt động, phát huy cao nhất hiệu quả con đường chi viện huyết mạch trên biển.

Ngay từ khi thành lập Đoàn 759, Quân chủng đã tham gia nghiên cứu, khảo sát chiến trường, giúp bộ chỉ đạo các chuyến tàu đi trinh sát mở đường, thử nghiệm phương án vận chuyển, góp phần khai thông Đường Hồ Chí Minh trên biển (tháng 10-1962).

Sau khi nhận bàn giao Đoàn 759 (tháng 9-1963) và đổi tên thành Đoàn 125 (tháng 1-1964), QCHQ trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy, dẫn tàu đi trên 5 cung đường khác nhau, gồm 2 tuyến gần bờ và 3 tuyến xa bờ, tuyến gần nhất khoảng 1.000 hải lý, xa nhất lên tới 3.500 hải lý.

Sau sự kiện Tàu C143 bị lộ ở Vũng Rô, Phú Yên (tháng 2-1965), con đường chi viện trên biển bị địch phát hiện, quân chủng đã táo bạo tổ chức tuyến đi vòng ra vùng biển quốc tế, đồng thời chỉ đạo Đoàn 125 trong từng chuyến đi xác định rõ tuyến chính, tuyến dự bị, tuyến nghi binh, vu hồi nhằm đối phó với hoạt động ngăn chặn của địch, đưa hàng đến đích an toàn.

Bộ tư lệnh quân chủng tích cực tham mưu, đề xuất với thủ trưởng Bộ Quốc phòng sử dụng các loại phương tiện vận chuyển phù hợp theo từng thời điểm, từ thô sơ, nửa hiện đại tiến dần lên hiện đại, từ tàu vỏ gỗ đến tàu vỏ sắt.

Trước năm 1963, ta chủ yếu sử dụng tàu vỏ gỗ lắp máy, nhưng do sức chở, sức chịu đựng sóng gió và tốc độ hạn chế nên đến năm 1964 đã chuyển sang sử dụng tàu vỏ sắt trọng tải từ 50 đến 100 tấn. Mặt khác, để nhanh chóng phát triển các đội tàu đáp ứng yêu cầu vận chuyển chi viện ngày càng nhiều cho miền Nam, QCHQ đã báo cáo Bộ Quốc phòng đề nghị nước bạn đóng tàu theo thiết kế của ta, phù hợp với đặc điểm hoạt động trên các cung đường khác nhau.

Bên cạnh đó, Bộ tư lệnh Hải quân chỉ đạo Đoàn 125 vận dụng linh hoạt các phương thức vận chuyển, kết hợp bí mật và công khai; sử dụng tàu giả dạng cùng lúc xuất phát ở nhiều bến, tiếp cận bãi đổ hàng trên nhiều hướng nhằm vượt qua các phòng tuyến chống thâm nhập của địch.

Thời gian đầu, thực hiện phương châm vận chuyển “nhanh, nhiều, táo bạo, thận trọng, bí mật, an toàn”, sau sự kiện Vũng Rô, kịp thời chuyển sang phương châm “du kích, bí mật, bất ngờ cao, độc lập đi biển tốt, mưu trí, linh hoạt, kiên trì, lấy tránh địch là chính, sẵn sàng chiến đấu cao”.

Địch phong tỏa đường trong ta đi đường ngoài. Địch ngăn chặn đường dài ta đi phân đoạn. Địch bám đuôi, ta đi ra vùng biển quốc tế. Địch phát hiện, áp sát tấn công, cướp tàu, ta đánh trả quyết liệt, sẵn sàng hủy tàu, giữ bí mật nhiệm vụ.

Thứ ba, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, điều hành, xây dựng và tổ chức hoạt động của lực lượng vận tải đường biển chiến lược; là trung tâm phối hợp, hiệp đồng với đơn vị bạn, địa phương làm nhiệm vụ chi viện chiến trường.

Lãnh đạo Quân chủng Hải quân kiểm tra Tàu 332, Lữ đoàn 172, Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Cụ thể, từ tháng 9-1963, Bộ Quốc phòng giao cho QCHQ trực tiếp quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo về mọi mặt đối với Đoàn 759, sau này là Đoàn 125. Từ đây, Đường Hồ Chí Minh trên biển bước vào thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, phát huy hiệu quả chi viện cao nhất.

Mặc dù phải đối mặt với muôn vàn gian nan, thử thách ác liệt, song với ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng hy sinh quên mình vì miền Nam ruột thịt, cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với tinh thần tự lực, tự cường, tranh thủ sự giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương và bạn bè quốc tế, QCHQ đã xây dựng được lực lượng vận tải biển tinh, gọn, phù hợp với điều kiện thời chiến và liên tục phát triển lớn mạnh. Tổ chức biên chế, phương tiện, trang bị của Đoàn 125 thường xuyên được kiện toàn, bổ sung, đáp ứng yêu cầu vận chuyển chi viện trong từng giai đoạn.

Trường Huấn luyện Hải quân và Đoàn 125 tích cực đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, thủy thủ; tăng cường quân số cho Đoàn 371, Đoàn 962 (Quân khu 9), góp phần mở rộng thành phần tham gia vận tải trên tuyến Bắc-Nam và vận tải chuyển tiếp ở chiến trường miền Nam.

Để chỉ đạo, điều hành hoạt động vận chuyển của Đoàn 125 và các đơn vị phối hợp, hiệp đồng, Bộ tư lệnh Hải quân tổ chức một bộ phận công tác chuyên trách tại Sở chỉ huy quân chủng. Đoàn 125 lập Sở chỉ huy cơ bản ở Hải Phòng, khi cần triển khai thêm Sở chỉ huy ở Quảng Bình, Nghệ An, trực tiếp đôn đốc, kiểm tra từng chuyến tàu làm nhiệm vụ.

Các ngành nghiệp vụ: Tác chiến, quân báo, quân lực, hàng hải, thông tin, radar, công binh, pháo binh, quân nhu, quân y, quân khí, tàu thuyền... tích cực nghiên cứu, nắm chắc tình hình, giúp quân chủng chỉ đạo Đoàn 125 triển khai các mặt công tác bảo đảm tác chiến và hậu cần, kỹ thuật cho nhiệm vụ chi viện chiến trường.

Với vai trò trung tâm hiệp đồng các lực lượng vận tải trên biển và bốc xếp ở hai đầu bến bãi, QCHQ đã cùng các bộ, ngành, quân khu, địa phương ven biển tổ chức khảo sát các tuyến đảo, khu vực cửa sông, bờ biển để bố trí bến bãi, sửa chữa cầu cảng, triển khai phương án bảo vệ, phòng gian, giữ bí mật nhiệm vụ.

Sự phối hợp chặt chẽ giữa QCHQ với các lực lượng đã góp phần bảo đảm cho Đường Hồ Chí Minh trên biển hoạt động thông suốt, vận chuyển nhanh gọn, đúng thời cơ, hiệu quả cao, hạn chế hy sinh, tổn thất.

Thứ tư, tham gia vận chuyển trên Đường Hồ Chí Minh trên biển gồm nhiều lực lượng (các bộ, ngành, quân khu ven biển, nhân dân địa phương), trải qua nhiều công đoạn (đưa hàng đến bến tập kết ở miền Bắc, vận chuyển hàng bằng đường biển vào bến tiếp nhận ở miền Nam, chuyển tiếp hàng đi các chiến trường).

Trong đó QCHQ, mà trực tiếp là Đoàn 125 là đơn vị chủ công, nòng cốt, đảm nhiệm những khâu quan trọng nhất, khó khăn, gian khổ nhất, quyết định thành công của nhiệm vụ chi viện. Ngoài ra, để Đoàn 125 hoạt động hiệu quả, quân chủng huy động rất nhiều lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất bảo đảm khác.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Hải quân, giai đoạn 1961-1975, Đoàn 125 đã tổ chức gần 2.000 lượt chuyến tàu vượt biển, chở hơn 100 nghìn tấn hàng, hàng chục nghìn lượt người, chiếm phần lớn trong tổng số hàng và người chi viện cho chiến trường.

Mỗi chuyến đi của Đoàn 125 là một cuộc đấu trí, đấu lực căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, bão tố. Tàu rời bến hành trình là xác định cảm tử, không hẹn ngày trở về. Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã anh dũng hy sinh, bị thương, bị địch bắt; hàng chục con tàu bị hư hỏng, phá hủy để cùng quân và dân cả nước dệt nên huyền thoại Đường Hồ Chí Minh trên biển-con đường của ý chí và sức sáng tạo Việt Nam trong thế kỷ 20, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Đường Hồ Chí Minh trên biển và truyền thống anh hùng của Đoàn tàu không số mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân ta nói chung, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ hải quân nói riêng.

Ngày nay, những giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm của Đường Hồ Chí Minh trên biển vẫn đang được gìn giữ, phát huy, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp xây dựng Quân chủng Hải quân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc trong tình hình mới.

Theo qdnd.vn

Ý kiến bạn đọc

  • Tên của bạn

    Địa chỉ email

  • Nội dung bình luận

Tin cùng chuyên mục


Lên đầu trang